📞

Indonesia 'sốt ruột' nhìn nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á

Nguyên Vy 19:40 | 01/10/2020
TGVN. Theo Jakarta Post, Việt Nam thuộc số ít các nước có khả năng sẽ nhận được lợi thế trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và trong bối cảnh đó, Indonesia cần thúc đẩy ngoại giao kinh tế.

Đã 8 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thế giới. Với mức độ lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao, căn bệnh gây ra một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng.

Gia tăng bảo hộ thương mại

Không những thế, đại dịch thậm chí ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ giữa các quốc gia, tác động đến cả khía cạnh chính trị và kinh tế.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều quốc gia đã có những hành động ích kỷ như cấm xuất khẩu thiết bị và vật tư y tế.

Có những lo ngại rằng, xu hướng này sẽ làm tổn hại các nguyên tắc của thương mại tự do. Một số chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ bị mắc kẹt trong dòng chảy ngược của toàn cầu hóa: sự gia tăng bảo hộ thương mại quốc tế, làm gián đoạn thương mại thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. Hậu quả của tình trạng suy thoái kinh tế càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh các quốc gia ngày càng kết nối và phụ thuộc nhau trong một chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là người chơi chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng đang trong tình trạng tăng trưởng chậm.

Hậu quả thương chiến Mỹ- Trung

Nhưng sự suy thoái kinh tế và thương mại thế giới bị gián đoạn không thể chỉ đổ lỗi cho đại dịch. Trên thực tế, căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân đầu tiên gây ra những sóng gió cho nền kinh tế toàn cầu.

Đầu năm 2018 người ta đã cảm nhận được tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo thống kê, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 16% trong năm 2019 so với năm 2018. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 35 năm qua. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ khắp nơi trên thế giới chỉ giảm 2%. Như vậy, đã có sự chuyển dịch nguồn cung sang Mỹ.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. (Nguồn:UNIDO)

Điều thú vị là Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) lại nhận được lợi thế từ ​​sự chuyển dịch này. Xuất khẩu của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) sang Mỹ tăng lần lượt 36% và 19% trong năm ngoái.

Xuất khẩu sang Mỹ của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng mặc dù không đáng kể, ở mức 5% và 6,3%.

Trong khi đó, xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ giảm 3% trong năm 2019.

Rủi ro khi ‘bỏ trứng một giỏ’

Đại dịch đã khiến Mỹ và các nước khác nhận thức được rằng, việc phụ thuộc vào Trung Quốc là rất rủi ro cho khả năng phục hồi kinh tế của họ.

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, Peter Navarro, cho rằng, Mỹ cần dịch chuyển cơ sở sản xuất có liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào các nước khác.

Thực tế, Mỹ đang dịch chuyển các nhà máy công nghiệp khỏi Trung Quốc. Nhật Bản và Đức cũng vậy. Nhật Bản đã lập quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để trợ giúp các công ty của nước này di dời cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Đức cũng dự định di dời một phần tư các công ty của nước này tại Trung Quốc sang các nước khác.

Một số nhận định cho rằng, việc ba nước này chuyển các cơ sở công nghiệp khỏi Trung Quốc sẽ thay đổi cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn từ trước đến nay vẫn do Trung Quốc thống trị.

Viện nghiên cứu Nomura tiết lộ rằng, trước khi xảy ra đại dịch, từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, ít nhất 56 công ty nước ngoài đã di dời các nhà máy của họ khỏi Trung Quốc.

Trong số đó, 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan (Trung Quốc), 8 đến Thái Lan, 3 chuyển đến Ấn Độ và 2 đến Indonesia.

Rõ ràng là Indonesia, không giống như các nước láng giềng ASEAN, vẫn chưa tận dụng được các cơ hội để đón sóng đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đại dịch và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Indonesia ráo riết thúc đẩy ngoại giao kinh tế

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi đã chỉ thị tất cả các cơ quan đại diện Indonesia ở nước ngoài tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp và nhà đầu tư để tìm hiểu khả năng chuyển đầu tư của họ sang Indonesia.

Ví dụ, Đại sứ quán Indonesia tại Berlin đã tiếp cận với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tìm hiểu về kế hoạch di dời của hơn 100 công ty Đức từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo tờ Jakarta Post, trong ngoại giao kinh tế, nỗ lực thu hút đầu tư ở nước ngoài là một chuyện, còn môi trường đầu tư là một chuyện khác. Cả hai phải song hành. Ngoại giao kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không có sự cải thiện môi trưởng kinh doanh trong nước.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020 cho thấy, Indonesia đứng thứ 6 trong số 10 thành viên ASEAN về mức độ dễ dàng kinh doanh. Khi nói đến chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số tham nhũng, Indonesia đứng thứ tư. Ba chỉ số này chắc chắn sẽ tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ Thái Lan và Việt Nam, Indonesia cần kết hợp nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn đầu tư với các chính sách tự do hóa thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách nông nghiệp, luật lao động và thuế quan.