Ông Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố là Tổng thống Mỹ, chụp ảnh lưu niệm với chủ quán mì ở Bắc Kinh năm 2011. (Nguồn: Global Times) |
Đối với một số người Trung Quốc, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có thể là một gương mặt mới và một cái tên xa lạ mà họ vừa chú ý đến vì chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ căng go với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Nhưng một số khác có thể đã biết đến đến ông, cựu Phó Tổng thống Mỹ từng thăm Trung Quốc trong năm 2011, người đã ăn mì trong một quán bình dân ở Bắc Kinh.
“Ngoại giao mì” lan truyền mạnh mẽ
Ngay sau khi các phương tiện truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào ngày 7/11 (giờ Mỹ), tên của ông đã thành từ khóa “hot” nhất trên các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc. Hầu hết cư dân mạng xứ Trung đều suy đoán chính sách của ông sẽ giúp quan hệ Mỹ-Trung, vốn đang trong xung đột thương mại căng thẳng, có thêm hy vọng. Và câu chuyện được gọi là “ngoại giao mì” ở quán Yao's Chao Gan, một quán mì theo kiểu hộ kinh doanh gia đình, nơi ông Biden từng ghé thăm vào năm 2011, lại lan truyền mạnh mẽ.
Nhiều cư dân mạng đã đăng những bức ảnh cũ chụp lưu niệm ông Biden ăn mì trong nhà hàng trên mạng xã hội Sina Weibo, thúc giục cửa hàng ra mắt món mì với tên gọi "Suất Tổng thống", trước đây được gọi là "Suất Biden". Theo các phương tiện truyền thông, một “Suất Tổng thống” sẽ bao gồm 5 bát mì sốt đậu đen, 10 cái bánh bao hấp, salad dưa chuột đập dập, salad khoai lang, khoai tây cắt nhỏ và Coca-Cola. Số khác kêu gọi mọi người đặt một món gì đó từ nhà hàng đặc biệt trong dịp này.
Ông Yao Long, chủ nhà hàng nằm ở khu phố cổ Bắc Kinh bỗng chốc trở nên nổi tiếng, gọi ông Biden là "một người bạn cũ", mặc dù chỉ có thể mơ hồ nhớ lại ngày Phó Tổng thống Mỹ bất ngờ ghé thăm nhà hàng của mình vì cũng khá lâu rồi. “Tôi chân thành chúc mừng ông ấy (ông Biden) đã được nhiều người ủng hộ làm Tổng thống Mỹ, vì ông ấy từng là khách trong nhà hàng của chúng tôi”, ông Yao nói.
Mặc dù vậy, nhiều khách hàng đến quán cho biết họ không biết ông Biden là ai. Chỉ một cụ ông đi ngang qua nói rằng ông thấy quen với cái tên này vì biết ông Biden đã từng đến quán khi còn là Phó Tổng thống Mỹ. Nhưng khi được yêu cầu bình luận về cuộc bầu cử, ông nói với Global Times: "Tôi không quan tâm. Đó là chuyện của nước Mỹ".
Một số cư dân mạng Trung Quốc coi ông Biden như một "người bạn cũ", vì trong chuyến thăm Trung Quốc năm xưa, ông Biden còn đi xem một trận đấu bóng rổ, đưa cháu gái học tiếng Trung của ông ấy đến Trung Quốc và thăm những người dân bị ảnh hưởng sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên. Những việc đó đã để lại dấu ấn tích cực trong ký ức của nhiều người dân Trung Quốc.
Zhang Tengjun, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận xét: “Gần gũi với mọi người là cách tiếp cận dễ thương của ông Biden, giúp ông ấy giành được sự yêu mến từ công chúng”.
Quán Yao's Chao Gan , một quán mì theo kiểu hộ kinh doanh gia đình, nơi ông Biden từng ghé thăm vào năm 2011. (Nguồn: CFP) |
Cư dân mạng Trung Quốc cũng nhiệt tình “đào sâu” về tiểu sử và nỗ lực vươn lên nghịch cảnh của ông Biden. Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã phải vượt qua chứng nói lắp, mất đi người vợ đầu tiên cùng cô con gái yêu quý trong một vụ tai nạn xe hơi và sau đó con trai Beau của ông qua đời vì bệnh ung thư. Ông Biden cũng từng thất bại trong 2 lần nỗ lực chạy đua làm ứng cử viên tổng thống và cuối cùng đã “gần như” giành được vương miện ở tuổi 78. Cuộc đời ông được cư dân mạng ở quốc gia châu Á ca ngợi là câu chuyện "truyền cảm hứng".
Nhưng không phải ai nào cũng thích hành động bình dị của ông Biden vào thời điểm đó, điều mà một số nhà quan sát cho là chỉ vì mục đích rõ ràng là lấy lòng người, đồng thời lưu ý rằng một “thủ thuật” như vậy sẽ dễ dàng “qua mặt” người Trung Quốc.
Thận trọng nhìn về tương lai quan hệ Mỹ-Trung
Sau khi ông Biden được truyền thông xướng tên trong cuộc đua làm chủ Nhà Trắng, các nhà phân tích Trung Quốc cũng cảnh báo rằng sự kiện này sẽ không thay đổi định hướng tổng thể trong chính sách đối với Bắc Kinh của Washington. Bởi bất kể ai làm chủ Nhà Trắng trong một mức độ nhất định, Mỹ sẽ duy trì cách tiếp cận hiện tại đối với Trung Quốc.
Ông Jin Canrong, Phó Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định: “Chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào ông Biden, bởi vì kiềm chế và đối đầu với Trung Quốc là sự đồng thuận chiến lược giữa hai đảng lớn của Mỹ. Ông Biden có thể có các biện pháp khác nhau nhưng không phải là một hướng khác hoàn toàn”.
Theo ông Canrong, chiến thắng của ông Biden sẽ khiến một số tiếng nói trong nội bộ Trung Quốc nuôi dưỡng ảo tưởng về một sự đảo ngược chính sách của Mỹ nhưng Trung Quốc nên “cảnh giác và đi đúng con đường củng cố tự lực cánh sinh”.
Có thể chiến thắng của ông Biden có lợi cho quán mì Yao's Chao Gan nhiều hơn là xu hướng của quan hệ Mỹ-Trung. (Nguồn:BBC) |
Một số người cho rằng, sự chú ý và nhiệt tình của người dân Trung Quốc với ông Biden hiện nay chỉ là tạm thời vì con đường gập ghềnh của mối quan hệ Mỹ-Trung đã dạy cho người Trung Quốc một bài học rằng các chính sách đối kháng của Washington đối với Bắc Kinh sẽ không dừng lại cho dù Tổng thống Mỹ là ai.
Một số cư dân mạng cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm này. "Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ... Bởi vậy, bất kể Tổng thống Mỹ là ai, ông ấy sẽ khó khăn với Trung Quốc. Chúng ta chỉ cần dựa vào chính mình và đẩy nhanh tốc độ phát triển của chúng ta ", cư dân mạng Echoing Zhang cho ý kiến.
"Có thể chiến thắng của ông Biden có lợi cho quán mì Yao's Chao Gan nhiều hơn là xu hướng của quan hệ Mỹ-Trung. Là người Trung Quốc, chúng ta cần vứt bỏ ảo tưởng của mình đi", một cư dân mạng khác bình luận.