Các đại biểu tham dự Hội thảo lần thứ năm của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ngày 9/11, Hội thảo lần thứ năm của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các đại sứ quán Canada, Australia, New Zealand và EU đồng tổ chức tại Hà Nội.
Tin liên quan |
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa: Giới thiệu những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam |
Tiếp nối thành công của chuỗi bốn hội thảo cùng chủ đề được tổ chức từ năm 2019 tại Hà Nội, hội thảo lần này thu hút nhiều chuyên gia, học giả có uy tín và các quan chức các nước thành viên ARF tham gia trao đổi, thảo luận về cách thức hợp tác, giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan.
Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ 27 quốc gia thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu và các bộ, ngành, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
UNCLOS 1982 - hiến pháp của biển và đại dương
UNCLOS 1982 - bản hiến pháp của biển và đại dương được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982. “Chỉ bằng cách duy trì và thực hiện đầy đủ UNCLOS, chúng ta mới có thể hợp tác đầy đủ và hiệu quả.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc hội thảo.(Ảnh: Anh Sơn) |
Như đã được nhấn mạnh nhiều lần, Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải thực hiện. Công ước cung cấp cho chúng ta khuôn khổ và một loạt công cụ để giải quyết những thách thức ngày nay”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Một mặt, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng trên thực địa cũng như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và việc khai thác không bền vững biển, đại dương đặt Biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế, trước nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.
Mặt khác, UNCLOS tiếp tục chứng tỏ vai trò không thể thay thế trong giải quyết các vấn đề và tranh chấp trên biển, là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển khuôn khổ pháp lý quốc tế để giải quyết các thách thức nổi lên.
Minh chứng cho điều này là những sự kiện quan trọng trong năm qua như: hoàn thành đàm phán Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Hay việc một số nước hỏi ý kiến và tham gia tiến trình Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) tiến hành xem xét và cho ý kiến tư vấn về quy định của UNCLOS liên quan đến phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, cũng như tiến trình đàm phán Công ước về Rác thải nhựa, trong đó có rác nhựa đại dương.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, hơn lúc nào hết, các quốc gia chỉ có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề trên biển trong khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác, bằng cách tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS.
Hội thảo là cơ hội để khẳng định UNCLOS 1982 tiếp tục đứng vững phép thử của thời gian, là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng; nhấn mạnh mọi tranh chấp và các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Các đại biểu tham dự hội thảo đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN vì hòa bình, thịnh vượng
Chia sẻ quan điểm với Việt Nam, các đồng chủ tọa (bao gồm Đại sứ Canada, Phó Đại sứ Australia tại Hà Nội, Đại sứ New Zealand và Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam) đều đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS và cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đăng cai tổ chức chuỗi hội thảo này.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil bày tỏ quan ngại tới các diễn biến tại Biển Đông cũng như các vấn đề mới không ngừng nảy sinh trên biển; khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực trong các vấn đề liên quan.
Theo Đại sứ Shawn Steil, Canada và ASEAN chia sẻ nhiều giá trị chung, trong đó có cam kết chung thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Cam kết chung này được phản ánh trong quan hệ Đối tác chiến lược Canada-ASEAN được thiết lập gần đây, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai bên và sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho việc tăng cường hợp tác trong nhiều thập kỷ tới, bao gồm cả thông qua ARF và các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Anh Sơn) |
Về phần mình, Đại sứ New Zealand Tredene Dobson cũng đề cao tầm quan trọng của UNCLOS trong đảm bảo thịnh vượng, an ninh và ổn định chung của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
“UNCLOS củng cố sự thịnh vượng, an ninh và ổn định chung của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều mà chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để duy trì”, Đại sứ New Zealand nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Tredene Dobson cũng cho rằng các hiệp định hay khuôn khổ đa phương mới liên quan đến hàng hải cũng cần phải tuân thủ, phù hợp với UNCLOS.
Phó Đại sứ Australia Mark Tattersall bày tỏ Australia đã đồng hành với Hội thảo ARF về UNCLOS qua 5 năm, với sự tin tưởng dành cho vai trò trung tâm của ASEAN đối với giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là các vấn đề trên biển, nhấn mạnh sự cần thiết có các nỗ lực chung của các nước trong khu vực.
Ông Mark Tattersall nhấn mạnh rằng ASEAN đúng đắn khi khẳng định rằng các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Australia cam kết coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và kiên định ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như Tầm nhìn Hàng hải ASEAN (AMO).
Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Đức Hạnh phát biểu bế mạc hội thảo. |
Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong phát triển kinh tế toàn cầu, cùng với đó là an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, hy vọng các nước liên quan sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và tính tới lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu thảo luận về 2 nhóm vấn đề chính, gồm sự điều chỉnh của UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan, tập trung vào một số vùng biển như: vùng biển cả, đáy biển ngoài quyền tài phán quốc gia và thềm lục địa kéo dài; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi UNCLOS 1982, trong đó có quy định của UNCLOS về chống biến đổi khí hậu và vấn đề trách nhiệm của quốc gia gây thiệt hại gây ra cho cáp thông tin ngầm của nước khác. Các phát biểu đều đề cao giá trị của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua, nhấn mạnh đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ, cũng như là cơ sở để thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển và đại dương trong khu vực. |
| Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới ... |
| Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và việc bảo vệ quyền lợi Việt Nam trên Biển Đông (Kỳ 1) Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đã cho phép Việt Nam mở rộng quyền lực và lợi ích ... |
| Thủ tướng Hà Lan dự Hội thảo bàn tròn ‘Luật pháp quốc tế và trật tự trên biển’ Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và khẳng định rằng Hà Lan, ... |
| Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và việc bảo vệ quyền lợi Việt Nam trên Biển Đông (Kỳ 2) Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đã thúc đẩy việc phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp ... |