Australia xây nhà tù đầu tiên cách ly các phần tử khủng bố | |
Bốn nước Ả rập liệt cá nhân, tổ chức liên quan Qatar vào danh sách khủng bố |
Trong bối cảnh này, và cũng để có cái nhìn rõ hơn về cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hiện nay, chúng ta cần nhìn lại lịch sử phát triển của chủ nghĩa khủng bố cũng như phản ứng nhanh của các quốc gia trong việc xây dựng hay sửa đổi luật phòng chống khủng bố.
Người dân bàng hoàng và đau đớn khi chứng kiến Trung tâm Thương mại thế giới bị khủng bố tấn công, ngày 11/9/2001. (Nguồn: The Atlantic) |
Lan rộng và khó lường
Chủ nghĩa khủng bố xuất hiện không chỉ ở Trung Đông mà còn ở châu Âu, cũng như nó không phải luôn gắn liền với các vấn đề tôn giáo. Từ "chủ nghĩa khủng bố" lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu sau Cách mạng Pháp 1789. Tại thời điểm này, bạo lực đã được sử dụng phổ biến tại Paris để áp đặt chế độ mới vào những người Pháp còn do dự không muốn thay đổi. Kết quả là từ "chủ nghĩa khủng bố" được Viện Hàn lâm Pháp lưu lại với nghĩa "hệ thống hay chế độ dùng kinh sợ (để áp đặt)". Định nghĩa này cho thấy "gây kinh sợ" luôn là cốt lõi của chủ nghĩa khủng bố.
Thế kỷ XIX là thế kỷ mà chủ nghĩa khủng bố có sự thay đổi rõ rệt, vì giờ đây khủng bố gắn liền với các nhóm phi chính phủ. Thậm chí, ở đầu thế kỷ này, có những nhóm dùng từ "khủng bố" một cách tự hào để miêu tả hoạt động của nhóm. Khủng bố cũng được dán nhãn với những hoạt động nhắm vào việc thủ tiêu người đứng đầu, tiêu biểu là vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand bởi nam sinh viên Bosnia 19 tuổi Gavrilo Princip ngày 28/6/1914. Vụ ám sát gây chấn động nhất thế giới thế kỷ XX này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Từ khoảng 50 năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, khủng bố bắt đầu hướng ra ngoài mục tiêu ám sát các nguyên thủ, thủ lĩnh, và nhằm vào các mục tiêu dân sự như vụ 11 vận động viên Israel bị sát hại tại Thế vận hội Olympic ở Munich 1972.
Đáng chú ý, việc xuất hiện các nhóm khủng bố được chính quyền hậu thuẫn làm cuộc chiến chống khủng bố ngày càng khó khăn và phức tạp. Vào những năm 1980, các hoạt động khủng bố rung chuyển nước Anh của Tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đòi độc lập cho Bắc Ireland đánh dấu đậm trong lịch sử khủng bố. Tại châu Âu, từ năm 1986-2000, số nạn nhân của khủng bố tăng khá cao sau vụ đánh bom máy bay kinh hoàng trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988, khiến 270 người thiệt mạng.
Những năm 2000, khủng bố Hồi giáo gây nỗi kinh sợ trên thế giới. Osama Bin Laden, trùm khủng bố mới xuất hiện, đã lãnh đạo Al-Qaeda thực hiện chính sách cực đoan tôn giáo, chống Mỹ và hoàn toàn không để tâm tới hậu quả khủng khiếp đối với dân thường. Vụ tấn công vào tòa tháp đôi ở New York năm 2001 bởi khủng bố Hồi giáo gây chấn động thế giới vì mức độ tàn phá của nó, đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Từ đó đến nay, nhiều nỗ lực được thực hiện, nhưng khủng bố vẫn luôn là vấn đề ám ảnh nước Mỹ.
Hình ảnh một bé gái tám tuổi, nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Manchester ngày 22/5/2017, trên bìa một tờ báo. (Nguồn: AP) |
Cuộc chiến dai dẳng
Có thể nói, hiện giờ khủng bố đã trở thành một vấn đề an ninh hàng đầu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các biện pháp căn bản chống khủng bố không chỉ nằm trong phạm vi siết chặt an ninh và điều tra giám sát các phần tử khủng bố. Đưa cuộc chiến chống khủng bố vào khuôn khổ pháp luật cũng là một trong những biện pháp cần thiết. Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia thông qua luật chống khủng bố. Về độ nghiêm ngặt, có thể nói luật của Pháp, Anh và Mỹ là những ví dụ tiêu biểu nhất.
Các vụ tấn công khủng bố bắt đầu xuất hiện tại Pháp từ những năm 1970 và trở nên nhiều hơn vào những năm 1980. Đạo luật đầu tiên chống khủng bố của Pháp đã được thông qua vào ngày 9/9/1986. Luật này đưa định nghĩa về hành vi khủng bố và có những thay đổi cơ bản về mặt thủ tục tố tụng hình sự đối với tội danh này, như kéo dài thời gian tạm giam thành bốn ngày, tăng nặng hình phạt, đưa kêu gọi khủng bố thành tội hình sự, xóa tội cho những tội phạm có công ngăn chặn khủng bố, tăng đền bù cho các nạn nhân khủng bố. Năm 1991, một đạo luật liên quan đến nghe lén điện thoại được thông qua, cho phép các nhân viên điều tra nghe lén điện thoại cá nhân vì "mục đích an ninh công cộng". Một thời gian sau, chương trình Vigipirate ra đời với mục đích quy định thẩm quyền, trách nhiệm của chính phủ và các địa phương trong kế hoạch chống khủng bố.
Năm 1996 đánh dấu sự ra đời của luật Nâng cao hiệu quả chống khủng bố của Pháp, trong đó, một số tội danh mới được đưa vào luật như tội tham gia nhóm có liên hệ với khủng bố. Từ đó đến nay, cứ khoảng 1-2 năm nước Pháp lại có một luật tăng cường hiệu quả chống khủng bố, liên quan tới việc kiểm soát thông tin trên Internet, nâng cao quyền kiểm tra nhân thân của nhân viên điều tra... Hiện giờ, kẻ tình nghi khủng bố có thể bị tạm giam bốn ngày, thậm chí tới sáu ngày nếu có "nguy cơ nghiêm trọng" của hành vi khủng bố.
Tuy nhiên, cũng có những đạo luật không được thông qua. Năm 2016, Tổng thống Francois Holland đã phải hủy bỏ dự án luật Hiến pháp với một số điều khoản như tước quốc tịch của những kẻ khủng bố người Pháp "gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống quốc gia" hay điều khoản hiến pháp hóa "tình trạng khẩn cấp". Năm 2017, Hội đồng Hiến pháp nước này cũng tuyên bố điều khoản trong Bộ Luật hình sự Pháp liên quan đến tội "tham khảo thường xuyên" các trang mạng chứa các nội dung ca ngợi, ủng hộ khủng bố là vi hiến. Điều này có nghĩa dù khủng bố là tội rất nghiêm trọng, nước Pháp cũng không cho phép "xé quy định" để đạt mục tiêu. Ngược lại, mọi điều khoản pháp luật nhằm ngăn chặn khủng bố vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được khẳng định bởi Hiến pháp.
Nước Anh cũng là nước có lịch sử lâu đời về các đạo luật chống khủng bố. Những đạo luật đầu tiên ra đời từ những năm 1970 nhằm chống lại các hoạt động khủng bố của Bắc Ireland. Tuy nhiên, các đạo luật chính vẫn còn hiệu lực đến ngày nay phải kể đến Luật chống khủng bố 2000, mở rộng định nghĩa về hành vi khủng bố, tăng cường quyền lực cảnh sát, đưa vào các tội hình sự mới, cho phép tạm giữ điều tra tới bảy ngày.
Sau vụ 11/9/2001 tại Mỹ, nước Anh có ra thêm Luật Phòng chống khủng bố 2005 cho phép giam giữ người nước ngoài tình nghi khủng bố không cáo trạng (tuy nhiên, điều khoản này bị Thượng Nghị viện Anh tuyên bố không phù hợp với quy định về nhân quyền), mở rộng quyền phong tỏa tài sản và tài khoản ngân hàng của những đối tượng bị tình nghi. Năm 2005, Anh cũng thông qua luật mới cho phép "hạn chế hoạt động" một số người nghi dính líu đến các hoạt động khủng bố, nhưng không đủ bằng chứng. Ngoài ra, luật 2006 cho phép giam giữ tình nghi khủng bố trước khi ra cáo trạng tới 28 ngày.
Ở Anh hiện có hai luồng tư tưởng, một bên cho rằng các đạo luật chống khủng bố quá "hà khắc" và vi phạm nhân quyền, và ngược lại, một bên lại cho rằng các quy định về nhân quyền đã cản trở cuộc chiến chống khủng bố, và vì thế đòi dỡ bỏ các cản trở này. Bà Therese May là người theo đường lối thứ hai.
Nói đến luật của Mỹ, không thể không nói đến Luật Ái quốc 2001. Đạo luật này được soạn ra ngay sau vụ khủng bố 11/9 bởi chính quyền Tổng thống George Bush nhằm tăng cường quyền lực liên bang trong bảo đảm an ninh, cũng như quyền lực của cơ quan tình báo để ngăn chặn các vụ khủng bố trên lãnh thổ Mỹ. Cũng như ở Anh, Luật Ái quốc của Mỹ nhận được các chỉ trích trái chiều. Một khuynh hướng ở Mỹ cho là luật chưa đủ mạnh để ngăn chặn khủng bố, trong khi có khuynh hướng khác lại chỉ trích luật này cho phép chính phủ can thiệp và hạn chế quá nhiều quyền dân sự của người dân.
Tuy giữ vai trò quan trọng trong hoạt động chống khủng bố, các bộ luật trên cũng thường là đối tượng chỉ trích của các tổ chức tình nguyện nhân đạo. Thực tế, các đạo luật nhắm vào mọi đối tượng, cá nhân hay tổ chức “hỗ trợ mặt vật chất” cho các nhóm khủng bố - làm hạn chế nhiều hoạt động tình nguyện trợ giúp người dân tại một số nước có sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Vì thế, dung hòa được việc bảo vệ nhân quyền và ngăn chặn khủng bố là điều thực sự khó trong cuộc chiến này.
Thổ Nhĩ Kỳ không sửa đổi luật chống khủng bố gây tranh cãi Tuyên bố trên được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đưa ra trong cuộc gặp ngày 1/9 với Chủ tịch Nghị viện châu Âu ... |
EU tái khẳng định các yêu cầu về miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ Công dân Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực vào các nước Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 10 tới chỉ khi nước này ... |
Indonesia và “gót chân Asin” của luật chống khủng bố Chuỗi các vụ tấn công liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Thủ đô Jakarta ngày 14/1 đã tạo áp lực ... |