TIN LIÊN QUAN | |
Infographic: 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc | |
Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Geneva |
Dấu mốc 40 năm Việt Nam là thành viên LHQ (20/9/1977-20/7/2017) gợi cho Đại sứ kỷ niệm nào nhất khi mang theo mình hành trang nhiều năm gắn bó với công tác đối ngoại tại LHQ?
Tôi may mắn thuộc thế hệ ngoại giao được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của giai đoạn lịch sử nước nhà trong những thập kỷ nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Hầu như suốt gần bốn thập kỷ hoạt động đối ngoại, tôi đã luôn gắn bó với công tác LHQ và ngoại giao đa phương.
Đại sứ Ngô Quang Xuân trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali, ngày 25/1/1996, tại trụ sở LHQ, New York (Mỹ). |
Mỗi khi có những khoảnh khắc tĩnh lặng, nhất là vào dịp chúng ta đang nhộn nhịp kỷ niệm 40 năm ngày trở thành thành viên chính thức của LHQ, nhiều kỷ niệm cứ nối nhau ùa về trong ký ức. Tôi vẫn có cảm giác mới nguyên về những ngày thức khuya, dậy sớm cùng các đồng nghiệp chuẩn bị đề án tham gia LHQ ngay sau khi chiến tranh kết thúc, về hai khuôn mặt thân quen – hai Đại sứ Nguyễn Văn Lưu, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và Đại sứ Đinh Bá Thi, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Họ cùng lên đường sang Trụ sở LHQ dịp Đại Hội đồng khóa 30 để vận động thế giới ủng hộ kết nạp cả hai miền Nam-Bắc cùng vào làm thành viên LHQ.
Tôi nhớ đến lớp lớp thế hệ anh chị em đã cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, kể cả những giây phút thăng hoa trước những hoạt động thành công rực rỡ ở cả hai địa bàn đa phương phức tạp nhất là New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ). Tôi có rất nhiều kỷ niệm ấn tượng mang theo suốt cuộc đời mình và sẽ là quá tham lam nếu muốn kể ra hết thảy. Vì vậy, việc chọn ra kỷ niệm ấn tượng nhất về LHQ trong 40 năm qua với tôi không hề dễ dàng nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến chuyến công du lần đầu tiên của Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang trụ sở LHQ cách đây 22 năm. Đây là cuộc hội ngộ nguyên thủ quốc gia lớn nhất từ khắp hành tinh tới New York để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ (1945-1995).
Đúng vậy, chuyến công du của Chủ tịch nước Lê Đức Anh được coi là chuyến đi lịch sử bởi lần đầu tiên máy bay Việt Nam chở Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam hạ cánh xuống đất Mỹ - sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York.
Một phóng viên tháp tùng đoàn chia sẻ với tôi, khi máy bay đang lượn điều chỉnh điểm hạ cánh, anh bồi hồi nhớ lại thời ở chiến trường khi máy bay Mỹ quần thảo trên đầu mà thấy đôi mắt cay xè. Khi đó, cơ trưởng Nguyễn Thành Trung - người lái máy bay A37 ném bom Dinh Độc lập hồi nào - đang điều khiển chuyên cơ hạ cánh trong tiếng vỗ tay, cờ vẫy, reo hò của các cán bộ, nhân viên Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington cùng bà con Việt kiều.
Tôi đã cùng đồng nghiệp làm việc cật lực đến mất ăn mất ngủ trong suốt một tuần lễ. Chương trình hoạt động dày đặc, việc đi lại khó khăn, nhiều lúc chúng tôi phải chạy bộ đến nơi đoàn ở để báo cáo kịp thời. Trong khi đó, thường xuyên có những cú điện thoại đe dọa đánh bom xe đoàn Việt Nam, dọa bắt cóc con em Phái đoàn chúng tôi...
Sau tất cả, mọi việc cũng đã diễn ra tốt đẹp. Ngày 25/10/1995, tại lễ nhận quà tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ từ Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng Thư ký LHQ B. Boutros Ghali đã hết lời ca ngợi đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thành công của chuyến thăm cùng những lời tốt đẹp của Tổng Thư ký Ghali đã khiến tôi không còn thấy chút mệt nhọc nào, tinh thần và sức khỏe phấn chấn hẳn lên. Chắc ai cũng đều cảm thấy như vậy!
Ông Ngô Quang Xuân làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện VN tại LHQ (New York) từ năm 1993-1999; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện VN tại LHQ và các tổ chức Quốc tế và là Đại sứ đầu tiên của VN tại WTO (Geneva) từ 2002-2008. Với những thành tích và sự cống hiến cho ngành Ngoại giao, ngày 21/7/2011, ông Ngô Quang Xuân đã được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ nước CHXHCNVN. |
Nếu được so sánh/ví von chặng đường 40 năm đó với một hình ảnh, hình ảnh đó sẽ là gì, thưa Đại sứ?
Tôi cũng hay ví những người làm việc tại các diễn đàn ngoại giao đa phương, hay dấn thân vào sân chơi hội nhập quốc tế như LHQ, giống như người đang bơi ra biển cả, càng bơi càng thấy biển rộng mêng mông. Chặng đường 40 năm qua đã đưa tôi và các đồng nghiệp đến với nhiều bến đậu, nhiều gian nan vất vả nhưng không ít vinh dự, tự hào. Điều chắc chắn có thể khẳng định là hết thế hệ này đến thế hệ khác, đối với những ai đã, đang và sẽ tiếp tục lựa chọn này, con đường luôn vẫn đang trải dài và còn rất rộng mở ở phía trước. Và trên con đường đó, cơ hội như biển cả rộng lớn để học tập, để tiếp thu tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp và còn rất nhiều thứ khác nữa.
Kỳ vọng của Đại sứ về Ngoại giao Việt Nam tại LHQ trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay?
Hơn bao giờ hết, thực hiện mục tiêu cao cả của LHQ trong việc bảo vệ gìn giữ nền hòa bình an ninh quốc tế, xây dựng quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế… đang bị thách thức nghiêm trọng. Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế, cho dù đạt được nhiều kết quả tích cực, bản thân LHQ và các cơ chế đa phương còn nhiều hạn chế về cả quyền lực và nguồn lực.
Chính các nước lớn và một số quốc gia đã cản trở quá trình có thể phát triển lớn mạnh của các cơ chế này. Gần hai thập kỷ qua, LHQ đã buộc phải nằm ngoài khủng hoảng ở Iraq, Libya và bây giờ là Syria… Những bộ luật hết sức giá trị của LHQ như luật biển, giải trừ quân bị, cấm thử vũ khí hạt nhân đã và đang bị xâm hại… Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng như các nước thành viên LHQ còn rất nhiều việc phải làm. Để khẳng định mình tại LHQ đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn của ta. Cánh cửa tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng đang rộng mở chờ đón.
Về hợp tác phát triển, chúng ta triển khai tương đối tốt trong quan hệ hợp tác với LHQ, kể cả trong triển khai thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG). Đây cũng là những tiền đề cho việc thực hiện những ưu tiên tiếp theo mà hai bên đã cam kết trong các lĩnh vực như chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công. Hơn thế nữa, việc thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể của Mục tiêu phát triển bền vững (SMGs) cũng là những thách thức đòi hỏi chúng ta phải cùng chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực phấn đấu vượt qua.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thực sự tham gia bình đẳng với các quốc gia tại LHQ và các diễn đàn đa phương khác, cũng như đưa người vào những vị trí trí ở bộ máy các cơ chế này cũng đang đặt ra cho Việt Nam những mốc phải vươn tới.
Tôi hy vọng, những gì đạt được và kinh nghiệm của 40 năm qua cùng với thời gian sẽ giúp chúng ta tiếp tục đóng góp ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn trong hợp tác với LHQ và các cơ chế đa phương. Điều này sẽ góp phần bảo vệ lợi ích dân tộc, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mở rộng và phát triển các mối quan hệ hợp tác, đưa đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Thêm trưởng thành, thêm bình đẳng Một vài thập kỷ sau Đổi mới, đa phần là Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ cho Việt Nam. Nhưng quan hệ hiện nay giữa ... |
Liên hợp quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Liên hợp quốc (LHQ). Trong suốt hơn ... |
Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ Ngày 29/8, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, dưới sự chủ trì của Ai Cập, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo ... |