Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch. (Nguồn: VGP) |
Quyền con người trong dịch Covid-19
Vậy quyền con người và quyền được sống ấy là gì?
Về mặt luật pháp quốc tế, quyền con người được định nghĩa và phân loại trong hai văn bản lớn, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hợp quốc (1948) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1966). Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, quyền con người là “những quyền tự nhiên, thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, màu da, giới tính, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo, hay bất kỳ tình trạng nào khác”, và không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai hay chính thể nào. Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hợp quốc, con người có ba nhóm quyền cơ bản bao gồm Quyền dân sự, Quyền chính trị và Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Về mặt Luật pháp Việt Nam, quyền con người được đề cập cụ thể trong Chương III, Hiến pháp sửa đổi và bổ sung năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật”, với cấu phần và cam kết được quy định trong phần còn lại của chương. Bên cạnh đó, chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, với người Việt Nam, khái niệm này có lẽ quen thuộc và dễ hiểu hơn cả trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, giá trị cao nhất của quyền con người là quyền được sống, được bảo vệ sinh mạng càng trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Đây là điều mà Việt Nam đã, đang, và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để bảo vệ.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đảm bảo quyền được sống cho công dân trong và ngoài nước, hỗ trợ cộng đồng quốc tế bảo đảm quyền được sống cho toàn nhân loại. (Ảnh: TTXVN) |
Chống dịch như chống giặc
Đầu tiên, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân. Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra do Phó Thủ tướng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế Vũ Đức Đam làm trưởng Ban.
Toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đã vào cuộc. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện sớm như khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, khai báo y tế và cách ly bắt buộc tại các trại cách ly tập trung khi trở về từ vùng dịch; điều trị miễn phí hoàn toàn cho người nhiễm SARS-CoV-2 và miễn phí sinh hoạt đối với người được cách ly; hạn chế tới tạm ngưng hoàn toàn hoạt động di chuyển nội địa và nhập cảnh; yêu cầu người dân giãn cách xã hội bắt buộc trong vòng hơn một tháng; đề xuất và triển khai các gói hỗ trợ bộ phận người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Hưởng ứng tinh thần hưởng ứng sâu sắc tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, người dân đã nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành biện pháp phòng, chống dịch được đề ra. Bài hát cổ động như “Ghen Cô Vy”, khẩu hiệu “khi ở nhà là yêu nước”, nhiều mẩu chuyện cảm động về sự hy sinh quên mình của lực lượng chiến sỹ ngày đêm canh gác vùng biên, đội ngũ y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, giảnh giật sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19 cho thấy rằng, khi đất nước gặp khó khăn, cả dân tộc Việt Nam như hòa vào làm một.
Chính sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ấy đã giúp đất nước vững vàng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, phát triển kinh tế, đạt được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Trong đại dịch Covid-19, sức mạnh ấy đã giúp Việt Nam làm được điều không tưởng. Tới nay, trên thế giới đã có 16 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, với 5.638.078 ca nhiễm, 9.912.966 trường hợp đã khỏi bệnh và 648.403 ca tử vong. Tuy nhiên, đến ngày 26/7, Việt Nam mới có 418 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 365 trường hợp đã khỏi, 53 ca đang điều trị và chưa có ca tử vong. Với một quốc gia đang phát triển, dân số gần 100 triệu người cùng nền y tế non trẻ, đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng, bảo đảm tối đa quyền được sống của công dân Việt Nam trong nước.
Thứ hai, quan trọng không kém, với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, công tác bảo hộ công dân của Việt Nam đã được triển khai từ rất sớm và trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, bảo đảm sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hồi hương.
Đến nay, Việt Nam đã tổ chức được hơn 60 chuyến bay, đưa hơn 15.000 người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn, như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia, New Zealand, Anh, Thụy Điển, Mỹ, Canada…, và sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động tương tự thời gian tới, qua đó bảo đảm quyền được sống của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã tổ chức hơn 60 chuyến bay, đưa 15.000 công dân có hoàn cảnh khó khăn ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. (Ảnh minh họa) |
Hoạn nạn biết chân tình
Thứ ba, với truyền thống nhân nghĩa, “thương người như thể thương thân”; chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các quốc gia về khẩu trang, đồ bảo hộ, thiết bị y tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Thêm vào đó, lòng nhân nghĩa, sự tận tâm, hết lòng của các bác sỹ đã lay động những bệnh nhân nước ngoài mắc Covid-19 được điều trị tại Việt Nam, với ví dụ tiêu biểu là bệnh nhân số 91, phi công người Scotland, người đã nhiều lần được cứu khỏi tay tử thần. Qua đó, Việt Nam đã bảo đảm tính mạng, quyền được sống không chỉ của công dân Việt Nam, mà giúp đỡ các quốc gia khác thực hiện trách nhiệm tương tự với công dân của họ.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, thành tích này đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Những kênh truyền hình, tờ báo, tạp chí hàng đầu thế giới như CNN, The Wall Street Journal, BBC, The Economist, Financial Times… đã viết về thành tích phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài hát “Ghen Cô Vy” của Việt Nam đã có sức lan tỏa tốt, “truyền lửa” tới người dân của các quốc gia đang phải đương đầu với diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch.
Hình ảnh một Việt Nam kiên cường trước đại dịch, hết lòng vì công dân và nhân nghĩa với bạn bè sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao vị thế khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm tính mạng cho công dân Việt Nam trong và ngoài nước, công dân nước ngoài tại Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng quốc tế bảo đảm quyền được sống, giá trị cao nhất trong các quyền con người, của toàn nhân loại.
(Còn tiếp)