📞

Nắm bắt 'điểm nóng', Mỹ tìm hướng đi mới trong quan hệ với ASEAN

Phương Hà 09:18 | 22/07/2021
Trong một bài viết gần đây trên tờ Bangkok Post, nhà báo, nhà bình luận quốc tế Thái Lan Kavi Chongkittavorn đã đưa ra những nhìn nhận về những hướng tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Biden với ASEAN, trong đó nổi bật có vấn đề vaccine Covid-19, hợp tác Mekong, khủng hoảng Myanmar.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tận dụng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến ASEAN-Mỹ vào tuần trước để củng cố vị thế của Washington ở Đông Nam Á. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chính sách giành lấy "trái tim"

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tận dụng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến ASEAN-Mỹ vào tuần trước để củng cố vị thế của Washington ở Đông Nam Á.

Tại Hội nghị, ông Antony Blinken đã đề cập đến các vấn đề Trung Quốc, tranh chấp trên Biển Đông, tình hình ở Myanmar và đại dịch Covid-19. Cụm từ "Mekong tự do và rộng mở" lần đầu tiên được Mỹ nhắc tới trong lập trường liên quan tới khu vực Mekong.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc ASEAN thực hiện đồng thuận 5 điểm về cuộc khủng hoảng hiện tại ở Myanmar.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến ASEAN-Mỹ là dịp để ông Blinken “ra mắt” các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN. Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ được lên lịch vào cuối tháng 5 nhưng đã bị hoãn lại do trục trặc về mặt kỹ thuật.

Hội nghị lần này không có thông cáo chung, điều này cũng tránh được một sự công nhận chính thức đối với ông Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng của Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar. Mặc dù vậy, dự kiến sẽ có một thông cáo chung sau cuộc gặp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ vào đầu tháng 8, trong đó nhấn mạnh những vấn đề quan trọng.

Mỹ cũng đang tạo lực đẩy trong quan hệ với Đông Nam Á thông qua chính sách ngoại giao vaccine. Sau tuyên bố ngày 10/6 về "hành động lịch sử" của Tổng thống Joe Biden, theo đó Mỹ có kế hoạch tặng 500 triệu liều vaccine cho 93 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, rõ ràng Washington sẽ sử dụng vaccine như một công cụ ngoại giao mới để thực thi chính sách đối ngoại, giành lấy “trái tim” của một nửa số thành viên Liên hợp quốc.

Nỗ lực "ngoại giao vaccine"

Tại hội nghị lần này với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ông Blinken nhấn mạnh rằng Washington sẽ dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu để chống lại đại dịch Covid-19. Tính đến tuần trước, Mỹ đã tài trợ 2 tỷ USD trong số 4 tỷ USD đã cam kết cho Covax - chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quản lý để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.

Ông Blinken cũng nêu chi tiết về chiến lược vaccine của Mỹ nhằm cung cấp 80 triệu liều trên toàn cầu vào cuối tháng 6. Trong số 25 triệu liều vaccine đầu tiên, 7 triệu liều là dành cho châu Á, bao gồm cả các thành viên ASEAN.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, nước này sẽ nhận 1,5 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ vào cuối tháng này trong khuôn khổ kế hoạch nêu trên, dù cho Thái Lan không thuộc phạm vi hỗ trợ từ Covax. Các nước ASEAN khác cũng đã nhận được số lượng vaccine từ Mỹ như cam kết. Bên cạnh đó, Washington cũng dành 96 triệu USD cho ASEAN tăng cường năng lực chống dịch Covid-19.

Khi dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, ngoại giao vaccine trở thành một trong những công cụ ngoại giao hiệu quả nhất của Mỹ.

Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng Đông Nam Á là “trái tim” của châu Á và có thể quyết định sự thành bại trong đường lối ngoại giao của Mỹ ở khu vực. Do đó, ông đã nói gần đây tại một sự kiện do Hiệp hội Châu Á tổ chức rằng, Mỹ cần chú ý và có những hành động cụ thể trong quan hệ với khu vực, nhất là thông qua ngoại giao vaccine.

Liên quan đến việc phân phối vaccine, Mỹ đang dần bắt kịp Trung Quốc. Theo một cuộc đánh giá mới do Kyodo tổng hợp, Trung Quốc đã cung cấp hoặc có kế hoạch cung cấp 120 triệu liều vaccine Covid-19 cho các thành viên ASEAN, gấp khoảng 4,8 lần số lượng mà Mỹ và các nước châu Âu phân bổ cho khu vực thông qua cơ chế của Covax.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới, các đối tác đối thoại của ASEAN ​​sẽ tái khẳng định cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho khu vực trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới, chủ yếu do biến thể Delta gây ra.

Riêng ASEAN cũng đã chuyển 10 triệu USD tới Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để mua vaccine theo chương trình Covax cho các thành viên ASEAN có nhu cầu. Số tiền này đến từ Quỹ Ứng phó ASEAN trước Covid-19, một sáng kiến ​​của Thái Lan và được thành lập vào năm 2020. Ngoài đóng góp của các thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại chính của ASEAN cũng đóng góp cho Quỹ.

Nhấn mạnh hợp tác Mekong và vấn đề Myanmar

Về tình hình ở Myanmar, Ngoại trưởng Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và cho rằng đây là một bước tiến quan trọng. Ông cũng kêu gọi ASEAN đoàn kết hành động. Sau một thời gian dài trì hoãn, ASEAN sẽ sớm bổ nhiệm một đặc phái viên tới Myanmar. Một quan chức cấp cao của ASEAN nhận xét rằng, Mỹ vẫn đang chờ đợi và âm thầm đánh giá nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Ngoài các vấn đề chính trên, ông Blinken cũng đề xuất hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, trao quyền cho phụ nữ, môi trường và biến đổi khí hậu.

Đáp lại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai hoan nghênh vai trò của Mỹ trong khu vực và nhấn mạnh rằng ASEAN có thể đóng vai trò là trung tâm nơi các bên có thể kết nối lại và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Ông cũng hoan nghênh sáng kiến “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” - “Build Back Better World” và các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của Mỹ, đồng thời đề xuất rằng mô hình nền kinh tế Xanh có thể là một lĩnh vực có thể hợp tác giữa ASEAN và Mỹ.

Đặc biệt, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến hợp tác tiểu vùng Mekong trong khuôn khổ Đối tác ASEAN-Mỹ với quan điểm "Mekong tự do và rộng mở". Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ đề cập tới hợp tác vùng sông Mekong như với hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

(theo Bangkok Post)