📞

Mặc cộng đồng Arab 'dậy sóng', quốc gia Trung Đông này vẫn không muốn 'nghỉ chơi' với Israel

Linh Nguyên 08:31 | 07/11/2023
Trong khi nhiều nước Arab đều bày tỏ thái độ tức giận trước các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại đang nhìn xa hơn về tương lai và những lợi ích kinh tế, quốc phòng từ việc duy trì Hiệp ước Abraham - Hiệp định hòa bình mà hai nước ký kết năm 2020.

Trong khi căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông sau các hoạt động tấn công quân sự của Israel diễn ra liên tục thời gian qua ở Gaza, một quan chức UAE đã lên tiếng khẳng định quan hệ giữa Israel với UAE cũng như Hiệp ước Abraham ký kết giữa các quốc gia kể từ năm 2020 không có nguy cơ đổ vỡ.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến do Hiệp hội người Do Thái ở châu Âu (EJA) và Ủy ban Công vụ Israel-Mỹ (AIPAC) tổ chức hôm 3/11, ông Ali Al Nuaimi, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại thuộc Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE khẳng định: “Hiệp ước Abraham là tương lai của chúng tôi. Đây không phải là thỏa thuận giữa hai chính phủ mà còn là nền tảng giúp đưa khu vực này trở thành nơi mọi người được hưởng nền an ninh, sự ổn định và thịnh vượng”.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực dù đã bình thường hóa quan hệ với Israel vẫn chỉ trích gay gắt hoặc giữ thái độ im lặng trước chiến dịch tấn công của Tel Aviv. Hôm 1/11, Jordan đã triệu hồi Đại sứ của mình ở Israel trong khi nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối hành động của Israel ở Dải Gaza. Hôm 2/11, Quốc hội Bahrain triệu hồi Đại sứ tại Israel và cắt đứt quan hệ kinh tế với quốc gia này. Bahrain cũng là quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp ước Abraham cắt đứt quan hệ với Israel kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

UAE vẫn đang thu được nhiều lợi ích cả kinh tế thương mại và quốc phòng từ mối quan hệ với Israel. Ảnh minh họa. (Nguồn: setav.org)

Hiệp ước Abraham là gì?

Hiệp ước Abraham là một sáng kiến ​​hòa bình được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng vào năm 2020 nhằm tìm cách khiến các nước Arab đơn phương công nhận Nhà nước Israel mà không cần chính Israel đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào liên quan đến vấn đề nhà nước Palestine.

Thông qua các hiệp ước được thúc đẩy bởi đường lối ủng hộ Israel mạnh mẽ của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ đã thành công trong việc khiến UAE, Sudan, Morroco và Bahrain mở cửa quan hệ ngoại giao với Israel.

Washington đạt được những thành công đó bằng cách đơn phương nhượng bộ với các quốc gia này như một phần của Thỏa thuận, chẳng hạn như loại Sudan khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố hoặc công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara.

Hiệp ước Abraham đã khiến người Palestine nổi giận, họ coi đây là hành động phản bội đối với sự đồng thuận kéo dài hàng thập kỷ của thế giới Arab nhằm cô lập Israel cho đến khi nước này đồng ý thành lập một nhà nước Palestine, với thủ đô ở Đông Jerusalem.

Theo nhà phân tích chính trị Timur Fomenko, Hiệp ước Abraham không phải là một sáng kiến ​​hòa bình thực sự công bằng vì tất cả những gì chính quyền Mỹ làm là thúc đẩy các nước để đứng về phía Israel và từ bỏ Palestine, thay vì tìm kiếm hòa bình ở một trong những cuộc xung đột sôi sục nhất trong khu vực.

UAE được lợi gì từ mối quan hệ với Israel?

Trả lời phỏng vấn của Breaking Defense, các chuyên gia cho rằng những tuyên bố của ông Al Nuaimi đã cho thấy quan điểm rõ ràng của UAE, rằng quốc gia này vẫn đang thu được những lợi ích về kinh tế và an ninh từ Hiệp ước Abraham, bất chấp cuộc khủng hoảng hiện tại. Hơn mọi quốc gia trong khu vực, UAE có quan hệ nồng ấm với Israel và thể hiện sự quan tâm đến các hệ thống phòng thủ do Tel Aviv sản xuất.

Andreas Krieg, Giám đốc điều hành của MENA Analytica, một công ty tư vấn rủi ro chiến lược tại khu vực Trung Đông có trụ sở tại London (Anh) cho biết: “Tôi không thực sự ngạc nhiên về điều này (tuyên bố của ông Al Nuaimi) bởi vì đối với UAE, Hiệp ước Abraham và mối quan hệ với Israel mang tính chiến lược hơn nhiều so với một cuộc xung đột đơn lẻ”.

PGS. David Des Roches đến từ Trung tâm nghiên cứu an ninh khu vực cận Đông Nam Á chia sẻ quan điểm này và lưu ý rằng, ngay từ khi ký kết, UAE đã nhấn mạnh rằng Hiệp ước “có điều kiện” và sẽ bị dừng lại nếu Israel cố gắng sáp nhập các phần của Bờ Tây (văn bản thực tế của Hiệp ước do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố có lưu ý rằng Hiệp ước được thúc đẩy một phần nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine, nhưng không nêu rõ các điều kiện).

Do đó, theo ông David Des Roches, “UAE thực sự đang ở vị thế ít nhiều có ảnh hưởng đối với Israel, điều mà trước đây họ không có".

Chuyên gia Krieg ám chỉ, dường như có một “ranh giới đỏ” mà chính phủ UAE đã vạch ra, trong đó những chỉ trích đối với các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza có thể vẫn chấp nhận được nhưng không phải về mối quan hệ giữa UAE với Israel hay nói rộng ra là với đối tác quốc phòng lớn nhất của UAE-Mỹ.

“Vấn đề không phải nằm ở Israel hay Palestine, mà là mối quan hệ với Mỹ. Vì vậy, Hiệp ước chủ yếu đã và vẫn sẽ là công cụ để lôi kéo Washington tham gia và thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng. Điều đó không bao giờ thay đổi nếu xét đến lập trường của Mỹ, dù có hay không sự hỗ trợ dành cho Israel”, chuyên gia Krieg cho hay, đồng thời khẳng định UAE quan tâm đến mối quan hệ của giữa Abu Dhabi và Tel Aviv hơn những gì thế giới Arab vẫn nghĩ. "UAE có quan hệ đối tác rất mạnh mẽ với Israel về mặt kinh tế và thương mại - một mối quan hệ rất khả thi và có lợi”, ông nói.

Ngay sau Hiệp ước Abraham, các công ty quốc phòng của Israel đã đặt gian hàng tại Triển lãm và Hội thảo Quốc phòng quốc tế lần thứ 15 (IDEX 2021) - một triển lãm quốc phòng lớn của UAE. Tập đoàn quốc phòng EDGE của UAE công khai việc đạt được các thỏa thuận quốc phòng với các công ty Israel phát triển công nghệ chống máy bay không người lái (UAV), các hệ thống không người lái và nhiều nền tảng khác.

PGS. Des Roches cho biết: “UAE là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia tham gia Hiệp ước Abraham đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp quốc phòng”, đồng thời lưu ý quốc gia này đang thiết lập “một lộ trình đầy tham vọng để trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu trong khu vực và trong cuộc đua đó, Israel có thể trở thành đối tác hữu nghị mạnh mẽ".

“UAE muốn trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ, công nghệ máy tính cũng như khoa học sinh học - những lĩnh vực Israel có thế mạnh và sử dụng để đàm phán, nên tôi nghĩ UAE sẽ có nhiều thứ để mất hơn (nếu cắt đứt quan hệ với Israel)”, ông Des Roches bình luận.

Jonathan Lord, Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) lưu ý rằng kể từ khi Hiệp ước được ký kết, UAE trở thành đối tác thương mại lớn thứ 16 của Israel.

Trả lời phỏng vấn Breaking Defense, chuyên gia Lord cho biết: “Hai bên đã ký một Hiệp định thương mại tự do trong năm nay. Hàng trăm ngàn khách du lịch Israel đã tới thăm UAE. Hiện tại, mỗi đêm người dân UAE đi ngủ đều được bảo vệ bởi không phải một mà là hai hệ thống phòng không khác nhau của Israel. Các hệ thống này, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và hệ thống phòng không Patriots của Mỹ giúp bảo vệ UAE khỏi tên lửa của lực lượng phiến quân Houthi”.

Ông nói thêm rằng, những lợi ích mang lại cho cả hai quốc gia từ sự hợp tác chiến lược làm lu mờ những thách thức trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Hamas, đặc biệt là không có nhiều sự phản kháng gay gắt từ trong nước.

(theo Breaking Defense)