📞

Lệnh cấm WeChat và TikTok: Nguồn cơn 'chọc giận' dư luận Trung Quốc

Mỹ Hoàng 13:00 | 27/08/2020
TGVN. Lệnh cấm sắp được áp lên hai ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc là WeChat và TikTok không chỉ khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với các vụ kiện mà còn kích thích sự giận dữ tại Trung Quốc.
Siêu ứng dụng WeChat thuộc sở hữu của "ông lớn công nghệ" Tencent. (Nguồn: AFP)

Quyết định nặng tính chính trị

Các lệnh cấm dự kiến có hiệu lực vào ngày 20/9 đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong những tuần vừa qua. Phương tiện truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, Mỹ quyết tâm bắt nạt và đàn áp các công ty công nghệ đang phát triển của quốc gia đông dân này.

Câu hỏi đặt ra hiện nay đối với các nhà quan sát là liệu tình cảm của công chúng có dẫn đến việc tẩy chay các thương hiệu Mỹ ở Trung Quốc như một số cư dân mạng Trung Quốc đe dọa hay không.

Ngày 24/8, TikTok đã kiện riêng Chính phủ Mỹ về lệnh cấm giao dịch ở xứ cờ hoa đối với ứng dụng chia sẻ video ngắn phổ biến này.

Trong một tuyên bố trên trang web chính thức, TikTok thuộc sở hữu của ByteDance cho rằng quyết định này đã bị "chính trị hóa nặng nề" và đã phớt lờ nỗ lực của công ty trong việc chứng minh họ không chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh và không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Trong đơn khiếu nại gửi lên Tòa án Liên bang Mỹ, TikTok nói rằng: “Lệnh hành pháp không bắt nguồn từ những lo ngại thực sự về an ninh quốc gia. Các chuyên gia độc lập về an ninh quốc gia và bảo mật thông tin đã chỉ trích bản chất chính trị của lệnh hành pháp này và bày tỏ nghi ngờ về việc liệu mục tiêu an ninh quốc gia đã nêu có chính xác hay không”.

TikTok đang tìm kiếm một lệnh cấm vĩnh viễn để ngăn lệnh hành pháp được thực thi, cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump đã vi phạm quyền hiến pháp theo thủ tục tố tụng bằng cách cấm công ty mà không cho cơ hội phản hồi các cáo buộc.

Ông Patrick Ryan, nhà quản lý chương trình kỹ thuật và là nhân viên của TikTok, cũng đã kiện chính quyền của Tổng thống Trump vì lo ngại rằng, ông và 1.500 đồng nghiệp - nhiều người có thị thực lao động - sẽ mất việc nếu lệnh cấm được thực thi.

Trước đó, ngày 21/8, nhóm người dùng WeChat ở Mỹ cũng đưa ra một thách thức pháp lý chống lại lệnh hành pháp tương tự đối với ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, phương tiện được sử dụng cho kinh doanh và liên lạc. Ứng dụng WeChat thuộc quyền sở hữu của gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent.

Sự đáp trả của Trung Quốc

Lệnh cấm của Mỹ đã trở thành một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo - nền tảng microblog của Trung Quốc.

Các chủ đề "Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng với vụ kiện của TikTok chống lại Chính phủ Mỹ" và "Cách xem tập TikTok này" đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem, với những bình luận mang tính dân tộc như "Chúng ta nên ủng hộ các nỗ lực bảo vệ quyền của mình!" và "Mỹ quyết tâm trấn áp các công ty Trung Quốc".

Nhiều bài báo cũng được lan truyền, nói rằng Mỹ đang "tự bắn vào chân mình" và người tiêu dùng Trung Quốc có thể trả đũa các doanh nghiệp Mỹ.

“Ngoài Apple, các thương hiệu thường thấy như KFC, McDonald’s và Starbucks cũng sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng họ sẽ khó đứng vững trên thị trường Trung Quốc”, một nhà bình luận trực tuyến cho biết.

Bắc Kinh đã không ngăn cản sự xuất hiện của những cảm xúc như vậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: "Một số chính trị gia ở Mỹ sợ sức mạnh và sự thành công của các công ty không thuộc Mỹ. Vì vậy, họ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quốc gia để đàn áp những công ty này bằng mọi cách có thể”.

Bên cạnh Tencent và ByteDance, Mỹ đã từng trừng phạt một số công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Nhà phân tích công nghệ và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Andy Mok nhận định: “Tôi nghĩ rằng nhiều người Trung Quốc cảm thấy bị phản bội vì Mỹ từ lâu đã tự cho mình là cởi mở và công bằng”.

Ông Andy nói: “Ngay cả khi không có một cuộc tẩy chay rộng rãi đối với các thương hiệu Mỹ, điều này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc gặp tổn thất”.

(theo Strait Times)