📞

Muốn cứu nguy kho vũ khí, Mỹ sẽ 'truyền nghề' cho Nhật Bản?

Hà Phương 06:30 | 18/06/2024
Các thông tin kỹ thuật liên quan đến sản xuất vũ khí của Mỹ thường là bí mật, tuy nhiên, đứng trước thực trạng khó khăn của kho vũ khí hiện nay, Washington đã tỏ ra linh hoạt hơn và Nhật Bản là đối tác được lựa chọn.
Thủ tướng Kishida Fumio và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel (ngoài cùng bên trái) gặp nhau trên siêu tàu sân bay USS Ronald Reagan bên lề Cuộc duyệt binh Hạm đội Quốc tế của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản gần Tokyo vào tháng 11/2022. (Nguồn: Reuters)

Thời điểm cần sự xoay chuyển

Một trong những nội dung gây chú ý trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác, mua sắm và bảo trì công nghiệp quốc phòng Nhật-Mỹ (DICAS) ngày 10/6 vừa qua là việc hai bên nhất trí thành lập nhóm công tác về sản xuất tên lửa chung.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ và Nhật Bản lại chọn thời điểm này cho một lĩnh vực hợp tác có nhiều điều phải bàn như vậy?

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 4 vừa qua đã nhất trí khởi động thỏa thuận về chương trình sản xuất tên lửa chung giữa hai nước, trong đó Mỹ là phía thúc đẩy chủ yếu.

Quân đội Mỹ hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí nghiêm trọng do hỗ trợ quân sự cho Ukraine và Israel. Với sự hợp tác này, Nhật Bản sẽ góp phần bù đắp sự thiếu hụt về tên lửa trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sửa đổi “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” vào cuối năm 2023, đồng thời xuất khẩu tên lửa đánh chặn phòng không Patriot sang Mỹ.

Ba nguyên tắc này gồm các quy định của chính phủ liên quan đến xuất khẩu và phát triển chung quốc tế về thiết bị quốc phòng.

Theo đó, trong trường hợp Nhật Bản xuất khẩu thiết bị quốc phòng, quy định này ghi rõ: (1) Cấm chuyển giao cho các bên đang trong xung đột quân sự; (2) Việc chuyển giao phải góp phần vào hợp tác quốc tế và an ninh của Nhật Bản; (3) Bên tiếp nhận cần có sự đồng ý trước của Nhật Bản nếu muốn sử dụng cho các mục đích khác hoặc chuyển sang nước thứ ba.

Theo 3 nguyên tắc đã sửa đổi, Nhật Bản không thể trực tiếp đưa vũ khí tới các quốc gia hoặc khu vực có xung đột quân sự.

Tuy nhiên, Mỹ có thể bù đắp số vũ khí thiếu hụt trong kho sau khi đã cung cấp cho Ukraine và chỉ giữ lại sử dụng tại Mỹ. Điều này sẽ không chỉ giới hạn ở xuất khẩu mà còn bao gồm cả hoạt động sản xuất chung, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ liên minh Nhật-Mỹ.

Nhật Bản cũng có lợi thế trong việc tăng cường chuỗi cung ứng của mình. Do môi trường an ninh ở Đông Á đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn trong các vấn đề như Triều Tiên, Biển Đông. Tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản là vấn đề cấp bách và việc tăng cường sản xuất tên lửa sẽ là một trong những trụ cột răn đe.

Nhật Bản đã bắt tay vào củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng dựa trên 3 văn kiện liên quan đến an ninh được công bố vào cuối năm 2022 nhằm tăng cường khả năng răn đe, trong đó có Chiến lược An ninh quốc gia mới.

Rõ ràng, việc hợp tác sản xuất tên lửa với Mỹ dự kiến sẽ đóng vai trò làm tăng lợi nhuận cho các công ty nội địa liên quan quốc phòng. Hệ thống cung cấp sẽ được làm phong phú hơn và giúp củng cố năng lực hậu cần, kỹ thuật, trang bị của Nhật Bản trong trường hợp cần thiết.

Khó khăn nào cũng có thể tháo gỡ

Hiện tại, một số công ty Nhật Bản được xác định là có đủ năng lực sản xuất tên lửa theo đơn đặt hàng từ phía Mỹ, như Mitsubishi Heavy Industries, công ty hiện đang sản xuất theo giấy phép từ các gã khổng lồ quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và RTX (trước đây là Raytheon Technologies).

Trong khi đó, Kawasaki Heavy Industries sản xuất tên lửa chống tăng, còn Mitsubishi Electric sản xuất tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung có thể bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay. Toshiba cũng sản xuất SAM tầm ngắn.

Mitsubishi Heavy Industries cũng sẽ phát triển phiên bản cải tiến của tên lửa đất đối hạm Type 12, có khả năng phản công nhằm vào các bãi phóng tên lửa của đối phương và tên lửa lướt tốc độ cao để phòng thủ đảo. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không tiết lộ số lượng tên lửa có thể cung cấp hằng năm do liên quan đến bí mật quốc phòng về năng lực phòng thủ của quốc gia này.

Diễn đàn DICAS thảo luận về các loại tên lửa sẽ được cùng sản xuất.

Có ý kiến trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng sẽ rất khó để cùng nhau sản xuất những tên lửa chưa được sản xuất ở Nhật Bản.

Ngoài Patriot, các tên lửa mà Nhật Bản sản xuất theo giấy phép của Mỹ bao gồm tên lửa phòng không Sea Sparrow và Hawk cải tiến. Mỹ cũng cung cấp 2 loại này cho Ukraine và có thể sẽ là ứng cử viên cho việc hợp tác sản xuất với Nhật Bản trong thời gian tới.

Trọng tâm của việc hợp tác sản xuất sẽ là chuyển giao công nghệ từ phía Mỹ.

Mặc dù coi Nhật Bản là đồng minh nhưng Mỹ từ trước đến nay vẫn tỏ ra thận trọng trong việc chuyển giao công nghệ quan trọng.

Có thông tin cho rằng ngay sau khi giấy phép được cấp, hầu hết các linh kiện sẽ đều được sản xuất tại Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho đến nay, trong việc sản xuất Patriot, một số linh kiện được nhập khẩu từ Mỹ và lắp ráp tại Nhật Bản. Điều này là do sản phẩm có chứa các thành phần hộp đen mà thông tin kỹ thuật không được Mỹ tiết lộ cho bên sản xuất.

Vào ngày 10/6, phát biểu trước báo giới, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã bày tỏ cách tiếp cận linh hoạt trong chuyển giao công nghệ, cho rằng để có thể đảm bảo tiến độ sản xuất chung và duy trì năng lực răn đe mạnh mẽ, vấn đề chính nằm ở các thủ tục chuyển giao công nghệ và đôi khi điều này có thể được thống nhất trong khuôn khổ làm việc song phương.

Một nội dung khác cũng được thảo luận là gánh nặng đối với các công ty tư nhân Nhật Bản đảm nhận sản xuất thiết bị quốc phòng theo hợp đồng hợp tác với Mỹ dù chính phủ Nhật Bản và Mỹ đồng ý rằng DICAS sẽ là dự án cùng có lợi, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

(theo Nikkei Asia)