📞

Muốn "tiêu" mỡ hãy nhịn đói đủ giờ

16:03 | 15/02/2017
Nhịn đói được xem là một trong những giải pháp giảm cân tiêu cực. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội béo phì Mỹ, nhịn đói 1 số giờ có tác dụng "tiêu" mỡ hiệu quả.

Trong nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội Béo phì cuối năm 2016, 11 người thừa cân độ tuổi từ 20 đến 45 đều tham gia vào hai giai đoạn thử nghiệm khác nhau, mỗi giai đoạn kéo dài một tuần.

Trong thử nghiệm đầu, ngày thứ 4 trong tuần, người tham gia sẽ "nạp" toàn bộ lượng calorie trong thời gian từ 8h sáng đến 14h chiều. Trong thử nghiệm đối chứng ở tuần tiếp theo, cũng vào ngày thứ 4, họ sẽ bắt đầu "nạp" toàn bộ lượng calorie nhưng trong thời gian từ 8h sáng đến 20h tối.

Trong khi nghiên cứu thấy không có sự khác biệt trong giảm cân giữa hai giai đoạn thử nghiệm, mức độ "tiêu" mỡ trong khoảng thời gian 13 tiếng tăng lên ở lần thử nghiệm 1.

Ngoài tăng đốt cháy mỡ, nghiên cứu này cũng thấy rằng mức độ đói ổn định hơn cho những người ăn lượng calo hàng ngày trong 6 tiếng so với trong 12 tiếng.

Các nhà nghiên cứu sử dụng thang điểm 100 và yêu cầu đối tượng đánh giá mức độ đói của mình, với điểm 100 là cao nhất và 0 là thấp nhất trong mỗi giai đoạn của thử nghiệm. Kết quả cho thấy, trong khi mức độ đói trung bình là như nhau ở cả hai nhóm, nhóm ăn trong 6 tiếng có mức độ đói chênh lệch ít hơn 12 điểm so với nhóm ăn trong 12 tiếng.

Nguyên nhân có thể là do lượng calo đã được phân bổ cho bữa ăn tối muộn.

Khả năng đốt cháy mỡ của cơ thể đạt đỉnh khi nhịn đói từ 12 - 14 tiếng

Nghiên cứu thấy rằng khi các đối tượng tiêu thụ toàn bộ lượng calo trong vòng 6 tiếng, từ 8h-14h, họ đốt cháy thêm 6% mỡ và có mức độ đói ổn định hơn so với những người tiêu thụ cùng một lượng calo trong 12 tiếng, từ 8-20h.

"Điều này có vẻ hợp lý. Khả năng đốt cháy mỡ của cơ thể đạt đỉnh sau khi nhịn đói từ 12 đến 14 tiếng", ông Courtney Peterson, Khoa Dinh dưỡng Đại học Alabama ở Birmingham cho biết.

12 tiếng sau khi bắt đầu nhịn đói, cơ thể vẫn đốt cháy glycogen, một phân tử dữ trữ đường. Sau 12 tiếng, cơ thể bắt đầu đốt cháy mỡ dự trữ.

Tuy nhiên, Peterson cảnh báo rằng việc đốt cháy thêm 6% mỡ không đáp ứng được tiêu chí về sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm. Điều đó có nghĩa là sự khác biệt có thể là tình cờ, và về mặt khoa học, phát hiện là không có "ý nghĩa thống kê”. Nhưng có thể vì nghiên cứu quá nhỏ nên không thể cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm. Vì vậy, cần có một nghiên cứu lớn hơn để khẳng định kết quả ban đầu này.

Peterson cho biết bà hy vọng sẽ không chỉ lặp lại nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn, mà còn kiểm tra xem liệu thời gian trong ngày có ảnh hưởng đến mức độ đốt cháy mỡ hay không. Ví dụ, có thể so sánh những người ăn hết lượng calo của họ trong 6 tiếng đồng hồ vào buổi sáng với những người làm như vậy trong 6 tiếng buổi chiều.

Thử nhịn đói tiêu mỡ

Đối với những người muốn thử nhịn đói, các chuyên gia khuyên nên bắt đầu với thời lượng ăn uống là trong khoảng thời gian 9 tiếng, sau đó giảm dần xuống còn 8, 7 và cuối cùng là 6 tiếng.

Tuy nhiên, nên tránh kiểu nhịn đói này đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Lý do là vì nhịn ăn làm chậm tốc độ phân chia của tế bào, mà có thể gây hại cho trẻ đang lớn hoặc thai nhi.

 

Những người bị bệnh mãn tính nặng cũng cần nói chuyện với bác sĩ trước khi thử nhịn đói.

Cuối cùng, vẫn chưa rõ liệu việc nhịn đói như vậy có giúp giảm cân về lâu dài hay không.

TS Alexandra Johnstone, Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Rowett, Đại học Aberdeen ở Scotland, lưu ý rằng sự khác biệt về đốt cháy mỡ thấy trong nghiên cứu này có thể là vì những người trong nhóm nhịn đói đã không ăn gì trong suốt buổi chiều và tối (18 tiếng). Nhưng không nên hiểu sự khác biệt này theo nghĩa là ăn thực phẩm như carbonhydrat sau một giờ nhất định nào đó có thể dẫn đến tăng sản sinh mỡ.

(theo Dân trí/Huffingtonpost)