Đặc biệt, ông Counrtney nhấn mạnh các nước vừa và nhỏ như Kazakhstan có vai trò quan trọng trong việc duy trì một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu. “Các cường quốc hạt nhân chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc giảm thiểu rủi ro hạt nhân. Điều này được thể hiện qua việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran cuối tháng Bảy năm ngoái. Tuy nhiên, các nước vừa và nhỏ, trong đó có Kazakhstan đã có những đóng góp to lớn trong tiến trình này”.
Có thể khẳng định, các mối đe dọa hạt nhân là nỗi lo của toàn cầu, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên đang có các hành động khiêu khích bằng tên lửa ở khu vực Đông Bắc Á; căng thẳng Ấn Độ - Pakistan leo thang và việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran mới ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, nỗ lực ngăn chặn các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay những kẻ khủng bố cũng là một ưu tiên chính của cộng đồng quốc tế.
Nước lớn không thể đảm bảo môi trường an ninh ổn định nếu không có sự tham gia của các nước nhỏ. Những nước này có thể sử dụng sức mạnh mềm để trung hòa lợi ích giữa các nước tại các hội nghị an ninh hạt nhân nhằm đạt được những hành động cụ thể, giải quyết nguy cơ hạt nhân.
Trong quá khứ, Kazakhstan đã làm tốt điều này hơn nhiều quốc gia khác. Năm 1991, khi vẫn thuộc Liên Xô, Kazakhstan đã phản đối và buộc Moscow phải đóng cửa khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân quan trọng tại Semipalatinsk (nay là Semey). Tại đây, gần 500 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện, làm ô nhiễm 18 triệu km2 đất và gây ra các nguy cơ về sức khỏe cho 1,5 triệu người.
Vài tháng sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, chính phủ Kazakhstan gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý 1.000 đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa SS18 vẫn còn lại trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nursultan Nazarbayev, Kazakhstan đã khéo léo giải quyết vấn đề này thông qua hợp tác, phá hủy, dỡ bỏ hoặc chuyển chúng sang Liên Xô.
Ông Courtney nhận định, với sự kiên trì và nhẫn lại, chính phủ Kazakhstan đã tích cực hợp tác cấp khu vực và quốc tế để ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố. Đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev đã tận dụng các mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo trên thế giới, tạo ra không gian cho hai vòng đàm phán giữa P5+1 và Iran trong năm 2013, thúc đẩy các bên đạt được Kế hoạch Hành động Toàn diện chung. Bằng những cử chỉ ngoại giao mền dẻo và những hành động cụ thể, mang tính thiện chí, Kazakhstan đã góp phần vào nỗ lực tạo ra một khu vực phi hạt nhân ở Trung Á.