📞

Lập trường 'chia đôi ngả' của EU và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga

Thục Anh 19:50 | 03/03/2021
TGVN. Cho đến nay, Mỹ dường như sẽ tiếp tục duy trì biện pháp cứng rắn với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga trong khi các nước EU vẫn bị chia rẽ.
Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. (Nguồn: The Brussels Times)

Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là một dự án năng lượng của Nga đối với Tây Âu. Trong một bài viết trên Nhật báo Ba Lan Dziennik Związkowy, ông Jakub Lachert, nghiên cứu sinh tại khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Warsaw (Ba Lan), đánh giá dự án này có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga vì nó củng cố vị thế thống trị của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu sang các thị trường ở châu Âu.

Lý do chính trị và kinh tế đan xen

Cho đến nay, có vẻ như quan điểm của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn giống với quan điểm người tiền nhiệm Donald Trump về các biện pháp trừng phạt đối với các dự án năng lượng của Nga tại Liên minh châu Âu (EU).

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Biden tuyên bố rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 “có hại” cho châu Âu. Lập trường này của Washington trái ngược với quan điểm của Berlin, vốn muốn tìm cách hoàn tất dự án bất kể thái độ của Mỹ ra sao.

Do đó, có thể nhận định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Điều này không chỉ vì lý do chính trị mà còn vì mục đích kinh tế. Washington rất muốn xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang các thị trường châu Âu, nhưng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hạn chế nhu cầu cung cấp thêm nguồn năng lượng này cho châu Âu.

Trong khi đó, các nước EU vẫn bị chia rẽ khi đề cập dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Từ quan điểm của các nước ở khu vực Baltic hoặc Ba Lan, những khoản đầu tư như vậy từ Nga là mối đe dọa địa chính trị. Điều này chủ yếu là do thị trường châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có khả năng cung cấp khoảng 110 tỷ m3 khí tự nhiên cho châu Âu mỗi năm.

Với nhu cầu chỉ 16-17 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, Ba Lan có thể thấy việc tìm kiếm các nguồn cung cấp khí đốt thay thế có vẻ không hợp lý về mặt kinh tế. Ngoài ra, mối quan ngại của Ba Lan hay Lithuania còn xuất phát từ khả năng không thể thương lượng giá với chỉ duy nhất nhà cung cấp độc quyền.

Tác động của vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny

EU dường như đang đánh giá việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 trong bối cảnh tình hình chính trị ở Nga. Sau vụ việc chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị bắt giam khi trở về Nga vào tháng 1/2021 và hành động mà châu Âu gọi là “đàn áp phe đối lập” ở nhiều thành phố của Nga, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tạm dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp về các vấn đề châu Âu Clément Beaune cũng tuyên bố rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nên được tạm dừng do vụ bắt giữ ông Navalny và diễn biến chính trị ở Nga.

Vụ Nga bắt giữ ông Alexei Navalny khiến Pháp kêu gọi Đức hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, quyết định trên đã không được Đức ủng hộ hoàn toàn. Cả Thủ tướng Angela Merkel và tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) Armin Laschet đều tuyên bố rằng, dự án không bị đe dọa và họ không có ý định thay đổi lập trường của mình, bất chấp sức ép từ Mỹ và một số nước EU. Dường như có sự đồng thuận giữa các đảng phái ở Đức rằng, không nên liên kết vụ việc của ông Navalny với việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.

Tại Quốc hội Đức, đại diện của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) đã ủng hộ một nghị quyết lên án việc bắt giữ ông Navalny. Mặc dù vậy, lãnh đạo SPD Norbert Walter-Borjans tuyên bố rằng, “việc liên kết sự ủng hộ dành cho ông Navalny vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Do đó, Đức khó có khả năng rút khỏi dự án này và sẵn sàng thảo luận để đạt được thỏa thuận với các đối tác châu Âu và Mỹ. Có thể giả định rằng, các điều khoản của thỏa thuận sẽ liên quan đến các vấn đề như tăng cường sự tham gia của Đức trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoặc tăng cường hỗ trợ kinh tế của Đức cho Ukraine. Vì về mặt chính trị, Kiev nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nếu dự án đường ống trên được hoàn thành.

Thế khó của Mỹ và Đức

Rõ ràng, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là một chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Berlin và Washington thời gian tới. Với quyết tâm của Đức trong việc hoàn thành dự án này, việc cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Đức và Mỹ có thể sẽ khó khăn hơn so với dự kiến.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng, một trong những mục tiêu của Mỹ về mặt chính trị quốc tế, là cải thiện quan hệ với các nước chủ chốt trong EU, cụ thể là Pháp và Đức. Tuy nhiên, tranh cãi về đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 lại liên quan đến một trong những vấn đề cơ bản trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tức là chính sách chung đối với Nga.

Chuyên gia Lachert cho rằng, lập trường của Washington về Dòng chảy phương Bắc 2 rất quan trọng đối với các quốc gia nằm ở sườn phía Đông của NATO. Họ là đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ trong khi NATO đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của họ. Điều này tạo ra một tình thế khó xử cho chính quyền Mỹ.

Việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn nhất EU (Pháp và Đức) có thể làm giảm vai trò chính trị của Washington ở sườn phía Đông của NATO. Mặt khác, việc tiếp tục các dự án ở Trung và Đông Âu, độc lập với Pháp và Đức, có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa Mỹ và các quốc gia hàng đầu của EU, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Từ quan điểm của Ba Lan, theo ông Lachert, chính sách của Mỹ cần phải được cân bằng, như hỗ trợ các dự án quan trọng ở Trung và Đông Âu, chẳng hạn như Sáng kiến Ba Biển và tìm cách giải quyết bất đồng với Đức, liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải dứt khoát loại bỏ khả năng Nga sử dụng dự án này như một phương tiện gây áp lực chính trị đối với các quốc gia Trung và Đông Âu.

(theo Dziennik Związkowy)