📞

Lực lượng Taliban: Sinh ra từ bạo lực, trỗi dậy từ tro tàn và đến tận cùng giấc mộng

Phương Hà 06:00 | 17/08/2021
Lực lượng Taliban tuyên bố chiến tranh ở Afghanistan đã chấm dứt. 'Giấc mộng' 20 năm của Taliban đã được hiện thực hóa nhanh đến mức chính lực lượng này cũng ngỡ ngàng.
Các thủ lĩnh của Taliban bên bàn làm vệc của tổng thống ở Kabul. (Nguồn: AP)

Ngày 16/8, người phát ngôn của văn phòng chính trị Taliban, Mohammad Naeem cho biết, chiến tranh ở Afghanistan đã chấm dứt, nhóm sẽ sớm thông báo chế độ và cách thức cai trị.

Ông Naeem cho biết, lực lượng có được ngày hôm nay là thành quả của những nỗ lực và hy sinh trong suốt 20 năm.

“Chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi mong mỏi. Đó là sự tự do của đất nước chúng tôi, sự độc lập của dân tộc chúng tôi”.

20 năm 1 giấc mộng

Taliban nổi lên ở Afghanistan trong thập niên 1990, nòng cốt là lực lượng du kích từng chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng Afghanistan.

Đa phần chiến binh cốt cán ban đầu của Taliban là người Pashtun, nhóm bộ lạc lớn nhất ở Afghanistan.

Người sáng lập Taliban là Mohammad Omar, từng là chỉ huy của lực lượng du kích.

Sau khi ra đời năm 1994, Taliban mở chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát Kandahar, một trong những đô thị lớn nhất ở miền Nam Afghanistan, khi đó đang chìm trong tội phạm và bạo lực.

Tầm nhìn về công lý mà Taliban rao giảng giúp lực lượng này nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng, thâu tóm quyền lực. Năm 1996, Taliban chiếm được thủ đô Kabul, tuyên bố Afghanistan trở thành một vương quốc Hồi giáo.

Tư tưởng của Taliban khi đó được có nhiều điểm tương đồng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama Bin Laden, điểm khác là Taliban chỉ tập trung vào sự cai trị ở trong nước.

Al-Qaeda sát cánh với Taliban tấn công các nhóm vũ trang liên kết với quân đội chính phủ. Đổi lại, lãnh đạo Taliban cung cấp địa điểm trú ẩn và rèn quân cho Al-Qaeda.

Từ Afghanistan, đầu não của Al-Qaeda đã lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Và chỉ vài tháng sau đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công lật đổ chế độ Taliban nhằm truy quét Al-Qaeda.

Sau khi thua trận trước liên quân quốc tế năm 2001, Taliban tháo chạy về các vùng nông thôn. Một số thủ lĩnh Taliban bỏ trốn sang Pakistan. Dưới sự bảo trợ của cơ quan an ninh Pakistan, Taliban xây dựng lại lực lượng.

Mục tiêu của Taliban rất đơn giản, đó là giành lại những gì lực lượng này đã mất khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001. Lực lượng này không cần quốc hội, không muốn bầu cử. Taliban có lãnh tụ tối cao và hội đồng quan chức, đó là những gì Taliban cho là tốt nhất cho Hồi giáo.

Lời hứa hão huyền?

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, lá cờ nước này không còn bay trên nóc đại sứ quán ở thủ đô Kabul, giữa lúc các nhân viên đại sứ quán đang cố gắng rời khỏi Afghanistan. Mỹ mới quyết định rút quân khỏi Afghanistan thì giờ đây lại phải phái thêm 1.000 lính đến Kabul và đưa mình vào thế bị động.

Sau 20 năm ở lại Afghanistan, Mỹ đã quyết định không chỉ rút quân khỏi đất nước này mà còn đưa ra các điều khoản với Taliban, từng cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda và thủ lĩnh Osama bin Laden.

Câu hỏi đặt ra rằng, đã là “kẻ thù không đội trời chung”, một thỏa thuận liệu có giá trị ràng buộc?

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban (ký kết ngày 29/2/2020 tại Doha, Qatar) được chính quyền cựu Tổng thống Trump coi là một "thỏa thuận hòa bình". Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó mang lại hòa bình, thậm chí còn tạo ra một thế vững chắc cho lực lượng Taliban.

Việc Mỹ rút quân tạm thời không bàn đến đúng sai, nhưng khi rút quân, Washington nên tham vấn ý kiến của chính phủ Kabul, lên kế hoạch cho các bước tiếp theo và đảm bảo thực hiện từng bước một cách có trật tự.

Một số quan chức Mỹ đã cảnh báo tình hình ngày càng tồi tệ và Taliban khó có thể giữ lời hứa ngừng hỗ trợ al-Qaeda.

Tháng 5/2021, một báo cáo của Nhóm giám sát Liên hợp quốc gồm 18 thành viên đã chỉ ra sự liên kết mạnh mẽ giữa al-Qaeda và Taliban.

Báo cáo cho rằng hai nhóm này không chỉ liên kết chặt chẽ với nhau mà mối quan hệ của họ đã "phát triển sâu sắc hơn do sự hợp tác chung trong cuộc đấu tranh và hiện được củng cố thông qua mối quan hệ thế hệ thứ hai".

Quân đội Afghanistan không thể chống cự trước làn sóng tấn công của lực lượng Taliban. (Nguồn: NPR)

Lỗ hổng được hé lộ

Chiến dịch quân sự của Taliban khởi động từ tháng 5, khi Mỹ bắt đầu rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan.

Ban đầu, đó chỉ là các chiến dịch nhỏ lẻ, chiếm lấy các khu vực nông thôn, hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh thưa thớt dân cư. Sau đó lực lượng này bắt đầu đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh và tiến quân với tốc độ vũ bão.

Sự sụp đổ quá chóng vánh của quân đội Afghanistan cũng như chính phủ Kabul là một cú sốc đối với nước Mỹ, là sự ngỡ ngàng ngay với chính lực lượng Taliban.

Việc các lực lượng Afghanistan sụp đổ trước phe nổi dậy Taliban chỉ trong vài tuần là một điều không ai ngờ tới. Chỉ trong vòng 45 ngày, Taliban đã chinh phục được phần lớn khu vực phía Bắc, phía Nam, phía Tây và áp sát Kabul.

Một câu hỏi đã được đặt ra: Làm thế nào mà một đội quân với quân số đông, được cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ huấn luyện, tài trợ và trang bị, lại có thể mất phương hướng nhanh chóng như vậy?

Về mặt chính thức, Kabul chỉ có khoảng 300.000 nhân viên an ninh, bao gồm cả lực lượng tinh nhuệ, và gần 50.000 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt.

Theo một nguồn tin quân sự cấp cao của Mỹ, nhà chức trách Afghanistan đã thổi phồng các con số nhằm tăng hóa đơn chi trả của Mỹ và tiếp tay cho nạn tham nhũng.

Quyết định rút quân sớm của Mỹ đã phơi bày những lỗ hổng trong quân đội chính quy của Afghanistan: nghèo nàn, tham nhũng, không được đầu tư và thiếu sự hỗ trợ của không quân.

Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến thất bại của chính quyền Kabul. Quy mô của các trung đoàn Afghanistan thực chất chỉ là sự thổi phồng.

(theo Reuters, AFP, Times of India)