Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. (Nguồn: AP) |
Thông tin với báo giới trước thềm sự kiện trọng đại của xứ sở vạn đảo, ông Ahmad Muzani - Tổng thư ký Đảng Gerindra cầm quyền cho biết, lễ nhậm chức của Tổng thống Prabowo Subianto sẽ có 21 vị nguyên thủ và lãnh đạo các nước tham dự. Để bảo đảm an ninh cho buổi lễ, Indonesia sẽ triển khai một lực lượng hùng hậu, bao gồm quân đội, không quân và hải quân cùng với 7.000 cảnh sát.
Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto (72 tuổi) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng Hai. Ông cùng ứng viên Phó Tổng thống Gibran Rakabuming Raka (36 tuổi), con trai của đương kim Tổng thống Widodo, giành 58,6 % số phiếu bầu, bỏ xa cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan và ứng viên Muhaimin Iskandar về nhì với 24,94% số phiếu.
Kể từ khi chiến thắng, ông Prabowo đã công du nhiều nước, trong đó có các điểm đến quan trọng hàng đầu của Jakarta như Trung Quốc, Nga, Pháp và hầu hết các nước ASEAN. Các chuyến công du trước khi nhậm chức của ông Prabowo được nhiều nhà phân tích đánh giá là nỗ lực tạo dựng sự công nhận toàn cầu, thể hiện tham vọng về chính sách đối ngoại của Indonesia khi ông lên nắm quyền.
Ông Prabowo sinh ra trong gia đình có cha từng giữ chức Bộ trưởng dưới thời Tổng thống Sukarno. Tuy nhiên, ông phải sống lưu vong từ khi còn trẻ khi cha ông, một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất Indonesia, phải trốn ra nước ngoài vì bày tỏ quan điểm phản đối Tổng thống Sukarno. Năm 1967, khi Tướng Suharto lên nắm quyền, gia đình ông về nước.
Năm 1970, ông Prabowo nhập ngũ và phục vụ trong Lực lượng đặc nhiệm rồi kết hôn với con gái của Tổng thống Suharto năm 1983. Sau khi chính quyền Suharto sụp đổ năm 1998, ông một lần nữa rời Indonesia, sống lưu vong ở Jordan. Năm 2008, ông về nước, thành lập đảng chính trị riêng rồi ra tranh cử tổng thống vào năm 2014 và 2019, nhưng đều thất bại trước Tổng thống Widodo. Ông Prabowo từng là đối thủ lâu năm của Tổng thống Widodo, nhưng hiện ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, giới quan sát đang chờ xem ông Prabowo sẽ giải quyết các bài toán khó này như thế nào. Trong chuyến công du Bắc Kinh, Tổng thống đắc cử Indonesia cho biết Indonesia cam kết thực hiện chính sách không liên kết và sẽ giữ quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ.
Ông Prabowo cũng đang nỗ lực để các chính đảng ở Indonesia có thể hòa hợp hướng tới mục tiêu chung là sự thịnh vượng quốc gia, vì lợi ích của người dân.
Theo Reuters, vào ngày 15/10, ông Prabowo đã gặp các ứng viên cho các vị trí cấp cao trong chính phủ để tìm cách đưa đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P) - đảng chính trị lớn nhất của Indonesia vào liên minh cầm quyền tại Quốc hội. Nếu Tổng thống đắc cử Prabowo đạt được thỏa thuận với PDI-P, thì sẽ không có đảng đối lập nào trong Quốc hội, một tình huống chưa từng có kể từ khi Indonesia bắt đầu tổ chức bầu cử Tổng thống trực tiếp vào năm 2004. Cho đến nay, bảy trong số tám đảng trong Quốc hội đã tham gia liên minh của ông Prabowo.
Với số phiếu bầu cao khi tranh cử cùng với kinh nghiệm chính trị dày dạn và liên minh cầm quyền chiếm đa số, nhiệm kỳ của tân Tổng thống Prabowo hứa hẹn mang lại những thay đổi lớn cho quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.