Emanuel Swedenborg. |
Đỉnh cao triết học Thụy Điển: Swedenborg, tiêu biểu cho chủ nghĩa thần bí tôn giáo. Tuy không phải là người của văn chương, ông đã khiến thế giới chú ý đến văn học Thụy Điển hơn nhiều nhà văn chuyên nghiệp lớn. Là người đặt nền móng cho một tôn giáo, ông là nhân vật có một không hai trong lịch sử văn hóa Thụy Điển. Mặt khác, ông rất điển hình cho tâm tính Thụy Điển do tính cách thần bí siêu cảm.
Nhà tư tưởng Mỹ Emerson đánh giá Swedenborg là “một trong sáu người có tính đại diện nhất; một trí tuệ khổng lồ, chỉ có thể đánh giá được tầm cỡ khi đứng khá xa; do những tài năng lớn và đa dạng, ông hình như là một hỗn hợp của nhiều cá nhân cỡ Aristoteles, Bacon, Selden và Humboldt”.
Sau khi Swendenborg mất, vào cuối thế kỷ XVIII, tư tưởng của ông bị phê phán khá gay gắt. Nhà triết học Đức Kant cho ông là một đầu óc điên rồ. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn đề cao ông. Nhà thơ kiêm họa sĩ Anh Blake chịu ảnh hưởng của ông. Nhà văn Pháp Balzac trong Séraphîta tìm cảm hứng trong cuộc đời và những ảo cảm của ông và gọi ông là “ông Phật Bắc Âu”.
Nhà thơ Pháp Beaudelaire, nhà văn và nhà viết kịch Thụy Điển Strindberg, nhà thơ Ireland Yeats và ngày nay, nhiều nhà văn Thụy Điển trẻ, dĩ chí nhà văn Argentina Jorge Luis Borges ít nhiều đều hấp thụ một số quan điểm và cảm xúc của ông. Nhà mỹ học Anh Carlyle cho ông không những là “người có vốn văn hóa rộng, đầu óc toán học siêu việt, mà còn là một tâm linh thoát tục, một người tuyệt vời, dễ thương mà lại bi đát, trong đầu chứa nhiều tư tưởng, theo ý tôi, thuộc cái gì trường tồn và cao nhất trong tư tưởng nhân loại”.
Trường hợp biến diễn tư tưởng của Swedenborg tương tự như của Pascal, một nhân vật Pháp thế kỷ XVII, cũng vừa là nhà khoa học, nhà triết học và nhà văn, chuyển từ khoa học tự nhiên sang tôn giáo và thần học.
Nhà khoa học
Emanuel Swedenborg (1688-1722) là con thứ hai của Jasper Swedberg-một mục sư Tin lành, mới đầu làm tuyên úy quân đội rồi sau làm tới chức Giám mục. Ông bố cũng là một tu sĩ thần bí nổi tiếng nhờ soạn sách thánh ca.
Môi trường gia đình hẳn có ảnh hưởng đến nhân sinh quan của Swedenborg. Ông học đại học ở Uppsala và đỗ Tiến sĩ Triết học. Nhưng trong không khí của Triết học ánh sáng thế kỷ XVIII, ông nghiên cứu các khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Năm 22 tuổi, ông ra nước ngoài học tập trong năm năm ở Anh, Hà Lan, Pháp và Đức. Ông đặc biệt chú ý đến toán và thiên văn học. Ông theo học nhà bác học Anh Newton và nhiều nhà bác học có tiếng khác thời đó. Ông biết đến tám chín ngoại ngữ, kể cả một số ngữ phương Đông (sau này cả tiếng Hy Lạp cổ để nghiên cứu thần học).
Thời thanh niên chuyên cần ấy, Swedenborg không những đi sâu vào lý luận và sách vở, mà còn ứng dụng khoa học chế tạo thử nghiệm máy móc: máy hơi nước, máy bay có cánh và cánh quạt, tàu ngầm, súng hơi, quả lắc chạy bằng nước để biểu diễn sự vận động của các hành tinh. Ông còn cải tiến cả công nghệ khai thác mỏ, trong mấy chục năm trời làm cố vấn cho trường Đại học Hoàng gia về nghề mỏ.
Năm 1718, dưới thời vua Karl XII, với danh nghĩa kỹ sư, ông đã sáng chế ra cách chuyển một hạm đội nhỏ gồm hai chiếc tàu chiến ga-le, năm chiếc xà-lúp và một chiếc tàu Coc-vet qua 60 km trên đất liền, đánh úp quân Na Uy, mang thắng lợi quyết định cho cả chiến dịch. Để thưởng công, triều đình đã ban tước quý tộc cho ông, đổi tên ông từ Swedberg thành Swedenborg.
Ông còn xuất bản nhiều công trình khoa học tự nhiên có giá trị về vật lý, hóa học, giải phẫu học và y học. Ông đã đề ra nhiều giả thuyết khoa học mới mẻ, báo hiệu nhiều phát minh sau này của khoa học hiện đại: cấu trúc nguyên tử, nguồn gốc Trái đất trong Thái dương hệ, thuyết chuyển động sóng về ánh sáng, thuyết nguồn gốc mây mù của Thái dương hệ (trước Kant và Laplace), thuyết chuyển động học của nhiệt lượng. Trong lĩnh vực y, Swedenborg đã miêu tả một cách chính xác vai trò của não, là trung khu của các chức năng tâm lý, thuyết định vị não...
Trong quan hệ xã hội, Swedenborg là người nghiêm túc, đúng mực, dễ hòa mình vào với xã hội, sống theo lý trí, mộ đạo nhưng không cuồng tín, yêu nước yêu nhà.
Thế giới quan của ông duy lý và có tính cơ học theo kiểu nhà triết học duy lý Pháp Descartes: “Các thuộc tính của vật chất đều đặt trên cơ sở các nguyên tắc toán học và cơ học”.
Nhưng trong những năm gần tuổi 50, thế giới quan của ông đã dần dần thay đổi, vũ trụ không còn là một hệ thống hài hòa có sẵn; chỉ khoa học mới giải thích được những mối quan hệ giữa những sự vật. Ông viết: “Thiên văn học là tuyệt vời, nhưng nó phải được nâng cao lên để đi sâu vào cuộc sống thì mới hoàn toàn có giá trị, nếu không nó cứ ở lỳ tại đó giữa những tinh cầu và những không gian”.
[Còn tiếp]
| Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 2] Giai đoạn ba của văn học thiếu nhi Thụy Điển là giai đoạn “văn học hiện đại” bắt đầu từ 1945, sau Thế chiến II. ... |
| Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 1] “Tôi được hân hạnh làm việc với bà trong một thời gian, tôi thấy tất cả: Sara Lidman là một tâm linh“, chị Carina, cán ... |
| Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 2] Từ những năm 70 thế kỷ XX, văn đàn Thụy Điển chuyển từ hình thức chính trị nóng hổi về hình thức tiểu thuyết cổ ... |
| Một thoáng văn học Thụy Điển: Thư viện Hoàng gia Thư viện Hoàng gia (Kungl Biblioteket), ở Stockholm nguyên là thư viện riêng của các vua và nữ vương của dòng họ Vasa. |
| Một thoáng văn học Thụy Điển: Linné-nhà thực vật học, nhà văn du ký Du khách đến thủ đô Stockholm của Thụy Điển muốn tới Thư viện Hoàng gia thường qua một phố giàu ở trung tâm mang tên ... |