Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tiệc chiêu đãi Đoàn Ngoại giao năm 2018. (Nguồn: VGP) |
Giấy mời chiêu đãi được làm bằng giấy cứng, in sẵn. Ngôn ngữ giấy mời được sử dụng theo ngôi thứ ba, súc tích, rõ ràng. Nội dung giấy mời được thể hiện dưới dạng một câu duy nhất, không có dấu ngắt câu với bố cục cơ bản: tên người mời và chức danh hoặc chỉ có chức danh không có tên và khoảng trống để điền tên khách mời, lý do mời, ngày, giờ, địa điểm, yêu cầu “đề nghị trả lời” (R.S.V.P.) cùng với số điện thoại và số fax/email ở góc phải bên dưới, quy định về trang phục ở góc trái bên dưới.
Thông thường, nếu mời tiệc ngồi phải ghi “đề nghị trả lời” (R.S.V.P.) trước để biết được số lượng khách mời sẽ tới dự giúp sắp xếp sơ đồ bàn ăn hợp lý. Cần phải ấn định thời hạn trả lời giấy mời để kịp có các biện pháp xử lý, mời thêm khách, gọi điện nhắc khách. Nếu chấp nhận cho thay người thì phải biết người đi thay là ai.
Bên cạnh lựa chọn phông chữ phù hợp đối với một số từ và cụm từ, khoảng cách giữa chúng, sử dụng màu sắc và kích cỡ giấy mời để tạo sự thu hút, việc in các biểu tượng, huy hiệu, logo hoặc biểu trưng trên giấy mời cũng đóng vai trò quan trọng. Giấy mời với danh nghĩa là cơ quan đại diện hoặc Trưởng cơ quan đại diện có in Quốc huy.
Chỉ sử dụng mực màu đen để in giấy mời.
Phong bì đựng giấy mời chiêu đãi có màu sắc phù hợp với giấy mời bên trong, đề tên và địa chỉ người được mời.
Thời hạn gửi giấy mời
Nên gửi giấy mời sớm đến khách để thể hiện sự chu đáo. Việc gửi giấy mời sát thời gian diễn ra sự kiện có thể khiến khách không có thời gian chuẩn bị hoặc sắp xếp lịch công tác để đến dự. Nếu mời dự tiệc, nên gửi giấy mời trước ít nhất hai tuần đến một tháng. Nếu mời dự chiêu đãi, nên mời trước ít nhất là 10 ngày, tốt nhất là 14 ngày. Nếu vì lý do kỹ thuật phải gửi giấy mời chậm, phải sử dụng fax để thông báo trước cho khách, đồng thời gửi giấy mời cho khách sau đó.
Các cơ quan đại diện có thể tham khảo mẫu giấy mời của nước sở tại hoặc Đoàn Ngoại giao để chọn loại mẫu thích hợp.
Trả lời giấy mời
Khi được mời dự tiệc, cần phải có trả lời khẳng định tham dự hoặc không đến dự. Việc từ chối tham dự nên được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể để thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối với người mời.
Trong trường hợp không thể tham dự và cử người đi đại diện tới sự kiện được mời, phía được mời cần có thông báo cho bên tổ chức tên, chức danh của người thay thế. Người đi dự thay không nhất thiết được xếp vào vị trí lễ tân của người mình thay thế, mà sẽ có vị trí phù hợp với địa vị của mình.
Đi dự tiệc
Trước khi đi dự các sự kiện cần đọc kĩ giấy mời về thời gian, địa điểm, trang phục; nên đến đúng giờ hoặc chậm vài phút, không nên đến trước. Trang phục theo quy định trong giấy mời hoặc trang phục công sở lịch sự, phù hợp tính chất sự kiện nếu giấy mời không đề cập.
Trong trường hợp đi dự sự kiện là tiệc chiêu đãi, cùng với phép lịch sự xã giao thông thường trong giao tiếp xã hội, cần lưu ý những quy tắc bất thành văn sau:
* Đi dự tiệc ngồi, cần trả lời khẳng định trước để chủ tiệc sắp chỗ.
* Khi ngồi ở bàn tiệc, tư thế nên ngay ngắn, lưng thẳng, không dựa vào thành ghế mà chỉ chạm vào lưng ghế. Hai tay nếu không dùng để cắt thức ăn thì có thể đặt trên mép bàn, không tỳ khuỷu tay trên mặt bàn. Khi nói chuyện với người bên này, không quay hẳn lưng lại người bên kia.
* Nếu được mời đến dự cơm thân tại nhà riêng, nên mang theo quà tặng phù hợp với văn hóa sở tại. Nếu chủ nhà có phu nhân thì tặng hoa hoặc một sản phẩm văn hóa dân tộc.
* Nam giới luôn phải mời phụ nữ bằng tay phải, không được dùng tay trái.