Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) sau cuộc họp tại Điện Elysee ở Paris, Pháp ngày 7/12/2024. (Ảnh: Anadolu/Getty Images) |
Thế lệch" trong đàm phán
Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã định hình đáng kể xu hướng mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau nhiều năm khăng khăng với lập trường Ukraine phải giành được chiến thắng, phương Tây dường như đang nghiêng theo hướng cuộc xung đột này chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán, kể cả trường hợp Ukraine phải chịu bất lợi.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa công bố gói viện trợ cuối cùng vào ngày 30/12/2024, tờ New York Times (thường có quan điểm cứng rắn) gần đây cũng cho rằng "đã đến lúc lập kế hoạch cho giai đoạn hậu xung đột".
Tổng thống Nga Putin đã phát đi tín hiệu sẵn sàng gặp ông Trump để thảo luận về một thỏa thuận hòa bình, trong khi ông Trump gần đây cũng đã nhắc lại rằng "chúng ta phải chấm dứt cuộc xung đột này". Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây cũng đã có những cử chỉ xuống thang và đề cập nhiều đến việc đàm phán.
Mặc dù xu hướng đàm phán đang được các bên tính đến nhưng chắc chắn mong muốn chấm dứt sớm xung đột của ông Trump sẽ rất khó khăn, chính ông Trump cũng đã phải thừa nhận thực tế này.
Rào cản lớn nhất chính là việc phương Tây thời gian qua đã không ngừng thúc đẩy một chiến thắng được xem là bất khả thi của Ukraine trước sức mạnh ngày càng được củng cố của Nga. Khi từ chối các cơ hội đàm phán trước đó, thời điểm Ukraine ở vị thế mạnh hơn, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tạo điều kiện để Nga củng cố lợi thế quân sự, do vậy, lần này ông Putin không có nhiều động lực để thỏa hiệp.
Rõ ràng, sẽ là không thực tế nếu phương Tây tin rằng có thể đạt được tại bàn đàm phán những gì không đạt được trên thực địa. Tuy nhiên, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế John Mearsheimer (Đại học Chicago, Mỹ) đã lập luận: “để giành chiến thắng tại bàn đàm phán, bạn phải giành chiến thắng trên thực địa” và ông lập luận thêm rằng “chính Nga mới là bên đang giành ưu thế trên thực địa”.
Tổng thống Putin tại cuộc họp báo cuối năm vừa qua cũng đã đề cập tới thực tế đó. “Quân đội Nga đang tiến quân trên toàn bộ tiền tuyến… Chúng ta đang tiến tới giải quyết các mục tiêu chính mà chúng ta đã đặt ra khi bắt đầu chiến dịch quân sự”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Phải nhượng bộ nhưng "vẫn còn hơn"
Ukraine và phương Tây sẽ phải đối mặt với một quyết định khó khăn, hoặc chấp nhận các điều khoản đàm phán của ông Putin, hoặc đi tiếp cuộc xung đột trong bối cảnh Ukraine có xu hướng yếu đi về thực lực.
Các điều kiện của Tổng thống Putin cho đàm phán hòa bình có thể kể đến như: Sự công nhận hợp pháp của Ukraine và phương Tây đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát là một phần của Liên bang Nga; Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và áp dụng quy chế trung lập, không liên kết, cùng với phi quân sự hóa, để đổi lấy các đảm bảo an ninh của phương Tây.
Mục tiêu chính của Nga có thể là ngăn cản Ukraine gia nhập NATO. Ông Trump dường như nắm bắt được điều này. Các báo cáo cho thấy đội ngũ của ông đang cân nhắc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine ít nhất 20 năm để đổi lấy nguồn cung cấp vũ khí liên tục từ phương Tây. Ông Trump cũng có thể ủng hộ việc Ukraine nhượng lại các khu vực do Nga kiểm soát và đồng ý với một khu phi quân sự.
Chắc chắn, không ít người cho rằng đó là sự nhượng bộ quá lớn từ phía Ukraine. Tuy nhiên, thực tế là thúc đẩy một thỏa thuận ở thời điểm hiện tại là lựa chọn tốt nhất đối với Ukraine. Xung đột càng kéo dài, vị thế của Ukraine sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ukraine dường như vẫn không có ý thay đổi lập trường về việc gia nhập NATO, do đó, rất khó để thuyết phục Nga bước vào bàn đàm phán. Ông Trump liệu có thể xử lý được vấn đề này hay không? Điều ông Trump có thể làm là loại Ukraine khỏi các vòng đàm phán hòa bình đầu tiên, buộc Ukraine phải đối mặt với thực tế cắt giảm viện trợ quân sự để có những điều chỉnh về lập trường, sau đó tiếp tục các quy trình đàm phán với Nga.
Lý thuyết gia về quan hệ quốc tế John Mearsheimer (Đại học Chicago) cho rằng Nga đang chiếm ưu thế trên thực địa. (Nguồn: Getty Images) |
Không dễ dàng từ bỏ lập trường "cỗ hữu"
Tầm nhìn của ông Trump về một "giải pháp nhanh chóng" dưới hình thức ngừng bắn hoặc đình chiến, trong khi chờ đợi một thỏa thuận toàn diện hơn, cũng khó có thể thành công.
Tổng thống Putin tin rằng một lệnh ngừng bắn kéo dài sẽ chỉ cho phép Ukraine tái vũ trang và chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Ông Putin có sự hoài nghi với các định dạng như thỏa thuận Minsk, như một nước cờ để “câu giờ” cho Ukraine theo đuổi một giải pháp quân sự.
Một thách không nhỏ khác nằm ở việc điều hướng sự ngờ vực giữa Nga và phương Tây. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của phương Tây: Từ bỏ các nỗ lực nhằm cô lập và làm suy yếu Nga, đồng thời thực hiện các bước đi thực sự để giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Nga. Đây là lý do tại sao ông Putin nhấn mạnh rằng một thỏa thuận hòa bình toàn diện phải bao gồm việc xóa bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận địa chính trị lớn như vậy, sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cục diện toàn diện và không có nhà lãnh đạo phương Tây nào, kể cả ông Trump có vẻ sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt này.
Ông Trump cũng sẽ không dễ dàng nhượng bộ Nga. Châu Âu cũng khó có thể tin tưởng vào một cuộc đàm phán và những lập luận từ phía Nga. Hội đồng châu Âu vừa thông qua một gói trừng phạt mới đối với Nga và tái khẳng định "cam kết không lay chuyển của EU trong việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Ukraine và người dân của nước này miễn là cần thiết và mạnh mẽ nhất có thể". Thêm vào đó, Tổng thư ký mới của NATO ông Mark Rutte gần đây cũng đã nói rằng liên minh không nên nói về hòa bình mà thay vào đó nên tập trung vào việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine.
Như vậy, con đường phía trước cho đàm phán hòa bình Nga-Ukraine vẫn còn nhiều trở ngại. Đối với ông Trump, thách thức sẽ gấp đôi. Mặc dù mong muốn chấm dứt xung đột của ông là đáng khen ngợi, nhưng sự phức tạp trong việc đạt được một giải pháp lâu dài đòi hỏi nhiều hơn nữa, không chỉ dừng lại ở lời hứa hay những tuyên bố táo bạo.
Nếu không có cam kết nghiêm túc về ngoại giao và sẵn sàng đưa ra những thỏa hiệp, cuộc xung đột sẽ tiếp tục âm ỉ hoặc tạm thời bị đóng băng và đợi thời điểm sẽ bùng phát trở lại. Quan hệ Nga-phương Tây sẽ tiếp tục không có lối thoát, gây ra hậu quả nặng nề đối với tương lai của Ukraine và thế giới nói chung.