Mỹ-Israel luôn tồn tại những bất đồng dù được coi là "đồng minh chiến lược" |
Hiện nay, có ba mâu thuẫn lớn có thể đe dọa mối quan hệ song phương Mỹ-Israel.
Vấn đề hạt nhân Iran
Việc Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng dẫn tới sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Iran. Ông Biden đã đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Trump vào năm 2018 (với sự ủng hộ của Thủ tướng Israel khi đó là Benjamin Netanyahu) đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA).
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran đã có các bước đi nhằm rút ngắn “thời gian bùng phát”- thời gian để Tehran sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom hạt nhân.
Việc chính quyền Iran đẩy nhanh tiến độ sản xuất vũ khí hạt nhân đồng thời “câu giờ” để phục vụ mục đích này mà không phải chịu thêm sức ép đang là mối lo ngại lớn đối với chính quyền Israel.
Tình thế hiện tại, khi Iran đẩy nhanh tiến trình sở hữu vũ khí hạt nhân mà không bị Washington gay gắt ngăn chặn đã đẩy Israel vào thế khó trong phản ứng với Tehran. Vì vậy, giữa Mỹ và Israel cần tiếp tục các cuộc tiếp xúc kín đáo ở cấp chuyên gia và cấp chính khách. Hai bên cũng cần thống nhất quan điểm về vấn đề Iran, không để xảy ra những “sự việc đã rồi” trên thực địa.
Xung đột Israel-Palestine
Trong năm đầu tiên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Biden đã có một số bước đi đảo ngược các quyết định dưới thời của cựu Tổng thống Trump trong mối quan hệ Israel-Palestine. Ví dụ, Mỹ đã nối lại viện trợ tài chính cho Palestine, lên đến 235 triệu USD trong năm 2021, trong đó 150 triệu USD được điều phối thông qua Cơ quan cứu trợ và hành động của Liên hợp quốc (UNRWA).
Cho dù quyết định nói trên vẫn gây tranh cãi, nhưng chính phủ Israel đã kiềm chế đối đầu Washington trong việc thông qua UNRWA làm kênh viện trợ cho Palestine.
Trong quan hệ Mỹ-Israel còn tồn tại hai vấn đề nổi cộm khác liên quan tới Palestine. Thứ nhất là quyết định của cơ quan điều phối dân sự thuộc quân đội Israel chấp thuận việc xây dựng 3.000 căn hộ mới trong các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây (và quyết định xây 1.300 căn hộ cho người Palestine ở Khu C – vùng đất của Palestine do Israel quản lý). Thứ hai là việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz hôm 22/10 đã tuyên bố 6 tổ chức phi chính phủ của Palestine có liên quan đến Mặt trận giải phóng nhân dân Palestine là tổ chức khủng bố.
Thực tế chính trị hiện nay không thuận lợi cho một thỏa thuận triển vọng, toàn diện và đột phá cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, muốn Israel tránh thực hiện các bước đi gây tổn hại đến triển vọng đạt được thỏa thuận “hai nhà nước” trong tương lai.
Mỹ và châu Âu cũng trông đợi Israel tạo điều kiện để cải thiện nền kinh tế Palestine. Sáng kiến phát triển kinh tế ở Dải Gaza và Bờ Tây do chính phủ Israel đề xuất đã nhận được phản ứng tích cực, tạo ra nền tảng mang tính xây dựng cho các cuộc đối thoại. Sáng kiến này vừa phục vụ lợi ích của Israel là giảm căng thẳng giữa Israel với Bờ Tây và Dải Gaza, vừa củng cố quan hệ với các quốc gia Arập, cũng như tránh phát sinh va chạm với Mỹ.
Quan hệ Israel-Trung Quốc
Mỹ qua các thời Tổng thống Barack Obama, Donald Trump hay đương kim Tổng thống Joe Biden rõ ràng có một sự thống nhất trong quan hệ với Trung Quốc. Washington tìm mọi cách để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh và hợp tác với các đồng minh, đối tác để gây sức ép trên nhiều phương diện.
Mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Israel và Trung Quốc rõ ràng là điều mà Mỹ không mấy dễ chịu.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia sâu vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, máy móc và công nghệ cao của Israel. Thế khó của Israel là quốc gia này có lợi ích kinh tế gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc, song đồng thời phải chú ý đến thái độ của "đối tác chiến lược" là Mỹ.
Cả Mỹ và Israel đều có những mảng “trắng đen rõ ràng” và những “vùng xám” trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Quan điểm của Israel về thách thức và cơ hội trong quan hệ với Trung Quốc không đồng nhất với quan điểm của Mỹ.
Israel cần học hỏi một số nước trong việc áp dụng các cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài để hạn chế nguy cơ an ninh có thể xảy ra do các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp hoặc quốc gia khác trong lãnh thổ của họ. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này sẽ giúp các bên hiểu rõ hơn quy mô của vấn đề và tìm ra biện pháp xử lý những thách thức mà các nước cùng phải đối mặt.
Rõ ràng, những vấn đề đang là trung tâm rắc rối giữa Israel và Mỹ chưa thể có biện pháp giải quyết dứt điểm. Khủng hoảng do những bất đồng về lập trường là không thể tránh khỏi nhưng cần được kiểm soát. Đối với Israel, điều này có nghĩa là tránh để xảy ra va chạm không cần thiết với Mỹ, đồng thời bảo vệ quyền lợi sống còn của mình.