Tàu khu trục USS Carney bắn hạ UAV Houthi ngày 3/12. (Nguồn: AFP) |
Ngày 3/12, phiến quân Houthi tại Yemen đã bắn tên lửa đạn đạo nhắm vào Unity Explorer, Number 9 và Sophie II khi ba tàu chở hàng này đi qua Biển Đen. May mắn thay, những cuộc tấn công chỉ gây thiệt hại nhỏ và không có thương vong.
Đáng chú ý, trong quá trình di chuyển để hỗ trợ các tàu gặp nạn nêu trên, USS Carney, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ, đã bắn hạ một số máy bay không người lái (UAV) khác đang hướng về phía mình.
Ít lâu sau vụ việc, lực lượng Houthi thừa nhận đã thực hiện các vụ tấn công nhắm vào hai tàu họ cho là của Israel.
Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ cho biết đang xem xét “phản ứng thích hợp” đối với các cuộc tấn công đe dọa thương mại quốc tế và an ninh hàng hải tại khu vực này. Đáng chú ý, họ cho rằng dù các cuộc tấn công có thể sử dụng tên lửa có nguồn gốc từ Iran, song Houthi mới là bên quyết định tấn công. Quan trọng hơn, tần suất các vụ việc như vậy đang ngày một gia tăng.
Cơ hội chiến lược
Ông Emile Hokayem, chuyên gia phân tích các hoạt động quân sự của Iran trong khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Washington D.C. (Mỹ), cho rằng các đợt tấn công mang tới cơ hội chiến lược cho Houthi.
Trước hết, bằng cách liên kết những vụ việc này với cuộc tấn công của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vào lực lượng Hamas ở Gaza, người Houthi có thể cải thiện vị thế của họ trong thế giới Arab, nơi vẫn ủng hộ chính nghĩa của người Palestine. Nó sẽ chứng minh rằng lực lượng Houthi, như họ tuyên bố, đứng về phía người yếu thế và hơn nữa, họ có thể tấn công các mục tiêu khác ngoài Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, Houthi muốn gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Biển Đỏ hiện nay có thể là một “sân khấu” hợp pháp cho nỗ lực chống lại người Do Thái. Đồng thời, lực lượng này sẵn sàng truy đuổi các tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ có quan hệ với Israel, dù mong manh. Sự phức tạp của các cuộc tấn công vừa qua cũng cho thấy người Houthis không còn là một thế lực “chắp vá” như nhiều người nghĩ.
Kho vũ khí hùng hậu
Sự lớn mạnh và ý chí của phiến quân tại Yemen thể hiện rõ trong nhận định của ông Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa và UAV tại Trung Đông tại IISS.
Theo nhà phân tích này, lực lượng trên có thể đã nhận được lượng lớn tên lửa chống hạm và UAV từ Iran, trong quá trình chiến đấu với quân đội Yemen. Houthi sở hữu ít nhất 10 tên lửa chống hạm khác nhau, bao gồm cả tên lửa loại Exocet bay lướt trên biển có khả năng thu tín hiệu radar và có tầm bắn 120 km. Ngoài ra, họ cũng có tên lửa hành trình Quds z-0 và Sayad, với tầm bắn lên tới 800km và các thiết bị tìm kiếm radar, hồng ngoại hoặc quang điện để xác định mục tiêu.
Đồng thời, phía Houthi còn có một kho tên lửa đạn đạo chống hạm chạy từ các hệ thống tầm ngắn được sản xuất trong nước đến các tên lửa tầm xa và nặng hơn nhiều như Asef và Tankil dùng nhiên liệu rắn (dựa trên tên lửa Fateh và RAAD-500 của Iran, vốn có thể mang đầu đạn nặng 300kg và được thiết kế để bắn trúng tàu chiến ở khoảng cách tới 500km). Xét trên thiệt hại có phần hạn chế trong các cuộc tấn công mới nhất, có lẽ phía Houthi đã sử dụng các loại tên lửa nhỏ hơn.
Đó là chưa kể tới các UAV tấn công. Theo ông Hinz, các UAV mới đây bị USS Carney bắn hạ là các phiên bản UAV tình báo và do thám sao chép lại từ RQ-21 của Mỹ. Bên cạnh đó, Houthi cũng có sở hữu một số tàu không người lái có khả năng đặt mìn.
Cần một giải pháp
Với quy mô và mức độ đa dạng trong kho vũ khí chống tàu của mình, lực lượng Houthi hoàn toàn có năng lực đe đọa tới các phương tiện đường thủy di chuyển qua eo biển Bab al-Mandab chạy qua bờ biển Yemen và là “nút thắt” ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, không khó để thấy các tàu chiến Mỹ không nằm trong mục tiêu bị nhắm tới. Hùng hậu là vậy, song kho vũ khí của Houthi vẫn chưa thể gây tổn hại cho các tàu khu trục và tàu sân bay được phòng thủ kỹ lưỡng của Hải quân Mỹ.
Dù vậy, liệu những tàu này có thể bảo vệ được tuyến đường thương mại ở Biển Đỏ hay không lại là câu chuyện khác. Hiện tần suất các vụ tấn công tên lửa vào tàu thương mại đang gia tăng. Tìm kiếm và tiêu diệt bãi phóng cùng kho vũ khí có thể là giải pháp, song đó chắc chắn là nhiệm vụ không dễ dàng cho xứ cờ hoa.
Cuối tuần qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã kêu gọi nước này có cách tiếp cận quyết liệt hơn đối với Houthi. Tuy nhiên, như ông Hokayem nói, điều cuối cùng mà Nhà Trắng muốn là bị lôi kéo vào nội chiến ở Yemen, cuộc xung đột mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng để giảm leo thang.
Trong bối cảnh đó, các đợt tấn công của Houthi vào tàu thương mại tiếp tục là mối nguy trên Biển Đỏ chưa thể phớt lờ.