Một tài xế ở thủ đô Bắc Kinh mở ứng dụng Didi. (Nguồn: AFP) |
Ứng dụng có 377 triệu người dùng
Năm 2012, Cheng Wei - một nhân viên của công ty kinh doanh nền tảng trực tuyến Trung Quốc Alibaba - đã tung ra ứng dụng gọi xe riêng của hãng có tên Didi Dache. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc vẫn áp dụng quy định hạn chế cấp giấy phép hoạt động cho taxi, gây ra tình trạng không có đủ taxi để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Didi Dache cho phép khách hàng gọi taxi hoặc ô tô nhanh chóng bằng ứng dụng trên điện thoại di động của họ. Đó là một thành công lớn. Uber từng cố gắng thâm nhập thị trường khổng lồ của Trung Quốc nhưng cuối cùng thất bại trong cuộc cạnh tranh với Didi Dache.
Tin liên quan |
Trung Quốc mạnh tay kiềm chế các công ty công nghệ lớn |
Năm 2015, Didi Dache mua lại công ty con của Uber tại Trung Quốc, xác lập vị thế độc quyền trên thực tế đối với thị trường gọi xe của Trung Quốc bằng ứng dụng mang tên “Didi Chuxing”.
Định dạng cơ bản tương tự ứng dụng gọi xe Kakao T. của Hàn Quốc, nhưng phạm vi hoạt động kinh doanh của Didi Chuxing được mở rộng ra ngoài lĩnh vực taxi, bao gồm các dịch vụ như gọi xe sang, tìm kiếm tài xế, chia sẻ và quản lý phương tiện, dịch vụ xe công ty và giao đồ ăn.
Ứng dụng này tự hào có khoảng 377 triệu người sử dụng ở Trung Quốc, kết nối với hàng triệu tài xế.
Didi Chuxing tăng trưởng nhanh chóng nhờ các khoản đầu tư lớn của các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc như Alibaba và Tencent, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài như Apple và SoftBank.
Jean Liu Qing - cựu giám đốc điều hành của Goldman Sachs và hiện là chủ tịch của Didi Chuxing - được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này. Bà là con gái của Liu Chuanzhi, người sáng lập công ty sản xuất máy tính hàng đầu Trung Quốc Lenovo.
Báo hiệu cuộc chiến mới
Ngày 30/6 vừa qua, Didi Chuxing niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán New York và thu về 4,4 tỷ USD tiền đầu tư.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, các nhà chức trách Trung Quốc mở một cuộc điều tra về công ty này với lý do Didi Chuxing có “nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia”. Tất cả ứng dụng liên quan đến Didi Chuxing bị yêu cầu gỡ bỏ. Công ty đột nhiên rơi vào tình trạng bấp bênh.
Vụ việc của Didi Chuxing báo hiệu một “cuộc chiến dữ liệu” đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dữ liệu là yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như xe tự hành và trí tuệ nhân tạo. Quản lý dữ liệu luôn đi kèm với mối lo ngại về bảo mật thông tin.
Trong khi hệ thống bảo mật thông tin cá nhân của Trung Quốc được cho là vẫn còn yếu, các tập đoàn nền tảng trực tuyến nước này đã thu thập được khối lượng dữ liệu lớn về thông tin cá nhân của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.
Vốn lo ngại rằng các doanh nghiệp nền tảng trực tuyến đang có quá nhiều ảnh hưởng, nhà chức trách Trung Quốc luôn cảnh giác về việc các công ty này tham gia niêm yết vào thị trường chứng khoán Mỹ, bởi mối quan ngại cho rằng thông tin nhạy cảm của Trung Quốc có thể rơi vào tay các quan chức Mỹ.
Tin liên quan |
Dữ liệu lớn - Chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc |
Các nhà phân tích cho rằng giới chức trách Trung Quốc đã quyết định nắm bắt thời điểm Didi Chuxing niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để gửi đi một thông điệp rằng thông tin mà Didi Chuxing đã thu thập được về đường sá và địa hình trên khắp đất nước Trung Quốc không thể rơi vào tay chính quyền Mỹ.
Ngày 10/6, Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã công bố một quy định mới rằng các công ty Internet có hơn 1 triệu thành viên phải trải qua một cuộc đánh giá liên quan đến an ninh quốc gia trước khi được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Trên thực tế, cánh cửa niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài đang khép lại với các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên nền tảng trực tuyến.
Trong khi đó, Mỹ cũng cố gắng ngăn chặn các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc ngay từ biên giới nước này, với lý do lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc thông qua các công ty này thu thập thông tin về người Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã ban hành một đạo luật cho phép xóa tên các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu các doanh nghiệp này không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin của nhà chức trách Mỹ.
Các công ty Trung Quốc từ lâu đã sử dụng thị trường chứng khoán Mỹ như một kênh huy động vốn khổng lồ, trong khi các nhà tư bản tài chính Phố Wall cũng kiếm được bộn tiền nhờ thu các khoản phí liên quan.
Hiện mối quan hệ cộng sinh này đang “lâm nguy” trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng bị bao phủ bởi các mối quan ngại về an ninh.
Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc chiến dữ liệu này có thể kết thúc bằng việc Mỹ-Trung thực sự "tách rời" nhau?
| Hãng xe công nghệ Trung Quốc Didi bị thổi bay 17 tỷ USD sau đòn trừng phạt của Bắc Kinh Vốn hóa của hãng xe công nghệ Trung Quốc Didi đã bay 17 tỷ USD sau khi Bắc Kinh yêu cầu gỡ ứng dụng của ... |
| Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung sắp bước vào 10 năm then chốt Trong 10 năm tới, các nước đang phát triển sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong mạng lưới toàn cầu. Trung Quốc và ... |