Lễ ký Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp ngày 6/3/1946 tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Jean Sainteny - Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt Nam, Leon Pignon - Cố vấn Chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Luis Caput - đại diện Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Ba trụ cột trên luôn gắn bó chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau, được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Song, do hoàn cảnh lịch sử từng giai đoạn khác nhau của đất nước, nên sự ra đời và phát triển của mỗi trụ cột trên cũng có những nét riêng biệt.
Trong giai đoạn chống ngoại xâm từ 1945 đến 1975, với mục tiêu cao cả là giành lại độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, ngoại giao chính trị đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong nền ngoại giao Việt Nam và lập nên nhiều chiến công, để lại những dấu ấn sâu đậm, vẻ vang tiêu biểu như: Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”, đe dọa nền độc lập non trẻ của nước nhà. Việc ký Hiệp định sơ bộ 6/3 thể hiện sự mềm dẻo về sách lược, tranh thủ thời gian hòa hoãn, để chuẩn bị điều kiện cần thiết chống lại sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, đã buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, dẫn tới Hội nghị Geneva. Pháp phải công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc, song miền Nam vẫn còn tạm thời dưới ách thống trị của Mỹ - Ngụy. Dân tộc Việt Nam một lần nữa phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, cùng với Hiệp định Paris 1973, đã chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở Việt Nam, lập lại hòa bình, tiến tới thống nhất nước nhà, giang sơn về một mối.
Ngoại giao kinh tế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ những ngày đầu của nước Việt Nam non trẻ. Năm 1946, Bác đã gửi thư cho Liên hợp quốc (LHQ) đề cập: “Nước Việt Nam sẽ dành sự thuận lợi cho các nhà tư bản nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ, Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia mọi tổ chức kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ”. Đáng tiếc trong hoàn cảnh lúc đó là chiến tranh, nên không thực hiện được ý đồ chiến lược của Bác. Mãi đến khi Hiệp định Paris được ký năm 1973, chúng ta đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngoại giao kinh tế trong nhiệm vụ khôi phục đất nước sau chiến tranh. Bộ Ngoại giao đã lập ra tổ kinh tế trong ban Hậu chiến. Ngày 27/2/1974, Chính phủ quyết định lập Vụ Kinh tế trong Bộ Ngoại giao với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu và đề xuất các vấn đề quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ phải) dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. |
Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông về một mối, mở ra thời kỳ mới cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Song, mười năm đầu (1975-1985), trong lúc phải nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, chúng ta phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, đồng thời Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận kinh tế đối với nước ta. Trong tình hình ấy, ngoại giao chính trị vẫn là trụ cột chủ yếu, chủ động tích cực trong cuộc đấu tranh nhằm làm thất bại âm mưu chống phá và bao vây cấm vận của kẻ thù. Sự kiện ngoại giao chính trị nổi bật trong thời kỳ này là ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ. Chúng ta tích cực cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, đặc biệt với Campuchia. Vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển bắt đầu trở nên phức tạp. Ngày 12/5/1977, Việt Nam khẳng định với thế giới chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở thời điểm này, một số hoạt động đã được khởi động cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, đoàn tụ gia đình, con lai…
Ngoại giao kinh tế đã có những hoạt động tích cực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước, đặc biệt với các nước XHCH, để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Nhiều hội nghị với các nhà tài trợ để kêu gọi đầu tư đã được tổ chức, một sự kiện ngoại giao kinh tế là ngày 27/6/1978, Việt Nam đã tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế giữa các nước XHCN (SEV).
Ngoại giao văn hóa đã có nhiều hoạt động nhằm giao lưu văn hóa với các nước, mở rộng ngoại giao nhân dân. Chăm lo công tác này, một Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài trực thuộc Chính phủ được thành lập năm 1961. Sau khi thống nhất nước nhà, Ủy ban này được đưa về Bộ Ngoại giao và ngày 21/11/1981 chuyển thành Vụ Quan hệ Văn hóa với chức năng đề xuất chính sách trao đổi văn hóa với nước ngoài. Với sự ra đời của vụ này, đã hình thành các đơn vị tổng hợp làm đầu mối cho ba trụ cột: ngoại giao chính trị, kinh tế và ngoại giao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ, tháng 7/2008. |
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã khởi động công cuộc Đổi mới toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho nền ngoại giao toàn diện có điều kiện phát triển đồng bộ. Trong thời kỳ này, ngoại giao chính trị tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm như: Việt Nam tham gia ASEAN - một bước ngoặt lịch sử khởi đầu cho sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho ta phá vỡ thế bao vây cấm vận, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Việc được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 là sự kiện ngoại giao chính trị lớn của đất nước. Sự kiện này cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao công cuộc đổi mới và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đảm nhiệm vai trò quốc tế của Việt Nam.
Một sự kiện lịch sử trọng đại trong giai đoạn này là việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 2008. Lần đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý và trên thực địa, tạo điều kiện tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác phát triển giữa hai nước. Trong quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực trong việc bình thường hóa quan hệ. Với tinh thần “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, năm 2013, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Sự kiện này đã truyền đi một thông điệp quan trọng với thế giới rằng: hai nước dù có một quá khứ khó quên, song nếu biết tôn trọng độc lập chủ quyền, hệ thống chính trị của nhau, bình đẳng, vì lợi ích của nhân dân hai nước vẫn có thể là bạn, là đối tác của nhau.
Ngoại giao kinh tế cũng được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 nhấn mạnh vai trò của ngoại giao kinh tế với tinh thần “CHỦ ĐỘNG hội nhập kinh tế quốc tế”. Đến Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006, Đảng lại nhấn mạnh một bước không chỉ chủ động mà “CHỦ ĐỘNG TÍCH CỰC hội nhập kinh tế quốc tế”. Một sự kiện nổi bật của ngoại giao kinh tế là Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2006, tạo điều kiện cho thu hút vốn, công nghệ nước ngoài. Đây là minh chứng cho chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế của Đảng ta.
Đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Ngoại giao văn hóa cũng phát triển mạnh mẽ trong việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới thông qua trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức các cuộc triển lãm, tuần văn hóa Việt Nam. Chúng ta đã vận động thành công UNESCO công nhận nhiều di sản thế giới vật thể, phi vật thể về thiên nhiên, văn hóa của Việt Nam như Vịnh Hạ long, Rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù... Nói về ngoại giao văn hóa không thể không nói đến Bác Hồ, Người là tấm gương sáng ngời về ngoại giao văn hóa với tư tưởng lớn của Người về ngoại giao hòa hiếu “thêm bạn bớt thù”, “đoàn kết quốc tế”, đến phong cách ngoại giao thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa sắc sảo, vừa giản dị, vừa chân thành, được sự kính trọng của bạn bè quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà ngoại giao lỗi lạc vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã được UNESCO công nhận, và chính Người đã để lại cho ngoại giao Việt Nam một di sản quý báu, đó là TƯ TƯỞNG NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH.
Sự phát triển đồng bộ của ba trụ cột ngoại giao chính tri, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đã tạo ra tiền đề vững chắc cho ngoại giao Việt Nam tiến vào hội nhâp quốc tế, để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011, đã nâng nhiệm vụ hội nhập lên một tầm cao mới từ “Chủ động, tích cực HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ” sang “Chủ động, tích cực HỘI NHẬP QUỐC TẾ”, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nước Việt Nam XHCN giàu mạnh.
Với đường lối đối ngoại toàn diện, ngoại giao Việt Nam đã để lại trong mắt bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam không chỉ anh hùng trong đấu tranh chống ngoại xâm, mà ngày nay Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, một người bạn tốt, một thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Nhìn lại chặng đường phát triển 75 năm qua, những người làm ngoại giao vô cùng tự hào về bề dày truyền thống của Ngành. Với truyền thống vẻ vang đó, với “ba chân kiềng” vững chắc của nền ngoại giao toàn diện, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, ngoại giao Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng mới cho ngoại giao Việt Nam thế kỷ XXI.