TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì | |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ |
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. |
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và mục đích của việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi?
Sự ra đời của CVS rõ ràng là nhằm tăng cường sự hiểu biết của người Ấn Độ về Việt Nam bởi nhiều người Ấn Độ, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn chỉ biết Việt Nam gắn liền với chiến tranh. Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển khá sâu rộng, là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Muốn xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thật tốt thì hai bên phải hiểu được tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt trong kinh tế.
Hơn nữa, tình hình thế giới hiện nay đang rất phức tạp. Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách đối ngoại tiếp tục đa dạng hóa và xây dựng quan hệ cân bằng với các cường quốc. Ấn Độ đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bản thân Ấn Độ cũng coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông của mình.
Trong bối cảnh đó, việc thành lập Trung tâm là một bước phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước. Những đóng góp của học giả Ấn Độ chắc chắn sẽ góp phần làm cho các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ thuận lợi hơn trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có vai trò như thế nào trong quá trình vận động, xây dựng để ra đời Trung tâm ý nghĩa này?
Ý tưởng ra đời Trung tâm được ấp ủ khá lâu, là một trọng tâm trong hoạt động ngoại giao văn hóa của Đại sứ quán trong năm qua. Ý tưởng có cơ hội thành hiện thực khi Đại sứ quán cùng Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Delhi phối hợp tổ chức Hội thảo về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vào tháng 7/2017 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Một trong những khuyến nghị của Hội thảo là thành lập một Trung tâm Việt Nam học càng sớm càng tốt bởi các học giả Ấn Độ nhận thức rõ nhu cầu cần hiểu rõ hơn, sâu hơn về Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Đại sứ Tôn Sinh Thành và Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran cùng cắt băng khai trương CVS. |
Như được tiếp thêm động lực, Đại sứ quán đã không ngừng nỗ lực vừa tìm kiếm nhân sự vừa khảo sát địa điểm. Sau rất nhiều cuộc gặp gỡ với các phương án khác nhau, cuối cùng Đại sứ quán đã tìm được tiếng nói chung với Viện Khoa học Xã hội - một trong những cơ quan nghiên cứu có uy tín của Ấn Độ về các vấn đề chính sách và phát triển. Viện đồng ý dành một không gian làm Văn phòng và bản thân Giám đốc Viện, TS. Ash Narain Roy sẵn sàng làm người bảo trợ cho Trung tâm. Đặc biệt, một học giả đã đi cùng Đại sứ quán trong hành trình “mở đường” này, TS. Sonu Trivedi đã tự nguyện làm Giám đốc danh dự của Trung tâm. Trung tâm cũng đã lập ra ban cố vấn gồm các học giả nổi tiếng và nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ.
Và nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ấn Độ vào tháng 3/2018, lễ công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đã diễn ra tại buổi nói chuyện của Chủ tịch nước với học giả và sinh viên Ấn Độ?
Chúng tôi xem đây là một bước ngoặt của Trung tâm cũng như một hoạt động đối ngoại quan trọng của Đại sứ quán. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Ngay sau lễ công bố, Đại sứ quán cùng Trung tâm đã phải triển khai rất nhiều việc, từ chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển nhân sự, xây dựng chương trình hành động năm, xây dựng trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Facebook, Twitter…
Khi tất cả các công việc đã cơ bản hoàn thành, Lễ khai trương Trung tâm chính thức diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức, học giả, nhà báo Ấn Độ cũng như ngoại giao đoàn tại New Delhi. Đích thân Bí thư phương Đông, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, bà Preeti Saran, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã đến dự, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ đối với Trung tâm.
Như Đại sứ nói, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Để Trung tâm đi vào hoạt động hẳn có không ít khó khăn?
Đúng thế. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Ngân sách hoạt động ban đầu của Trung tâm hoàn toàn dựa vào Đại sứ quán, được trích ra từ nguồn dư mà Đại sứ quán đã vận động doanh nghiệp Việt Nam tài trợ xây dựng hai Phòng sách Việt Nam ở Kolkata và New Delhi năm ngoái. Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng 10.000 USD cho Trung tâm đi vào hoạt động, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch đối với Trung tâm.
Hiện Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức, công ty đang làm ăn tại Việt Nam tài trợ cho việc duy trì cũng như tổ chức các hoạt động sắp tới của Trung tâm.
Các hoạt động tiếp theo của Trung tâm là gì, thưa Đại sứ?
Hoạt động lớn đầu tiên của Trung tâm là tổ chức Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ ra mắt sách về Bác Hồ sẽ diễn ra vào ngày 21/5 tới tại Bảo tàng & Thư viện Tưởng nhớ Nehru. Sau đó là Hội thảo về quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ vào tháng 7/2018. Trong năm nay, Trung tâm cũng sẽ tổ chức chương trình trao đổi với học giả Việt Nam. Trung tâm đã ký 2 MoU với 2 cơ quan ở Việt Nam là Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là nền tảng rất thuận lợi để tăng cường giao lưu học giả hai nước.
Ngoài các hoạt động trên, Đại sứ quán cũng sẽ phối hợp với Trung tâm tổ chức các sự kiện như chương trình tương tác Đại sứ với học sinh Ấn Độ, chiếu phim Việt Nam hay mở khóa học tiếng Việt cho người Ấn Độ và người nước ngoài…
Xin cảm ơn Đại sứ!
“Trong chuyến thăm cấp nhà nước của cựu Tổng thống Pranab Mukherjee tới Việt Nam hồi tháng 9/2014, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã được thành lập ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tiếp nối di sản kế thừa từ tình hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo hai nước, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đã được khai trương. Với Ấn Độ, Việt Nam không chỉ là một người bạn tin cậy mà còn là một cột trụ chủ chốt trong chính sách "Hành động hướng Đông" và là một đối tác rất quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mối quan hệ song phương ấy dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau mạnh mẽ cũng như sự hội tụ về quan điểm đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Quan hệ đối tác Ấn Độ - Việt Nam vững mạnh sẽ dẫn tới sự thịnh vượng, phát triển, hòa bình và ổn định cho nhân dân hai nước và cho khu vực rộng lớn hơn. Hai nước vẫn còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa khi hai bên cần phải tăng cường kết nối kinh tế và thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết nối đường biển và đường không, cần tham gia các cuộc trao đổi thông tin định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực trong giải quyết các vấn đề an ninh biển và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là ở Liên hợp quốc và ASEAN. Tôi tin tưởng trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam sẽ phát triển trở thành tiêu điểm cho các trao đổi học giả không chỉ làm phong phú mối quan hệ song phương mà còn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.” - Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran phát biểu tại Lễ khai trương CVS. |
Khi Đại sứ làm truyền thông Chưa bao giờ nói không với các nhà báo, luôn chớp các cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam, Đại sứ Việt Nam ... |
Thủ tướng dự lễ động thổ trụ sở mới Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ, sáng 25/1, tại Thủ ... |
Quảng bá du lịch Việt Nam tại Ấn Độ Chiều 12/12, tại khách sạn Royal Plaza ở trung tâm thủ đô New Delhi, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Đại ... |