TIN LIÊN QUAN | |
Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 tại Brazil | |
Kỷ niệm Ngày Quốc khánh Việt Nam tại Sihanoukville |
Từ chính quyền non trẻ
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã bùng nổ và thành công đúng thời cơ trong khoảnh khắc lịch sử. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời nằm ngoài mọi dự tính và sự sắp đặt của các nước lớn sau Hội nghị Potsdam (7/1945), cũng nằm ngoài mọi tính toán của những kẻ theo chủ nghĩa thực dân ở Pháp. Nhưng như ông Pignon, cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp D’Argenlieu tại Ðông Dương - nhận xét: chính quyền (của ông Hồ Chí Minh) ra đời tháng 9/1945 ở Việt Nam trong tình thế “không đồng minh, không tiền, hầu như không vũ khí”. Thù trong, giặc ngoài với các âm mưu phá hoại và lật đổ đã đặt nền độc lập dân tộc vừa giành lại được và Chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân trước nguy cơ còn - mất. Nhân dân Việt Nam đã kiên cường “chiến đấu trong vòng vây” (chữ của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp) để bảo vệ những thành quả cách mạng của mình.
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên. |
Trong tình thế đầy khó khăn, nguy hiểm, dù đã xác định một trong những phương châm quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập là "Dựa vào sức mình là chính" nhưng việc mở rộng đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ từ những lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới để tăng thêm sức mạnh cho cuộc Kháng chiến - Kiến quốc của nhân dân Việt Nam luôn được chú ý đẩy mạnh.
Những năm 1945 - 1946, nổi bật vai trò và những đóng góp xuất sắc của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên Hồ Chí Minh. Người đã nêu bật luận điểm nhất quán: trên trường quốc tế, với các nước láng giềng, Việt Nam “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”, với các “nước lớn” thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau” (Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 3/9/1945).
Với nhãn quan chính trị sáng suốt và sự nhạy bén trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ký Hiệp định sơ bộ, ngày 6/3/1946, với những điều kiện có lợi nhất cho Việt Nam, phù hợp với cục diện tình hình và tương quan lực lượng. Trong bối cảnh lịch sử năm 1946, việc ký Hiệp định sơ bộ là một quyết định sáng suốt, một mẫu mực về sách lược ngoại giao, về sự nhân nhượng có nguyên tắc "Hòa để tiến". Bản Hiệp định sơ bộ cũng là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam sau đó, tạo ra những cơ hội mở rộng khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc Việt - Pháp: Hội nghị trù bị Ðà Lạt, Hội nghị Fontainebleau; chuyến thăm Pháp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam từ ngày 25/4 đến ngày 16/5/1946; chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tạm ước ký ngày 14/9/1945,...
Từ đầu tháng 7/1946, trong lúc các cuộc hội đàm chính thức đang diễn ra giữa hai đoàn Việt - Pháp trong lâu đài Fontainebleau, tại Paris cũng diễn ra những hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bạn bè thế giới, trước hết là Chính phủ và các tầng lớp nhân dân Pháp, hiểu rõ thiện chí hòa bình và nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Bức ảnh tư liệu chụp quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 của nhiếp ảnh gia người Pháp Philippe Devillers. |
Từ năm 1948, thế giới còn chưa biết nhiều về cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức một đoàn cán bộ được tuyển chọn từ các ngành dân, chính, Ðảng ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc kháng chiến: “Tuyên truyền cái chính nghĩa của ta trong nhân dân các nước đối phương, trong nhân dân thế giới”. Trong cục diện phức tạp của các mối quan hệ quốc tế những thập niên giữa thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho nhân dân Việt Nam nêu tiếng nói hướng đến sự điều hoà những đa dạng về xu hướng chính trị, về chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi và hiểu biết nhau hơn.
Giữa những năm bom rơi đạn nổ trên cả hai miền đất nước còn đang bị chia cắt, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quyết định chiến lược: mở mặt trận đấu tranh ngoại giao - “một mũi giáp công” mạnh mẽ cùng với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tạo thế "vừa đánh vừa đàm, đẩy Mỹ từng bước xuống thang” chiến tranh và ký Hiệp định Paris (27/2/1973). Thắng lợi ngoại giao này đã trực tiếp dẫn đến thành quả thống nhất đất nước tháng 4/1975.
Ngoại giao thúc đẩy vị thế đất nước
Những năm cuối thế kỷ XX, trong vòng xoáy hỗn loạn của những biến động địa chính trị thế giới, một lần nữa ngoại giao Việt Nam lại thể hiện vai trò và góp phần quan trọng trong việc phá thế bị cô lập, bao vây cấm vận, từng bước mở rộng các mối quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam hòa nhập và khẳng định vị thế của mình. Trong thời kỳ Ðổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng: bình thường hóa quan hệ với nhiều nước, kể cả những nước là “cựu thù”; thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tổ chức quốc tế; tham gia và trở thành thành viên quan trọng của Cộng đồng ASEAN, nhiều diễn đàn, tham gia nhiều hiệp ước, hiệp định quốc tế...
Nhân dân xuống đường ủng hộ Chính phủ lâm thời, tháng 9/1945. |
Qua sự mở rộng các quan hệ đối ngoại, vị thế của Việt Nam được nâng cao, hình ảnh Việt Nam được quảng bá. Phát huy những kết quả đạt được, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới đã được Ðảng xác định: “... thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XII).
Kỷ niệm ngày Quốc khánh tại Bangladesh Nhân kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 24/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh ... |
Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu Di tích K9 Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945- 2/9/2017) và 48 năm kể từ ngày Bác đi xa ... |
Cuộc cách mạng ở tầm cao lịch sử Đã 72 năm trôi qua, giá trị của Cách mạng tháng Tám và bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ... |