📞

Hy vọng về một kết quả tích cực cho TPP

17:09 | 09/11/2017
Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trả lời TG&VN, ông Võ Trí Thành – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) hy vọng, các nhà Lãnh đạo TPP sẽ đưa ra tuyên bố trên tinh thần tích cực, giữ được cốt lõi của Hiệp định. 

Ông có nói rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù tình huống nào cũng là bước tiến quan trọng cho hội nhập ở châu Á- Thái Bình Dương. Lý do nào khiến ông tin tưởng và khẳng định điều đó?

Tôi tin tưởng, quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại, đầu tư dù có những khó khăn, gập ghềnh nhất định nhưng vẫn là xu thế không thể đảo ngược, bởi nó thể hiện sức mạnh thị trường, thúc đẩy sự phát triển, chuyển biến, đặc biệt là gắn với cuộc cách mạng về công nghệ, tạo thuận lợi cho các kết nối.

Ông Võ Trí Thành trả lời phóng viên bền lề Đối thoại ngày 28/8. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trên thực tế, tự do thương mại đã mang lại những thành tựu đáng kể trong phát triển và tăng trưởng kinh tế của mỗi nền kinh tế. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hội nhập không phải là tất cả, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nhưng những nền kinh tế có khuôn khổ hội nhập sâu rộng hơn thì khả năng đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn. Đặc biệt, trong một chừng mực nào đó, hội nhập góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, trong xu thế ấy, thực tiễn hội nhập hiện nay đã đáp ứng được những đòi hỏi và yêu cầu mới về mở cửa tự do hóa thương mại đầu tư, khi cách thức kinh doanh mới, hay vấn đề di chuyển các nguồn lực, hàng hóa, thông tin, công nghệ… đều đã có những thay đổi hết sức căn bản.

Tức là TPP có thể được xem như bước đệm để khu vực châu Á – Thái Bình Dương xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho toàn khu vực trong dài hạn?

Hiệp định TPP không đơn giản là hiệp định thương mại truyền thống mà đã tính đến những yêu cầu và đòi hỏi mới.

Tôi thấy có hai vấn đề rất quan trọng.  Một mặt, để hội nhập thành công thì phải gắn với cải cách bên trong. Và nếu nhìn vào Hiệp định TPP sẽ thấy rất nhiều mối liên kết liên quan đến yếu tố chính sách và điều tiết của nền kinh tế, như doanh nghiệp Nhà nước, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn môi trường, lao động, quyền sở hữu trí tuệ… Mặt khác, chính những vấn đề bên trong đó lại đáp ứng được những đòi hỏi của các cách thức vận hành mới, luật chơi mới, yêu cầu mới.

Vì vậy với TPP, chúng ta thấy những vấn đề cập nhật đã thành xu thế như: chuyển dịch số, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, môi trường… Mà xu thế thì không thể đóng được. Nếu đặt xu thế ấy bên cạnh truyền thống thì phải đáp ứng được những yêu cầu mới. Đây là yếu tố rất quan trọng cho quá trình liên kết, hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP đã vượt lên giá trị đơn thuần của một hiệp định thương mại tự do, không chỉ là giữa các thành viên Hiệp định, mà được xem như hình mẫu để các hiệp định FTA khác nhìn nhận và học hỏi.

Tại Peru 2016, các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đã khẳng định, cùng với các hiệp định khác trong khu vực như RCEP, TPP chính là bước quan trọng, tiến tới hình thành một hiệp định thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuyên bố của các Bộ trưởng 11 thành viên TPP bên lề SOM 2, hồi tháng Năm tại Hà Nội, nhấn mạnh tới việc tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa TPP. Đến nay, TPP đã tiếp tục trải qua thêm bốn vòng đàm phán nữa. Ông có thể cho biết phản ứng và kỳ vọng của các bên về thoả thuận này? Nhận định của ông về tương lai TPP?

Tuyên bố của 11 thành viên TPP bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho giá trị TPP, vừa mang ý nghĩa của quá trình hiện thực hóa TPP trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định. Tuyên bố này thể hiện rõ bốn điểm.

Đến thời điểm hiện nay, Hiệp định TPP còn 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam (TPP -11). Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định từ tháng 1/2017.

Thứ nhất, đánh giá cao các giá trị của TPP cả về mặt chiến lược và sự tác động về kinh tế, cùng với đó là nỗ lực hiện thực hóa những giá trị của TPP. Thứ hai, bảo đảm rằng, dù có thành viên rút khỏi TPP, nhưng cánh cửa vẫn luôn mở để họ quay lại. Thứ ba, những nền kinh tế khác đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP được chào đón. Thứ tư, giao cho các nhóm nghiên cứu nhiều kịch bản khác nhau để xem xét, yêu cầu đặt ra trước Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Cho đến nay đã có thêm bốn cuộc gặp, vấn đề đặt ra tại đây luôn là thúc đẩy TPP. Thách thức lớn là khi xem xét lại các điều khoản của TPP-11, mỗi thành viên đều có nhu cầu rút bỏ một số cam kết của TPP nguyên gốc. Tôi luôn hy vọng danh mục các điều khoản bị đóng băng tối thiểu. Hoặc nếu có thể bị đóng băng một phần nào đó, dù không được thực hiện, nhưng phải giữ được tinh thần TPP chất lượng cao. Chỉ có như vậy, TPP-11 mới thực sự mang lại ý nghĩa và có sức lan toả. 

Hiện nay, các thành viên TPP-11 đều đã đệ trình danh mục để đàm phán, xem xét. Tôi hy vọng, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các nhà Lãnh đạo TPP sẽ ra được tuyên bố trên tinh thần tích cực, trong đó, khẳng định kết thúc đàm phán thực thi và giữ được cốt lõi của hiệp định TPP với tinh thần chất lượng cao được duy trì.

Vậy Việt Nam nên tiếp tục có những thay đổi như thế nào để hội nhập tốt hơn trong APEC và trang bị một mô hình mới cho hội nhập thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện và bền vững?

Năm nay, chủ đề của APEC rất “trúng” và hợp thời, đáp ứng cả yêu cầu thúc đẩy duy trì cốt lõi của APEC, đồng thời đã tính đến các vấn đề mà hội nhập, liên kết, cũng như phát triển hiện nay đang vấp phải, như đảm bảo tính bao trùm, tính công bằng. Chủ đề năm nay cũng đã bao hàm được những đòi hỏi, xu thế mới, mà quá trình liên kết, hội nhập, phát triển khu vực phải có được. Chẳng hạn, vấn đề về công nghệ, sáng tạo liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chủ đề và ưu tiên của APEC 2017 cũng phản ánh cách thức, nội hàm của quá trình hội nhập của Việt Nam nói chung và của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Hội nhập chính là cơ hội mở rộng, tiếp cận thị trường, quan hệ hợp tác với các đối tác vì mục tiêu phát triển. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp có nhiều vận hội mới để phát triển kinh doanh của mình bền vững, năng động.

Với Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta, với tư cách là nền kinh tế có quy mô trung bình, phát triển ở mức thấp, có thể có cuộc chơi cùng thắng và cân bằng được lợi ích chiến lược, đặc biệt với các nền kinh tế trong khu vực. Quan trọng hơn nữa, phát triển gắn với hội nhập, dựa trên nhiều cam kết, tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, sẽ giúp Việt Nam có bước đi mạnh mẽ hơn trong cải cách từ bên trong nền kinh tế.

Hội nhập song hành với cải cách nền kinh tế chính là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển. Bài học ở APEC là những chuyển biến ở khu vực và thế giới, luôn gắn với những xu thế mới, đòi hỏi Việt Nam phải nhận biết và nắm bắt được các tác động của nó. Và điều chắc chắn rằng, chỉ hội nhập gắn với cải cách từ bên trong mới có thể có cơ hội, vận dụng được cơ hội, cũng như lựa chọn được những yếu tố thích hợp nhất để phát triển nền kinh tế.

(thực hiện)