Triển vọng ảm đạm, WTO dự báo, dịch Covid-19 khiến thương mại toàn cầu bị sụt giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019. (Nguồn: FT) |
Kinh tế toàn cầu
Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF công bố hôm 24/6, GDP toàn cầu trong năm nay sẽ suy giảm 4,9%, nhiều hơn mức giảm 3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4 năm nay.
Trong đó, GDP của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), sẽ suy giảm lần lượt 8% và 10,2%. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng trong năm nay nhưng chỉ tăng 1%, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đây của IMF. Ấn Độ sẽ suy giảm 4,5% trong năm 2020, đảo ngược dự báo lạc quan hồi tháng 4 dành cho nước này với mức tăng trưởng 1,9% cho cùng năm.
Cũng theo IMF, lệnh phong tỏa trên toàn quốc nghiêm trọng hơn dự báo đã gây ra sự gián đoạn hoạt động kinh doanh dài hơn dự kiến ở các nền kinh tế châu Á. GDP của nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ suy giảm 2% với Thái Lan giảm mạnh nhất (-7,7%), tiếp đó là Malaysia (-3,8%), Philippines (-3,6%) và Indonesia (-0,3%).
Báo cáo lần này không cập nhật dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam nhưng trong báo cáo hồi tháng 4, IMF nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay.
Báo cáo của IMF ước tính GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,4% vào năm 2021, tăng trưởng của Mỹ và Eurozone lần lượt phục hồi 4,5% và 6%; Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,2%, cao nhất trên thế giới. Dự báo các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tăng trưởng 5,9%; ASEAN-5 là 6,2% trong năm tới.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây cũng ước tính trong quý II/2020, khi dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa được áp đặt ảnh hưởng lớn tới dân số thế giới, thương mại toàn cầu dự báo bị sụt giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử, cao hơn nhiều so với mức sụt giảm 3% trong quý I/2020, nhưng Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo thừa nhận vẫn khá hơn so với kịch bản xấu nhất của WTO. Tháng 4 vừa qua, WTO dự báo kịch bản xấu nhất là thương mại toàn cầu giảm 32% trong 2020.
Căng thẳng Mỹ-Trung
Bắc Kinh bắt đầu truyền tải một thông điệp tới Washington rằng, việc Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với những vấn đề mà Trung Quốc coi là cấm địa có thể sẽ ảnh hưởng tới việc Trung Quốc mua nông sản của Mỹ theo Thỏa thuận giai đoạn 1.
Theo một quan chức Trung Quốc, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Dương Khiết Trì đã liệt kê ra một loạt hành động và bày tỏ “sự không hài lòng một cách mạnh mẽ” đối với Luật trừng phạt các quan chức và thực thể của Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm về việc đàn áp hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Thiên Tân mà Tổng thống Trump đã ký trước đó.
Ông Dương Khiết Trì vẫn tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời ông nhấn mạnh rằng hai bên cần phải “cùng nhau hợp tác”. Tuy nhiên, ông Pompeo đã không nhân nhượng, ông cho biết “Mỹ đang can dự để đáp lại sự hung hăng của Trung Quốc theo cách mà nước Mỹ chưa từng làm trong 20 năm qua”. (Wall Street Journal).
Bạn có thể quan tâm:
Mỹ vào nhóm nước “rủi ro” đối với đầu tư của Trung Quốc, kém Botswana
Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), Mỹ bị tụt 9 bậc so với năm 2018 xuống vị trí thứ 27 trong danh sách 114 nước được xem xét đánh giá và bị xếp tụt hạng xuống nhóm nước “rủi ro trung bình” đối với đầu tư của Trung Quốc với bất ổn cao hơn xuất phát từ những bất đồng song phương nổi bật về thương mại, công nghệ, tài chính, vấn đề Hong Kong, Tân Cương.
Xét ở góc độ quan hệ với Trung Quốc, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 103, kém hơn Botswana, tốt hơn Brazil và Mexico. Theo đồng tác giả của báo cáo Wang Bijun, việc đầu tư vào Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn; các dự án hạ tầng cơ sở và tài chính bị ngăn cản bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Người đứng đầu nhóm thực hiện báo cáo Zhang Ming cho rằng, môi trường quốc tế của Trung Quốc rõ ràng đang xói mòn; việc Mỹ thông qua dự luật cho phép cấm vận các quan chức Trung Quốc làm suy giảm sự tự trị của Hong Kong càng gây khó khăn lớn hơn cho đầu tư toàn cầu của Trung Quốc. Việc Mỹ bị xếp tụt hạng trong báo cáo của CASS xảy ra vào lúc hai nước đang tiếp tục bị phân tách với những tranh cãi về nguồn gốc dịch bệnh và về công nghệ dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới. (SCMP)
Mỹ
Hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Amazon, Uber, Alphabet, Twitter đã lên tiếng phản đối việc Tổng thống Trump quyết định tạm dừng cấp các loại visa lao động loại H-1B, H-2B, H-4, J-1 và L-1, cho rằng, đây là “một chính sách tệ không thể tin nổi” làm tổn hại tới sự phục hồi và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ.
Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/6 đến hết năm. Theo các quan chức của chính quyền, lệnh này sẽ giúp giữ lại 525.000 việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn của Amazon cho rằng, việc ngăn các chuyên gia có tay nghề cao vào Mỹ sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế và làm giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ”.
CEO của Alphabet và Google Sundar Pichai là một người nhập cư, cho rằng, “người nhập cư đóng góp vô cùng to lớn cho sự thành công của kinh tế Mỹ, khiến Mỹ trở thành nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ và giúp cho Google có được ngày hôm nay”. (Business Insider)
Châu Âu
Ngày 25/6, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost cho biết Anh sẽ không đồng ý với bất cứ đề nghị nào từ Liên minh châu Âu (EU) cho khối này được quyền phản ứng với những thay đổi về luật pháp của Anh hậu Brexit bằng thuế quan.
Cùng ngày, EU cho biết EU vẫn muốn có quan hệ “tham vọng” và “gần gũi nhất có thể” với Anh kể từ năm 2021 nhưng đồng thời Brussels cũng kêu gọi 27 nước thành viên chuẩn bị cho khả năng xảy ra một Brexit không thỏa thuận để lại nhiều hậu quả, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với London chưa có tiến triển đáng kể và còn tồn tại nhiều bất đồng. (Reuters)
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ khoảng 37 tỷ Yen (653 triệu USD) cho các công ty trong nước phát triển mạng không dây 5G nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Khoản hỗ trợ trên sẽ được trích từ quỹ trị giá 110 tỷ Yen mà Nhật Bản dành cho Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới theo ngân sách bổ sung tài khóa 2019. (Yonhap)
Trung Quốc - ASEAN
Trung Quốc và các nước ASEAN đang triển khai Năm Hợp tác Kinh tế số với chủ đề “Tập trung trí lực chiến thắng dịch bệnh; hợp tác phát triển cùng có lợi”; nắm bắt cơ hội mới của cuộc mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, hợp tác phát triển cùng có lợi.
Tiềm năng hợp tác kinh tế số giữa Trung Quốc và ASEAN rất lớn vì Trung Quốc có kinh nghiệm phong phú, động lực mạnh mẽ và triển vọng tươi sáng về phát triển nền kinh tế số. Quy mô kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội và sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực lớn xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, có thể tạo ra một giai đoạn phát triển chất lượng cao trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. (ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc)
Indonesia
Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ bơm khoảng 82,2 nghìn tỷ Rupiah vào Ngân hàng Trung ương Indonesia nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc tín dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đây là một phần trong kế hoạch trị giá 695.2 nghìn tỷ Rupiah của Chính phủ Indonesia nhằm khôi phục nền kinh tế Indonesia. (Jakarta Post)