Các tàu chiến của Hải quân các nước Bộ tứ tiến vào biển Bắc Arab tham gia cuộc tập trận Malabar 2020 giai đoạn 2 ngày 17/11/2020. (Nguồn: AP) |
Vào ngày 22/4, phái đoàn cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, dẫn đầu là quan chức điều phối Kurt Campbell và Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), đã được cử đến quốc đảo Solomon nhằm yêu cầu quốc gia này ngừng hiệp ước an ninh với Trung Quốc.
Phía Mỹ thẳng thừng tuyên bố sẽ không để yên nếu Solomon cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự xa bờ trong lòng Thái Bình Dương.
Chiến lược của Trung Quốc trong việc tạo ra các vị trí án ngữ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định tại các vùng biển. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ dự kiến diễn ra tại Tokyo vào ngày 24/5 tới.
Vấn đề này tiềm ẩn những nguy cơ đáng báo động nếu Trung Quốc quyết định quân sự hóa Đài Loan bằng cách gia tăng lực lượng trên biển, đặc biệt là hệ thống tàu ngầm hạt nhân bên ngoài lãnh hải.
Thủ tướng quần đảo Solomon đã phải trấn an các quan chức Mỹ rằng thỏa thuận an ninh mới không cho phép Trung Quốc đặt bất kỳ căn cứ quân sự nào.
Tuy nhiên trên thực tế, bằng chiêu bài Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) và hợp tác song phương, Trung Quốc đã dần đạt được các vị trí án ngữ chiến lược trên khắp vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đe dọa trực tiếp đến Bộ tứ - tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn đầu.
Nhóm nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia lo ngại việc ký kết thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon có thể là bước đi mới nhất của Trung Quốc mở đầu cho kế hoạch gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đó, tại Bắc và Nam Mỹ, một số công ty nội địa hoặc công ty do Trung Quốc tài trợ đã thành công gây dựng được chỗ đứng ở Panama và cảng Ushuaia thuộc eo biển Magellan. Tiếp đến, tại Malaysia và Indonesia, vốn bị chia cắt bởi các eo biển Malacca trọng yếu, rồi mới đây nhất là tại quần đảo Solomon, sự hiện diện của Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về cục diện an ninh khu vực Thái Bình Dương.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Ấn Độ Dương khi Trung Quốc thiết lập căn cứ ở Sri Lanka, Pakistan và Djibouti. Lợi dụng việc cho các nước Nam Phi này vay nợ khổng lồ, chính phủ Bắc Kinh nghiễm nhiên đạt được sự hiện diện trải dài từ Vịnh Ba Tư, Vịnh Oman, Biển Đỏ, và tuyến đường thương mại trọng yếu nối đến Nam - Bắc Á.
Tất cả các quốc gia này đều đang gánh nợ Trung Quốc nghiêm trọng. Thậm chí, nền kinh tế của Sri Lanka và Pakistan đang có nguy cơ vỡ nợ khiến họ phải dựa vào số tiền cứu trợ từ hệ thống tài chính Bretton Woods hoặc sa lầy vào khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện đang là chủ nợ lớn của nhiều quốc gia giữ vị trí chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các thành viên Bộ tứ đặc biệt quan ngại khi quân đội Trung Quốc ngày càng tiến sâu vào vùng biển quốc tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Tokyo, Bộ tứ kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản và các nước khác, hướng đến mục tiêu chung - coi Trung Quốc thực sự là mối đe dọa trên toàn khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
| Nam Thái Bình Dương nổi sóng Việc quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc đang làm khu vực Nam Thái Bình Dương nổi sóng. |
| Mỹ sắp sửa tiết lộ hành động ứng phó Trung Quốc, rục rịch động thái ở Solomon Trong những tuần tới, Mỹ sẽ đưa ra chiến lược an ninh quốc gia nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc với ... |