📞

"Khẩu chiến" Hillary – Trump: Ai hơn ai?

08:00 | 26/09/2016
Trước cuộc tranh luận quan trọng đầu tiên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, dự kiến diễn ra ngày 26/9, cả cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhà tỷ phú Donald Trump đều chưa ai tỏ ra có ưu thế hơn.

“Kẻ tám lạng, người nửa cân”

Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton có thâm niên kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về chính trường, cũng như các vấn đề trong xã hội thì bà lại không được những người ủng hộ ông Trump - đối thủ đảng Cộng hòa của bà, đánh giá cao về sự bộc trực và thẳng thắn. Trong suốt năm qua, dù cả hai người đã sử dụng nhiều “vũ khí” để công kích nhau, song chưa từng một lần xuất hiện trực diện trên cùng một diễn đàn. Do đó, đây chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất trong cuộc đối đầu mà theo dự đoán của các nhà phân tích, có thể thu hút tới 100 triệu người theo dõi – con số chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ.

Cuộc tranh luận lịch sử của chính trường Mỹ với sự tham gia lần đầu tiên của một phụ nữ - bà Hyllary Clinton. (Nguồn: Reuters)

Cuộc tranh luận này còn là một sự kiện lịch sử, bởi trên chính trường nước Mỹ, chưa từng có một phụ nữ nào tham gia tranh biện trong cuộc chạy đua vào chức Tổng thống, kể từ khi cuộc tranh biện đầu tiên được khởi xướng vào năm 1960 giữa Thượng nghị sĩ John F. Kennedy với Phó Tổng thống Richard Nixon tại trường quay Chicago.

Đa số cử tri Mỹ đã có sự lựa chọn của mình trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 tới, và loạt ba cuộc tranh luận giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ và Nhà tỷ phú (hai cuộc tranh luận nữa sẽ diễn ra vào ngày 9/10 và 19/10) có lẽ chỉ giúp họ củng cố thêm cho quyết định của họ. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận này có thể có tác động tới số cử tri chưa có quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Theo điều tra của hãng NBC, số lượng những cử tri còn đang dao động này dường như đông hơn so với 4 năm trước, hiện chiếm khoảng 9% tổng số cử tri.

Quá chi tiết – điểm yếu của bà Clinton

Mitchell McKinney – vị giáo sư môn truyền thông chính trị của Đại học Missouri  cho biết: “Chúng tôi xem các buổi tranh luận trên truyền hình không phải chỉ để biết ai trong hai ứng cử viên là người khôn ngoan hơn hay ai có nhiều số liệu, thông tin chính sách đầy đủ hơn để có thể nói trong 90 phút”.

Là một chuyên gia về tranh biện chính trị, GS. McKinney cho rằng, các khán giả truyền hình thích các ứng cử viên có khả năng chuyển tải quan điểm của mình chỉ bằng một vài câu đơn giản, hấp dẫn và đáng nhớ. Bởi vậy, bà Clinton, với ưu thế cẩn trọng và chi tiết trong các vấn đề, sẽ phải tránh đưa ra những câu trả lời quá chuyên môn và cặn kẽ cho câu hỏi của người dẫn chương trình.

Cố vấn truyền thông Carmine Gallo thì cho rằng: “Các ứng cử viên cần phải tạo ra được sự kết nối thân mật hơn với các cử tri nếu muốn chiếm ưu thế”.

Bà cựu Ngoại trưởng đang nỗ lực chứng tỏ là người dễ gần. (Nguồn: Reuters)

Như lời của Tổng thống Obama khi được hỏi về lời khuyên nào ông muốn đưa ra cho bà cựu Ngoại trưởng: “Hãy là chính mình và cho cử tri thấy rõ điều gì là động lực thúc đẩy bạn”.

Theo các cuộc điều tra, tranh luận trực tiếp là một thách thức lớn đối với bà Clinton, ứng cử viên ít được ưa thích nhất trong số các ứng cử viên đảng Dân chủ trong nhiều năm qua. Bản thân bà Clinton cũng thừa nhận, bà không có được sức thu hút như chồng bà – cựu Tổng thống Bill Clinton, hay đương kim Tổng thống Obama. Hơn một nửa người Mỹ không chắc họ có thể tin tưởng bà được không. Trong cuộc đua tranh chức Tổng thống vào năm 2008, bà Clinton đã thể hiện mình là một “người đàn bà thép” cứng rắn theo kiểu cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Lần này, bà nhấn mạnh vai trò là người tiên phong đấu tranh vì quyền phụ nữ và thể hiện hình ảnh là một bà ngoại đúng nghĩa. Đây là một nỗ lực xem ra được ưa thích và dễ gần hơn của bà cựu Ngoại trưởng.

Song hình ảnh “Người đàn bà thép” sẽ không dễ gì xóa bỏ trong 90 phút tranh biện, bởi nó đã in dấu trong công luận suốt 1/4 thế kỷ qua. Bởi thế mạnh của bà nằm ở khả năng đối đầu với bất kỳ công kích nào bằng những lời nói sắc sảo.

Theo Cố vấn truyền thông Gallo: “Một, hai hay ba thông điệp chính mà họ muốn người dân chia sẻ trên Twitter và truyền thông xã hội là gì? Chỉ cần lắng nghe một hoặc hai câu nói mà bà ấy lặp lại vài lần trong cuộc trao đổi”.

Quá bản năng – điểm yếu của ông Trump  

Ông Gallo cho rằng, Tỷ phú Donald Trump đã kết nối với cử tri của mình khá sâu sắc về mặt tình cảm, đó là điều mà đối thủ của ông này khó mà sánh được, bởi tình cảm thường là yếu tố át chủ bài. Về mặt này, nhà tư bản giàu có theo chủ nghĩa dân túy, cựu trùm các chương trình truyền hình đình đám của nước Mỹ đang có một ưu thế khá rõ ràng. Không một ứng cử viên nào trong chiến dịch tranh cử, kể cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders có thể địch nổi khả năng khuấy động đám đông hàng nghìn người của ông Trump.

Là cựu trùm các chương trình truyền hình đình đám của nước Mỹ, ông Donald Trump được đánh giá có lợi thế. (Nguồn: Reuters)

Song, ông Trump đã không chiếm thế thượng phong trong cả 12 cuộc tranh biện ở trong đảng Cộng hòa. Ông thường đứng sang bên để cho các ứng cử viên khác lao vào công kích nhau. Trong các cuộc tranh biện về sau, khi chỉ còn lại một ít đối thủ, ông thường dùng những câu nói cay nghiệt hoặc đặt những biệt danh chế giễu để công kích đối thủ.

GS. McKinney nhận xét, không như các cuộc tranh biện trước, với nhiều ứng cử viên cùng đăng đàn nên chúng ta chỉ thỉnh thoảng mới nghe thấy ông Trump phát biểu gì. Nhưng trong một cuộc tranh biện dài 90 phút, ông ấy sẽ phải phát biểu một nửa thời lượng, vì thế ông ấy không thể lấp kín thời gian chỉ bằng những lời nhận xét bông đùa, những câu tự khen mình, và những câu chỉ trích láu lỉnh – những cái đó sẽ rất nhàm chán. “Ông ấy sẽ có nhiều cơ hội thể hiện thực chất. Tới lúc đó, liệu ông sẽ có thực chất không? Chúng ta sẽ chờ xem”, GS. McKinney nói.

Quan ngại của phía bà Clinton là rất có thể người dẫn chương trình Lester Holt của NBC, sẽ tung ra những câu hỏi “mềm” dễ trả lời về phía ông Trump, trong khi lại gây áp lực cho bà Clinton bằng những câu chất vấn “xoáy” hơn nhiều. Dù thế nào, cuộc hỏi đáp này chắc chắn sẽ được giới phân tích  “mổ xẻ” kỹ càng trong các cuộc tranh luận kéo dài sau đó.

(theo AFP)