Chiến lược An ninh quốc gia Nga có một phần lớn hơn dành riêng cho quốc phòng, nhấn mạnh nhiều hơn vào các mối đe dọa quân sự cũng như sức ép ngày một gia tăng nhằm vào Moscow. (Nguồn: MNA) |
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt Chiến lược An ninh quốc gia mới. Đây là tài liệu hoạch định chiến lược quan trọng nhất của đất nước sẽ định hướng cho sự phát triển quân sự, ngoại giao và kinh tế xã hội của Nga trong 6 năm tới.
Không giống như tài liệu trước đó được ban hành vào năm 2015, tài liệu mới được sửa đổi mang một số khác biệt nổi bật, phản ánh bản chất thay đổi của các mối đe dọa an ninh.
Sức ép và các mối đe dọa quân sự
Tài liệu nêu rõ bối cảnh toàn cầu đang trở nên bất ổn và xung đột hơn, do đó hiện ngày càng có nguy cơ các bên sẽ viện tới các biện pháp quân sự. Tài liệu nhiều lần ám chỉ việc duy trì các hoạt động chuẩn bị và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với các cường quốc nước ngoài.
Nếu so sánh với phiên bản năm 2015, bản cập nhật của Chiến lược An ninh quốc gia Nga có một phần lớn hơn dành riêng cho quốc phòng, nhấn mạnh nhiều hơn vào các mối đe dọa quân sự cũng như sức ép ngày một gia tăng nhằm vào Nga và các đồng minh.
Bản cập nhật này nhắc lại các mối quan ngại mạnh mẽ nhất của giới lãnh đạo Nga trong thời gian gần đây và xác định các mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia là bắt nguồn từ việc phương Tây "tìm cách duy trì quyền bá chủ".
Bên cạnh đó, tài liệu liên tục nhấn mạnh rằng một số "quốc gia không thân thiện" đang cố gắng làm xói mòn hệ thống các giá trị quốc gia của Nga bằng cách nêu bật những vấn đề trong nước và sử dụng "lực lượng phá hoại" trong nước để gây bất ổn chính trị. Đây rõ ràng là lời ám chỉ đến sự ủng hộ của phương Tây đối với phe đối lập phi hệ thống ở Nga.
Tài liệu mới này rõ ràng cho thấy sự thù địch gia tăng với Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ, vốn được coi là mối đe dọa lâu dài đối với hệ thống các giá trị truyền thống của Nga. Theo đó, các giá trị này đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng “phương Tây hóa” trong khi những thành tựu và kỳ tích lịch sử của Nga bị bỏ qua.
Không giống như trong chiến lược năm 2015, khi Nga bày tỏ quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác với Mỹ và làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi với Liên minh châu Âu (EU), giờ đây châu Âu hoàn toàn vắng bóng trong khi Mỹ được cho là gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu qua việc từ chối các cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế và lên kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bản cập nhật Chiến lược An ninh quốc gia lần này, Nga lần đầu tiên nhắc tới khái niệm mới về "các quốc gia không thân thiện" ở cấp độ chiến lược. Khái niệm này từng được giới thiệu hồi tháng 4/2021 trong sắc lệnh tổng thống nhằm chống lại các hành động không thân thiện của các quốc gia nước ngoài.
Việc đưa khái niệm này vào tài liệu hoạch định chiến lược dài hạn cho thấy nó được coi là một cơ chế quan trọng để thực hiện chính sách đối ngoại của Nga.
Tương tự, Trung Quốc đã thông qua luật chống trừng phạt nước ngoài vào tháng 6/2021 và công bố "danh sách các thực thể không đáng tin cậy" nhằm vào các công ty nước ngoài.
Điểm trùng với Bắc Kinh
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga đặc biệt nhấn mạnh rằng hệ tư tưởng tự do của phương Tây đang suy giảm mạnh, một tuyên bố trùng hợp với lập trường của giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc.
Moscow cũng lưu ý rằng Nga phải cải thiện khả năng phòng thủ quốc gia và quân đội để đối phó với những nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm cản trở sự phát triển của nước này.
Các văn bản hoạch định chiến lược của Trung Quốc và Nga cũng như các tuyên bố chính thức trong thời gian gần đây cho thấy hai bên có nhiều điểm chung trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi, các mối đe dọa chiến lược ngày càng gia tăng cũng như việc định hình lại trật tự chính trị toàn cầu và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai của họ.
Tương lai của hai nước được thúc đẩy bởi nền kinh tế xanh, lượng khí thải carbon thấp và hành động chống biến đổi khí hậu... Những vấn đề này đều nằm trong Chiến lược An ninh quốc gia của Nga hoặc kế hoạch phát triển 5 năm mới nhất của Trung Quốc.
Tài liệu hoạch định chiến lược của Nga cũng đề cập đến việc ngừng sử dụng đồng USD như một nền tảng của an ninh kinh tế - một sáng kiến gần đây đang giành được động lực do hợp tác rất chặt chẽ với Trung Quốc.
Chiến lược An ninh quốc gia Nga mới được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt đã có nhiều cập nhật xoay quanh tam giác Nga-Mỹ-Trung. (Nguồn: Global Times) |
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga là phiên bản đã được chỉnh sửa nhiều so với phiên bản trước đó, nhấn mạnh hơn vào sự cạnh tranh ngày càng tăng với phương Tây và các mối đe dọa đa dạng hơn xuất phát từ sự cạnh tranh đó.
Tài liệu khẳng định Moscow coi mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh là mang tính cạnh tranh và cách đánh giá như vậy có thể sẽ duy trì trong một thời gian dài.
Song song với sự cạnh tranh gay gắt hơn với phương Tây, Moscow chỉ ra rằng hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung Quốc và Ấn Độ cũng như xác định Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) nằm trong những mục tiêu chính cho chiến lược an ninh quốc gia của đất nước.
Nếu nhìn vào các tài liệu hoạch định chính sách quan trọng và tuyên bố của các quan chức ở cả Moscow và Bắc Kinh trong thời gian gần đây, chúng ta có thể nhận thấy sự trùng hợp giữa các mục tiêu và mối quan tâm giữa hai "đối thủ lớn" của Mỹ và phương Tây này.