📞

Mỹ cần tiên phong hỗ trợ người di cư do biến đổi khí hậu

Nhã Anh 14:52 | 19/05/2024
Hành động với tình trạng di cư do khí hậu sẽ củng cố vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo nhân đạo toàn cầu, một quốc gia có nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Một gia đình ở Barataria, Louisiana (Mỹ) trở về nhà sau trận lũ lụt do cơn bão Ida vào tháng 8/2021. (Nguồn: Getty)

Hai tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo chính phủ nước này nghiên cứu mối quan hệ giữa khí hậu và nhập cư.

Cuối năm 2021, Nhà Trắng đã đưa ra một báo cáo mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu và tình trạng di cư, trong đó chỉ ra các cơn bão, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt có thể buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa như thế nào.

Tuy nhiên, kể từ những động lực ban đầu để nghiên cứu vấn đề này, vấn đề di cư do khí hậu phần lớn đã bị bỏ qua.

Khi hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền ông Biden phải tăng cường nỗ lực của chính phủ để chuẩn bị cho tình trạng di cư liên quan đến khí hậu và đảm bảo việc di dời đó diễn ra một cách an toàn và có trật tự.

Thách thức nhức nhối

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến gần như tất cả các yếu tố quyết định con người sống ở đâu và như thế nào. Các sự kiện do biến đổi khí hậu gây ra khiến các khu vực rơi vào tình trạng quá nhiều hoặc quá ít nước. Các hình thái nhiệt độ và lượng mưa cực đoan có thể làm giảm mạnh khả năng sản xuất và dự trữ lương thực.

Những sự kiện xảy ra đột ngột như cuồng phong và giông bão có thể buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa hàng loạt. Hơn nữa, sự kết hợp nguy hiểm của nhiệt độ cao và độ ẩm có thể ngày càng khiến một số địa điểm trở nên thiếu an toàn.

Theo hầu hết các dự báo, di cư do khí hậu sẽ chỉ trở thành một đặc điểm nổi bật hơn trong cuộc sống của chúng ta trong những năm tới. Một số ước tính cho rằng sẽ có hàng chục triệu người phải di cư do các sự kiện liên quan đến khí hậu.

Di cư do khí hậu là một thách thức phức tạp cần giải quyết vì nhiều lý do. Hầu hết tình trạng di cư liên quan đến khí hậu diễn ra trong phạm vi các quốc gia. Điều này nghĩa là các quốc gia vừa quay cuồng với thảm họa, vừa phải đưa ra biện pháp bảo vệ cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương nhưng không vượt qua biên giới quốc tế.

Trong một số trường hợp, người di cư đến một quốc gia khác sau thảm họa liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ và quốc tế hiện hành không được xây dựng để giải quyết những nguy cơ mà các cá nhân này gặp phải.

Hệ thống luật pháp quốc tế hiện tại về người tị nạn được xây dựng sau Thế chiến II. Hệ thống này định nghĩa người tị nạn là những người bị buộc phải rời bỏ quê hương vì bị đàn áp với những lý do nhất định như tôn giáo hoặc chủng tộc.

Di cư do biến đổi khí hậu không hoàn toàn phù hợp với định nghĩa này về người tị nạn, đặc biệt là theo luật Mỹ. Một người rời bỏ nhà cửa sau bão hoặc lũ lụt có thể có những tổn thương giống như người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc bạo lực, nhưng họ không đủ điều kiện để nhận được các quyền và sự bảo vệ tương tự.

Những yếu tố này tạo ra một khoảng cách rất lớn. Rõ ràng, biến đổi khí hậu có thể là một trong những thách thức nhân quyền rõ ràng của thế kỷ 21 bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, luật pháp và chính sách của chúng ta vẫn đang bị mắc kẹt trong thế kỷ 20 và không được trang bị đầy đủ để ứng phó.

Mỹ có khả năng và nên coi trọng vấn đề này

Đạo luật về Người di tản vì Khí hậu, do Thượng nghị sĩ Mỹ Ed Markey, D-Mass và Hạ nghị sĩ Nydia Velázquez của New York thúc đẩy, sẽ tạo ra một lộ trình mới dựa trên thị thực cho những cá nhân phải di dời do biến đổi khí hậu để tái định cư tại Mỹ.

Đạo luật này cũng hướng dẫn điều phối chính sách của Washington về khả năng phục hồi khí hậu toàn cầu, giúp cộng đồng thích ứng với thực tế khí hậu mới.

Chính quyền ông Biden có thể phát triển cách các quy trình hiện có trong Chương trình Tiếp nhận người tị nạn Mỹ (USRAP) để giúp những nhóm người di cư, những người vẫn đối mặt với các hiểm nguy liên quan đến khí hậu.

Bằng cách mở đường cho những người di cư do khí hậu tìm nơi ẩn náu, Mỹ có thể khuyến khích các quốc gia khác tăng cường phản ứng của họ trước việc di cư do biến đổi khí hậu xảy ra trong khu vực.

Hành động đối với tình trạng di cư do khí hậu sẽ củng cố vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo nhân đạo toàn cầu, một quốc gia có nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đồng thời, điều này cũng sẽ nâng cao lợi ích của Mỹ bằng cách hỗ trợ việc di cư an toàn, hợp pháp và có trật tự, đặc biệt là ở Tây bán cầu.

Những con đường như Đạo luật về Người di tản vì Khí hậu sẽ giúp những người di cư hợp pháp đến nơi an toàn thay vì bị rơi vào những tình huống dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Bất chấp những con số đáng kinh ngạc, di cư vì biến đổi khí hậu không nhất thiết phải dẫn đến những phản ứng như ngày tận thế. Thay vào đó, vấn đề đang ngày một gia tăng này có thể truyền cảm hứng cho sự đoàn kết xuyên biên giới và tăng cường sự đầu tư vào các cộng đồng ở tuyến đầu để đảm bảo họ có được sự hỗ trợ để ở lại vị trí hoặc di dời nếu cần trong sự an toàn và đầy đủ quyền con người.

Đây là một thách thức mà chúng ta không thể bỏ qua trong thời gian tới.

(theo The Seattle Times)