Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bản tin APEC, trước thềm Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM II) diễn ra từ ngày 9/5 đến 21/5, Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nói về những bài học của Việt Nam về hội nhập, đổi mới và thương mại. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa các nền kinh tế để có thể cùng hỗ trợ nhau và cùng hưởng lợi. Đây cũng là trọng tâm hoạt động của các nền kinh tế APEC trong năm Việt Nam làm Chủ tịch.
Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đánh giá thế nào về xu hướng toàn cầu hoá và thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương?
Hiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực còn chậm. Đầu tư bị ảnh hưởng và có ý kiến cho rằng, lợi ích của toàn cầu hoá đã không được phân phối đồng đều giữa các nhóm khác nhau trong các nền kinh tế. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực và sự phát triển vẫn hiện hữu, giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa các nền kinh tế để có thể cùng hỗ trợ nhau và cùng hưởng lợi. (Ảnh chụp màn hình) |
Điều đầu tiên đó là phần lớn mọi người đều nhìn thấy toàn cầu hoá đã đem lại nhiều lợi ích. Thứ hai, hội nhập ở châu Á Thái Bình Dương đã và đang đem lại một thị trường thương mại tự do và cởi mở, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Năm ngoái, khu vực này tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Và cuối cùng, cho tới thời điểm hiện tại, toàn cầu hoá và hội nhập đã khuyến khích các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cùng hợp tác tạo nên một vườn ươm ý tưởng, cũng như một kênh quảng bá thương mại hữu hiệu, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã rút ra bài học gì từ “mở cửa” hay "Đổi mới" và tham gia vào các sáng kiến thương mại mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hợp tác trong APEC, Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương chẳng hạn?
Việt Nam đã bước vào thời kỳ Đổi Mới từ cách đây 30 năm, quá trình đó thực sự đã mang lại cho nhân dân Việt Nam nhiều lợi ích to lớn. Hiện nay, chúng tôi đã thành công trong việc chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường. Quá trình hội nhập quốc tế cũng đã mở ra nhiều cơ hội và thu hút thêm rất nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Quá trình phát triển của Việt Nam được hỗ trợ bởi hai yếu tố. Thứ nhất, chúng tôi vẫn đang tiếp tục cải cách nội bộ, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành khác. Thứ hai, việc tích cực tham gia hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam xích lại gần hơn và từng bước hợp tác chặt chẽ hơn với thế giới và các nền kinh tế khu vực. Chúng tôi hiện là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đang rất tích cực tham gia vào các diễn đàn kinh tế như APEC. Việt Nam cũng đã đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA với các thành viên APEC. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi.
Cải cách và hội nhập quốc tế đã xây dựng nên một nền tảng vững chắc để chúng tôi có thể tự tin đẩy nhanh quá trình này. Đây là một định hướng đã được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam ủng hộ. Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực cải cách để phát triển và nâng cao uy tín của Việt Nam ở khu vực và toàn cầu.
Tích cực hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam xích lại gần hơn và từng bước hợp tác chặt chẽ hơn với thế giới và các nền kinh tế khu vực. (Nguồn: Dtinews) |
Vậy quá trình phát triển thị trường và hội nhập đã thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam như thế nào?
Cải cách và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều thay đổi vượt bậc cho Việt Nam. Xuất phát điểm từ một nền kinh tế kém phát triển, giờ đây Viêt Nam đã là nền kinh tế có thu nhập trung bình. Đây thật sự là một mốc lịch sử quan trọng và chính bản thân tôi đã trải qua các giai đoạn này. Vào những năm 1980 khi Việt Nam mới bắt đầu công cuộc đổi mới, chất lượng cuộc sống thật sự rất thấp. Nhưng giờ đây, sau 30 năm cải cách và hội nhập, bạn có thể thấy Việt Nam chúng tôi đã trở nên năng động hơn rất nhiều. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, mọi người đều khao khát làm việc, tích cực lao động và luôn có sẵn tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.
Tất nhiên, trong quá trình đổi mới Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm chú ý tới các yếu tố xã hội và các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và người dân ở các vùng nông thôn. Tôi đã nhìn thấy sự hài lòng của bà con ở nơi đây với thành quả của công cuộc cải cách. Điều quan trọng nhất là người dân hài lòng, sẵn sàng ủng hộ và làm việc với Chính phủ để thúc đẩy quá trình cải cách và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Việt Nam đã học được gì từ kinh nghiệm tự do hóa thương mại của các nền kinh tế khác trong khu vực?
Hội nhập quốc tế là một quá trình. Trước tiên, chúng tôi gia nhập ASEAN, sau đó tham gia Hội nghị Á Âu, APEC, Tổ chức Thương mại Thế giới… Hiện nay, Việt Nam đã có mặt trong hầu hết các tổ chức thương mại và kinh tế. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều với bạn bè về cải cách và hội nhập quốc tế, cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm phát triển của họ.
Khi mới gia nhập ASEAN, Việt Nam mới chỉ là một đối tác phát triển kinh tế cấp thấp trong khối, nhưng chúng tôi đã từng bước nâng tầm phát triển kinh tế, cũng như mức độ hợp tác trong ASEAN. Là thành viên của APEC trong 20 năm qua, năng lực của người lãnh đạo cũng như doanh nghiệp của chúng tôi đã được nâng lên rất nhiều, để có thể hưởng lợi từ hội nhập và thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu đối thoại với doanh nghiệp Hà Nội tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017, 8/12/2016. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tiếp tục chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác trong APEC, khối ASEAN, các tổ chức khu vực và toàn cầu khác sẽ giúp chúng tôi xây dựng nền tảng vững chắc để hội nhập tốt hơn trong khu vực và thế giới.
Liệu có thể nói rằng, những cảnh cáo về hậu quả ngoài ý muốn của tự do hoá thương mại và đầu tư sẽ giúp Việt Nam và khu vực quản lý hiệu quả hơn quá trình này?
Trong quá trình cải cách và hội nhập quốc tế, không phải tất cả các bộ phận của nền kinh tế, xã hội và các doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Khi chúng ta tiến hành làm gì đó thì đều phải chú ý đến vấn đề công bằng xã hội.
Chúng tôi đã học được rất nhiều từ những các thành viên khác về việc đặt con người và doanh nghiệp làm trọng tâm của các chính sách. Chính vì thế nên Việt nam đang hợp tác rất chặt chẽ cùng các đối tác APEC khác về vấn đề hoà nhập và giải quyết những tác động tiêu cực của thương mại và phát triển tới các nhóm khác nhau trong xã hội. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của APEC trong năm 2017. Mục tiêu của chúng tôi là có thể mang lại lợi ích cho các bộ phận khác nhau của từng nền kinh tế trong khu vực.
Xin cảm ơn ông!