Đại dịch Covid-19 tác động đến làn sóng di cư sau năm 2021. (Nguồn: Getty) |
Khi các đường biên giới bị đóng cửa, các máy bay nằm “chết” trên mặt đất và tàu thuyền không thể rời bến, khi các nền kinh tế gần như ngừng hoạt động và các cơ quan công quyền cấp giấy phép cư trú không làm việc, đi lại trở nên rất khó khăn.
Sự sụt giảm kỷ lục các dòng di cư sang phương Tây được ghi nhận trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, cùng với tỷ lệ tử vong gia tăng, tỷ lệ sinh giảm và các chỉ số kinh tế lao dốc.
Theo nhận xét của Giáo sư François Héran, chuyên gia về vấn đề di cư và xã hội tại Collège de France, đây là "một sự gián đoạn lớn". Thế giới luôn chuyển động của thế kỷ XXI, với động lực di cư gia tăng trong 10 năm qua, đột nhiên bị "đóng băng".
Năm 2020, số người nhập cư vào các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tập hợp các nền kinh tế tiên tiến, đã giảm một nửa so với năm 2019.
Ông Jean-Christophe Dumont, người đứng đầu bộ phận di cư quốc tế tại OECD, đề cập một "cú sốc lịch sử, với những thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng quốc gia".
Tại Mỹ, nơi hiệu ứng Covid-19 kết hợp với hiệu ứng Donnald Trump đã đem đến sự tác động rất mạnh: tất cả các kênh nhập cư đã bị đóng cửa, ngoại trừ những lao động nông nghiệp thời vụ.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đóng cửa tất cả. Các quốc gia dựa vào nhập cư như Canada và Australia đã ghi nhận tỷ lệ nhập cư giảm lần lượt 45% và 70%.
Để bù đắp tác động tiêu cực này đối với nền kinh tế của mình, Ottawa đã khởi động một chương trình tuyển dụng 400.000 người nhập cư trong năm 2021, và dự kiến mức độ tương tự - điều chưa từng xảy ra trước đây - vào các năm 2022 và 2023.
Tỷ lệ này cũng đáng chú ý ở các nước châu Âu. Tại Pháp, nhập cư vì lý do kinh tế đã giảm 30%, số sinh viên nước ngoài giảm 20%, việc cấp thị thực du lịch giảm 80%, số đơn xin tị nạn giảm 40%.
Bên ngoài OECD, các nước vùng Vịnh, nơi đón nhận khoảng 5 triệu người nhập cư từ châu Á, đã phải chịu tác động kép của đại dịch và giá dầu giảm do hoạt động toàn cầu chậm lại.
Hiện tượng này chắc chắn có tác động tiêu cực đến các quốc gia có nhiều gia đình sống bằng thu nhập do người di cư gửi về.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức chuyển giao tài chính từ những lao động này về quê hương trong năm nay giảm từ 11% đến 20%. Đối với những người tị nạn, việc di chuyển của họ cũng bị cản trở.
Vậy sự biến động di cư này cho chúng ta biết điều gì?
Theo ông Jean-Christophe Dumont, ở các nước giàu có, nhiều lĩnh vực không thể hoạt động nếu không có lao động nhập cư.
Số lao động này được đánh giá là "thiết yếu" từ các mùa vụ thu hoạch nông nghiệp cho đến các khu vực bệnh viện, đặc biệt trong khối OECD, nơi 1/4 nhân viên đến từ nơi khác.
Đặc biệt, Anh đã gia hạn thị thực cho lao động nhập cư trong lĩnh vực y tế cho đến cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia, ngoài cuộc khủng hoảng y tế, cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch, sau năm 2021, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến dòng người di cư, như cuộc khủng hoảng 2007-2008 đã ảnh hưởng lớn đến di cư nội khối châu Âu.
Một bài học khác từ đại dịch cần theo dõi chặt chẽ liên quan đến vấn đề người nhập cư có tay nghề cao. Trước thời Covid-19, nhu cầu đối với những lao động này rất cao, và trình độ học vấn của những người di cư đang được cải thiện.
Tuy nhiên, đại dịch đã cho thấy hệ thống làm việc từ xa có thể được mở rộng. Sự phát triển này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả đối với sự di chuyển của nhóm dân cư có trình độ cao.
Sinh viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế hàng đầu… các quốc gia giàu có đang cạnh tranh khốc liệt để có được những “chất xám” này.
Tác động của đại dịch đối với phương thức làm việc từ xa có thể làm thay đổi sâu sắc các điều kiện tuyển dụng cũng như tổ chức giáo dục đại học.
Ông Jean-Christophe Dumont đưa ra nhiều câu hỏi về triển vọng này: có nên cấp giấy phép cư trú để làm việc từ xa không? Tình trạng thuế của những lao động nhập cư có trình độ cao nhưng làm việc từ xa sẽ như thế nào?
Chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nối lại các dòng người di cư.
Tuy nhiên, một xu hướng từng xuất hiện trên thế giới trước đây đã khẳng định rõ ràng: khi tình trạng giảm sinh tăng cao sau đại dịch, đến một thời điểm nào đó, nhập cư sẽ trở thành cần thiết hơn bao giờ hết đối với dân số già ở các nước giàu.