Từ trái sang phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp ba bên lần thứ 5 tại Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 14/6/2019. (Nguồn: THX) |
Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Mông Cổ
Trong những năm qua, quan hệ Nga-Mông Cổ ngày càng trở nên gắn bó với nhiều dự án lớn nhỏ mà đáng chú ý nhất là dự án ống dẫn khí đốt từ Nga tới Trung quốc.
Sau khi hoàn thiện, đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok sẽ trở thành đường ống nối dài từ dự án đường ống dẫn khí tự nhiên "Sức mạnh Siberia 2" của Nga trên lãnh thổ Mông Cổ. Nói cách khác, dự án tham vọng này nhằm xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt của Nga trên khắp Mông Cổ và dẫn tới Trung Quốc.
Để thực hiện dự án này, doanh nghiệp năng lượng quốc doanh Nga Gazprom đã mở một công ty con có tên Gazoprovod Soyuz Vostok ở Mông Cổ.
Ngoại trưởng Mông Cổ Battsetseg Batmunkh gần đây đã đến thăm Moscow và có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Quản lý Gazprom Alexey Miller. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Batmunkh kể từ khi được bổ nhiệm có điểm đến là Nga.
Tháng 11 tới, Moscow và Ulan Bataar sẽ đánh dấu một thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Nga và Mông Cổ đã ký hiệp ước vĩnh viễn về quan hệ hữu nghị và nâng quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo hiệp ước, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trên các bình diện như chính trị, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư. Thực tế, mối quan hệ quân sự song phương với Moscow là một ưu tiên của Ulan Bataar.
Tháng 6/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Gursed Saikhanbayar đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Shoigu để thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ quân sự-công nghệ.
Ước tính hơn 60% quân nhân Mông Cổ tham gia huấn luyện ở nước ngoài là học tập tại Nga. Bên cạnh đó, hai nước cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung.
Hành lang kinh tế 3 nước
Từ năm 2003, quốc gia châu Á với khoảng 3 triệu dân này cũng đã tham gia tập trận chung với Mỹ. Nhiều sỹ quan Mông Cổ đã được đào tạo tại Mỹ.
Tuy nhiên, Mông Cổ gần đây dường như có dấu hiệu xa rời chính sách “láng giềng thứ ba” và bắt đầu tập trung hơn vào mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Năm 2016, ba nước đã đạt thỏa thuận toàn diện về phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga (CMR).
Về cốt lõi, hành lang CMR nhằm mục đích cải thiện kết nối giao thông và các dịch vụ thương mại xuyên biên giới thông qua phát triển cơ sở hạ tầng. Dự án này cũng nhằm mục đích tăng cường hợp tác ba bên trong lĩnh vực năng lượng, kinh doanh nông nghiệp, công nghệ truyền thông, du lịch và bảo vệ môi trường.
Sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than của Australia, Bắc Kinh đã tăng cường mua than từ Mông Cổ cũng như Nga và Indonesia.
Trong khi đó, các nhà chức trách Mông Cổ dường như đang cố gắng đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu mặt hàng này. Nhiều báo cáo cho thấy rằng trữ lượng than chất lượng cao của Mông Cổ có thể sớm được xuất khẩu ra toàn thế giới thông qua các cảng biển tại Vladivostok và mỏ than Vostochny, vùng Viễn Đông của Nga.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Mông Cổ coi Nga là nhân tố đối trọng sự thống trị về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Sau khi hoàn thiện, đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok sẽ trở thành đường ống nối dài từ dự án đường ống dẫn khí tự nhiên Sức mạnh Siberia 2 của Nga trên lãnh thổ Mông Cổ. (Nguồn: News.mn) |
Chính sách đối ngoại cân bằng
Duy trì quan hệ hợp tác láng giềng tốt với Nga là điều cần thiết cho chính sách đối ngoại cân bằng của Mông Cổ. Tuy nhiên, trong quá khứ, cán cân quyền lực này lại nghiêng về phía Nga bởi Mông Cổ từng được coi là “nền cộng hòa thứ 16” không chính thức của Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin mất nhiều ảnh hưởng ở Ulan Bataar, song những ảnh hưởng đã mất đang dần khôi phục khi Moscow tái phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng ở Mông Cổ.
Các doanh nghiệp năng lượng chủ lực của Nga như Inter RAO và Rotek có thể sớm tham gia vào quá trình hiện đại hóa các nhà máy nhiệt tại Ulan Bataar, thủ đô của Mông Cổ.
Khi đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok đi vào hoạt động, Moscow sẽ không chỉ có thể gia tăng ảnh hưởng về kinh tế mà còn cả chính trị ở Mông Cổ.
Nhiều khả năng Ulan Bataar cũng sẽ ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Á-Âu do Nga dẫn đầu.
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, việc Mông Cổ trở thành thành viên của thực thể siêu quốc gia này có thể là không thực tế bởi điều đó có thể gây nguy hiểm cho chính sách cân bằng chiến lược mà quốc gia này duy trì trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
*Nikola Mikovic là một nhà phân tích chính trị ở Serbia, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga, Belarus và Ukraine.