Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ hôm 17/7. |
Nhiều người lý giải nguyên nhân của sự tụt hậu là do những nghi ngờ vẫn tồn tại từ cả hai phía, bất chấp thực tế quan hệ hai bên đã có những bước tiến nhảy vọt dưới thời Tổng thống Bush vào năm 2008 khi lãnh đạo hai nước ký hiệp định hạt nhân dân sự trị giá nhiều tỷ USD, chấm dứt lệnh cấm vận thương mại hạt nhân đối với Ấn Độ trong suốt 30 năm qua.
Nhưng bước ngoặt mang tính lịch sử đó không làm giảm được lo ngại từ phía Ấn Độ rằng Mỹ đang ưu tiên Pakistan trong khi ông Obama cần có sự giúp đỡ của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan và Afghanistan.
Từ lâu, Mỹ và Ấn Độ đã bất đồng với nhau về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ấn Độ tuyên bố không ký hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện trừ khi thế giới phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn Ấn Độ thúc đẩy thỏa thuận năng lượng hạt nhân để các công ty Mỹ hoàn thành các hợp đồng xây dựng và cung cấp các nhà máy điện hạt nhân tại đây. Nhưng trước cuộc bầu cử tháng 5/2009, Thủ tướng Manmohan Singh không phê chuẩn thỏa thuận này.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này của bà Hillary, hai bên đã nhất trí về một hiệp ước phòng thủ, theo đó, hướng tới việc cho phép Mỹ bán các loại vũ khí hiện đại cho New Delhi và công bố địa điểm Mỹ sẽ xây các nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ. Nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được vấn đề cắt giảm khí thải carbon bởi ông Singh vẫn giữ lập trường trước đó là cuộc chiến chống thay đổi khí hậu toàn cầu là trách nhiệm của các nước phát triển. Ấn Độ chỉ tạo ra 4% lượng khí thải toàn cầu, so với mức 20% lượng khí thải của Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng phản đối việc áp đặt những hạn chế về khí thải. Trước đó, hôm 26/6, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật năng lượng sạch đặt ra những biện pháp trừng phạt buôn bán đối với các nước bác bỏ việc hạn chế chất thải, mà nếu được áp dụng có thể dẫn đến cuộc xung đột với Ấn Độ.
Về an ninh khu vực, ngay trước chuyến thăm, trả lời báo chí Pakistan, bà Hillary khẳng định Washington vẫn rất hài lòng việc ứng xử của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và kho hạt nhân của Pakistan vẫn an toàn. Có lẽ Mỹ vẫn không thể cho phép bất cứ bên thứ ba nào phá hỏng sự phối hợp chặt chẽ của mình với Islamabad để bình ổn Afghansitan thông qua đối thoại với Taliban. Một phát ngôn viên quân đội Pakistan từng nói rằng chỉ có tình báo Pakistan mới đưa những thủ lĩnh Taliban cốt lõi như Mullah Omar và Haqqani ra bàn đàm phán với Mỹ.
Hợp tác Mỹ-Ấn vẫn có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề, từ thay đổi khí hậu cho đến ngăn chặn chạy đua vũ trang khu vực, cũng như tạo cơ hội cho các công ty Mỹ làm ăn tại Ấn Độ. Vị thế đang nổi lên cùng thị trường tiềm năng của Ấn Độ chắc chắn sẽ hấp dẫn đối với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay. Giới phân tích cho rằng, giảm nghi kỵ lẫn nhau, đánh giá đúng khả năng và tầm quan trọng của sự hợp tác sẽ giúp cải thiện quan hệ hai nước, sau chuyến đi thăm dò lần này của bà Hillary.
Mai Anh