Y học ngày càng phát triển, hy vọng khỏi bệnh của bệnh nhân ung thư ngày càng cao. |
Mới đây, nhóm sinh viên và các bác sĩ Trường Y khoa Dell thuộc Đại học Texas (Mỹ) thực hiện một cuộc nghiên cứu đối với 178,8 triệu người tham gia Khảo sát Sức khỏe Quốc gia từ năm 1999 đến 2018 và tiến hành phân tích đối với 51.258 người sống sót sau khi mắc bệnh ung thư.
Kết quả cho thấy, hầu hết những người sống sót là phụ nữ (60,2%) và trên 65 tuổi (55,4%).
Năm 1999, chỉ có 3,6 triệu người sống sót sau khi mắc bệnh ung thư thông báo bị suy giảm chức năng. Năm 2018, con số này tăng lên 8,2 triệu người, gấp 2,25 lần. Số bệnh nhân ung thư sống sót mà không bị suy giảm chức năng cũng tăng lên 1,34 lần.
Suy giảm chức năng được định nghĩa là người bệnh khó khăn khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong số 12 hoạt động thể chất và xã hội thông thường mà không có sự trợ giúp. Ví dụ như không thể ngồi lâu trong thời gian hơn 2 giờ, mất sức khi không làm việc nặng hoặc gặp khó khăn trong tham gia các hoạt động xã hội. |
Tỷ lệ bệnh nhân sống sót bị suy giảm chức năng khác nhau tùy thể loại mắc ung thư, cao nhất ở những bệnh nhân ung thư tuyến tụy (80,3%) và ung thư phổi (76,5%). Thấp nhất là với các bệnh nhân mắc ung thư hắc tố (62,2%), ung thư vú (61,8%) và tuyến tiền liệt (59,5%).
Báo cáo từ Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết, năm 1971 chỉ có 3 triệu người Mỹ sống sót sau ung thư, đến tháng 1/2022, có 18 triệu người sống sót, con số này dự kiến sẽ tăng lên 26 triệu vào năm 2040.
Cũng theo báo cáo trên, khoảng 40% trường hợp ung thư ở Mỹ là do các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu, ăn uống thiếu chất, không tập thể dục đầy đủ và béo phì.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, số người mắc ung thư bị suy giảm chức năng tăng lên gấp đôi trong 2 thập kỷ là một xu hướng rất nghiêm trọng, đòi hỏi cả hệ thống y tế và các nhà hoạch định chính sách có kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người sống sót, để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh ung thư về cả thể chất, tinh thần và hòa nhập xã hội.
Như chúng ta biết, ung thư đang dần trở nên phổ biến ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Người mắc bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư thường gây ra các vấn đề về thể chất, tâm thần và nhận thức. Những vấn đề này có thể làm cho người bệnh khó khăn trong việc tái hòa nhập cuộc sống, công việc bình thường.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư đóng vai trò to lớn trong việc cải thiện sức khỏe, nâng cao chức năng sống cho người bệnh sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Đây là một công việc không dễ dàng, cần sự hợp tác rất nhiều từ cả bệnh nhân, gia đình, nhân viên y tế và các ban ngành đoàn thể xã hội.
Thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục điều độ có thể phòng ngừa và giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư.