Ngày 26/2/2010, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Việt Nam Phật Quốc Tự tại thành phố Bodhgaya, Ấn Độ. Trong ảnh: Hoà thượng Thích Huyền Diệu tặng cây Bồ đề cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN) |
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam (1972-2022), chúng ta có thể tự hào về thực tế là hai nước đã chuyển mình sang xã hội hiện đại và thịnh vượng. Việt Nam vươn lên như một con phượng hoàng từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh chống Mỹ và ngày nay là một trong những con hổ của ASEAN. Nền kinh tế Ấn Độ nổi lên như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất sau khi thực hiện chương trình tự do hóa kinh tế từ đầu những năm 1990.
Hai nền kinh tế phát triển và sự hợp tác giữa hai nước cũng nở rộ như vậy. Các lĩnh vực hợp tác mở rộng từ quốc phòng và an ninh đến trao đổi kinh tế, văn hóa và năng lượng. Hai nước có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. Đáng chú ý là hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau ngay cả khi đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá mối quan hệ “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Thật vậy, không hề có giới hạn trong hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ!
Quan hệ giữa hai dân tộc được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất là Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Năm 2016, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae tại Hội thảo “Cơ hội, tiềm năng để đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ”, ngày 6/12/2012. (Nguồn: TTXVN) |
Đảm nhiệm vai trò Đại sứ Ấn Độ trong ba năm, tôi có những kỷ niệm tuyệt vời về đất nước xinh đẹp này. Tôi nhớ vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội rợp bóng cây xanh và đa sắc màu trong suốt bốn mùa; thành phố của những hồ nước và sông Hồng hùng vĩ, của những ngôi chùa và đền thờ; thành phố tràn ngập sức sống, nhiều xe máy và người dân thanh lịch, duyên dáng.
Tôi nhớ năng lượng của Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam với dòng sông Mekong gắn chặt với sinh hoạt của người dân. Tôi nhớ vẻ duyên dáng và thư thái của cố đô Huế; nét kỳ diệu của Đà Nẵng, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, nơi có các di tích của nền văn minh Champa.
Ấn Độ và Việt Nam mới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cách đây 6 năm, song mối quan hệ của hai nước khởi nguồn từ xa xưa với các mối giao lưu mạnh mẽ về tôn giáo, văn hóa, thương mại. Các thương nhân, du khách, tăng ni đã đi thuyền dọc theo các tuyến đường hàng hải giữa hai nước, trao đổi không chỉ hàng hóa mà cả ý tưởng, văn hóa và triết lý.
Những minh chứng cho mối liên kết giữa hai nước có thể được tìm thấy ở bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Nơi đây có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo, đại diện cho sự giao thoa sinh động của các nền văn hóa đa dạng trong kiến trúc, nghi thức cầu nguyện, thờ phụng…
Cả hai hệ thống tông phái Phật giáo chính là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Phật giáo Đại thừa (Mahayana) đều phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình, tôi có vinh dự đến thăm một số ngôi chùa.
Tại chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh, tôi có cơ hội tiếp xúc với các vị đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi có duyên trồng một cây bồ đề trong chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình. Tôi vài lần đến thăm chùa Quán Thế Âm gần Đà Nẵng và dĩ nhiên, chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây ở Hà Nội. Nơi đây, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ, Tiến sĩ Rajendra Prasad (1884-1963) đã trồng một cây bồ đề vươn cao, kiên cường và bền chặt như mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc chúng ta. Ấn Độ cũng chính là cái nôi đào tạo nhiều nhà sư Phật giáo từ Việt Nam.
Triết lý của Đức Phật về hòa bình và từ bi, bất bạo động và lòng nhân ái hơn hai nghìn năm trước lan tỏa khắp bốn phương như hình ảnh bốn đầu sư tử quay về bốn hướng ở thủ đô Sư tử Sarnath dưới thời Hoàng đế Asoka - biểu tượng sau này được chọn làm quốc huy của Ấn Độ.
An Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lumbini là ngôi chùa quốc tế đầu tiên trên đất Phật tại Nepal. (Nguồn: AVNPQT) |
Một biểu tượng của mối liên kết Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam là thầy Huyền Diệu, người đã xây dựng những ngôi chùa Việt Nam tuyệt đẹp ở Lumbini (Nepal) - nơi sinh của Đức Phật và ở Bodh Gaya (Ấn Độ) - nơi Đức Phật đắc đạo.
Tôi nhớ chuyến thăm của sư thầy Huyền Diệu đến Đại sứ quán Ấn Độ trên đường Trần Hưng Đạo trong những tháng mùa Hè hơn một thập niên trước. Hà Nội khi đó vào mùa hoa sen nở và những hàng cây phủ hoa tím rất đẹp. Sư thầy đến Đại sứ quán cùng với hai đệ tử và dành thời gian trao đổi với chúng tôi tại phòng họp Nehru - Hồ Chí Minh. Đây là sự khởi đầu của tình bạn tiếp tục cho đến ngày nay.
Sau nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Ấn Độ tại Nepal và nhiều lần đến thăm thầy Huyền Diệu tại chùa Việt Nam ở Lumbini. Nhiều người Việt Nam cũng đến thăm chùa Việt Nam do sư thầy xây dựng ở Bodh Gaya, với mong muốn được hấp thụ nguồn năng lượng toát ra từ điểm hành hương thanh bình này.
Thầy Huyền Diệu tin tưởng sâu sắc rằng thông điệp về hòa bình, từ bi, bất bạo động và nhân ái, thuyết Con đường Trung đạo khởi nguồn từ Ấn Độ và lan tỏa khắp thế giới, phù hợp với thời đại chúng ta hiện nay hơn bao giờ.
Khi thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ biến đổi khí hậu đến xung đột bạo lực, nhân loại cần phải dừng lại và suy ngẫm. Một lối sống tiêu thụ vật chất quá mức không còn bền vững đối với hành tinh của chúng ta. Như lãnh tụ Mahatma Gandhi đã nói, thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi người nhưng không đủ cho lòng tham của mỗi người.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20/11/2018 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sáng 19/11/2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân tới thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh Phật giáo, dấu ấn của Ấn Độ giáo lưu giữ đậm nét ở miền Trung Việt Nam, với minh chứng sinh động là Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Nơi đây là thánh địa Ấn Độ giáo, nơi thờ cúng linh thiêng của các vương triều Champa. Các vị thần của Ấn Độ giáo được sùng bái, đặc biệt thần Shiva giữ vai trò quan trọng nhất ở xứ sở. Nhiều đền tháp dành cho các vị vua Champa gắn liền với thần thánh. Ví dụ, thánh địa thờ thần Bhadresvara là sự kết hợp giữa tên của Vua Bhadravarman với thần Shiva (eshvara).
Ấn Độ tham gia trùng tu đền Ta Phrom ở Angkor Wat, Wat Phu ở Lào và các đền ở Bagan, Myanmar và hỗ trợ bảo tồn các di tích đền đài ở thánh địa Mỹ Sơn.
Ngay cả khi Ấn Độ và Việt Nam đang tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức chính trị, an ninh và kinh tế hiện này, hai nước cũng đang làm sâu sắc hơn nữa mối liên kết văn minh lâu đời, thể hiện sự kết nối bền chặt giữa hai dân tộc chúng ta.
| Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ: Kiến tạo giá trị, hướng đến tương lai Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có những bước phát triển vượt bậc ... |
| Kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập Ấn Độ tại Hà Nội Tối ngày 15/8, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ... |
| Ấn Độ-Việt Nam: Sát cánh trên hành trình phi thường Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác chính cho Tầm ... |
| Cột mốc quan trọng, triển vọng tươi sáng trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam được thiết lập vào năm 1972, tình hữu nghị và mối quan hệ ... |
| Việt Nam-Ấn Độ: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên nền tảng tình hữu nghị trong sáng và bạn bè thủy chung, tin cậy Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống, không chỉ bắt nguồn từ những giao thoa văn hóa, sự tương đồng ... |