📞

Hơn 8 triệu lao động Việt Nam có việc làm mới trong 5 năm, các quyền cơ bản của trẻ em được đảm bảo

An Chu 15:41 | 11/01/2021
TGVN. Trong giai đoạn 2015-2020, 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên, các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm, chỉ số phát triển con người đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. (Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Phát biểu tại một Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 11/1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong giai đoạn 2015-2020 và đặc biệt, năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội được đảm bảo.

"Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng. Mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên. Người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam nằm trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị - xã hội, kết quả giảm nghèo đa chiều nhanh, bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến nay là 2,75% năm 2020, qua đó chúng ta về đích trước 10 năm so với Mục tiêu thiêu niên kỷ..."

Trong 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635 ngàn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng - vượt tới 27% chỉ tiêu chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.

Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN và 77/158 quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Xét về tổng quan trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong các khối ASEAN. Đặc biệt, năm 2020 chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN.

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 05/01) về kết quả 5 năm 2016- 2020 cho thấy, niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%. Về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc.

Bộ trưởng khẳng định: "Đây có thể nói là kết quả vô giá về sự quan tâm và kết quả nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các chính sách an sinh xã hội".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần phải tiếp tục nghiên cứu và bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đó là độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%).

Chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ, hệ số GINI cao (0,39) làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao (32%); việc làm chưa thực sự bền vững.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2021, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cần nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu nhất quán thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm và động lực phát triển.

(theo Dân trí)