📞

Nếu xung đột Mỹ-Trung thêm căng, kinh tế Australia ‘hứng đòn đau’ tới mức nào?

HOÀNG NAM 15:41 | 24/06/2021
Australia phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào Australia. Bắc Kinh đã vượt Washington trở thành nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Canberra với tỷ trọng tăng từ 15% (năm 2008) lên 30% (năm 2020).
Nếu xung đột Mỹ-Trung thêm căng, kinh tế Australia được dự báo sẽ chịu thiệt hại lớn. (Nguồn: lens.monash.edu)

Khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) đang nhận được sự quan tâm lớn từ các chiến lược gia quân sự và các nhà lãnh đạo chính trị. Một cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu và dẫn tới hỗn loạn tài chính.

Báo cáo mới của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) xem xét các tác động đối với nền kinh tế Australia nếu thương mại của Australia với Trung Quốc bị cắt đứt trong trường hợp xảy ra xung đột Mỹ-Trung. Có thể xảy ra tình trạng mất việc làm trên diện rộng, việc thị trường tiêu thụ suy giảm sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Australia cần Trung Quốc hơn

Khai thác mỏ và nông nghiệp sẽ là những ngành bị tác động nặng nề nhất khi Australia mất thị trường xuất khẩu. Mặt khác, việc mất nguồn hàng nhập khẩu từ quốc gia châu Á sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng cho các ngành bán lẻ, xây dựng và sản xuất.

Australia phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào Australia. Thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu hàng hóa sang Australia đạt mức cao nhất là 47% vào tháng 5/2020, trước khi Bắc Kinh bắt đầu áp đặt các lệnh cấm vận thương mại với một số mặt hàng của Canberra.

Ngược lại, thị phần của Australia trong xuất khẩu của Trung Quốc chỉ là 2%. Thương mại của Trung Quốc rất đa dạng, ngoài Mỹ và Nhật Bản, không quốc gia nào chiếm hơn 4% xuất khẩu.

Australia đóng vai trò quan trọng hơn với tư cách là nhà cung cấp cho Trung Quốc, chiếm 7% lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này xếp Australia trên cả Mỹ và Đức về tầm quan trọng của thương mại hàng hóa đối với nền kinh tế Trung Quốc và thấp hơn một chút so với Hàn Quốc (9%) và Nhật Bản (8%).

Xuất khẩu quặng sắt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia là những yếu tố đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, Canberra cũng là nhà cung cấp hàng hóa quan trọng trong nhiều lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nông sản và thực phẩm.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của nguồn cung cấp hàng hóa Bắc Kinh cho xứ sở kangaroo còn lớn hơn nhiều. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng gần 1/3 tổng lượng hàng nhập khẩu của Australia.

Mối quan hệ thương mại giữa hai nước gần đây đã phát triển đột biến trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào cuối năm 2008, thị phần xuất khẩu hàng hóa của Australia sang Trung Quốc chỉ là 13%, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản, vốn mới đạt đỉnh 29%.

Đến năm 2015, Bắc Kinh chiếm 30% xuất khẩu của Canberra. Giá hàng hóa tăng mạnh đã nâng tỷ trọng xuất khẩu sang quốc gia châu Á lên hơn 40% vào năm 2019.

Vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp cho nền kinh tế Australia cũng tăng lên nhanh chóng.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nguồn nhập khẩu hàng hóa đơn lẻ lớn nhất của Australia vào năm 2007 và tỷ trọng nhập khẩu của Canberra từ Bắc Kinh đã tăng từ 15% trong năm 2008, lên 20% vào năm 2016, và 30% vào năm 2020. Con số này gấp đôi tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại thế giới.

Vị thế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Trong khi xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tập trung nhiều vào một số lĩnh vực chính, thì đặc điểm nổi bật nhất của xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Australia lại là sự trải rộng trên nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Theo cơ quan thống kê của Liên hợp quốc Comtrade, Canberra nhập khẩu 100 mặt hàng từ Bắc Kinh với giá trị hằng năm ít nhất 100 triệu USD và 1.603 mặt hàng với giá trị ít nhất 2 triệu USD. Ngược lại, Australia xuất khẩu 42 mặt hàng sang Trung Quốc với doanh thu hằng năm ít nhất 100 triệu USD và 291 mặt hàng với doanh thu ít nhất 2 triệu USD.

Đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Australia, Trung Quốc chiếm một thị phần lớn trong thương mại thế giới. Việc Canberra ngừng hoạt động thương mại với Bắc Kinh sẽ cắt giảm nguồn cung cấp thiết yếu cho các doanh nghiệp, trong khi Australia khó có thể thay thế giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.

Số liệu của Liên hợp quốc cũng cho thấy Bắc Kinh nắm giữ ít nhất một nửa thị trường nhập khẩu của Canberra với hơn 40% số lượng lớn các sản phẩm có giá trị hằng năm trên 2 triệu USD.

Việc mất nhà cung cấp có thị phần từ 50% trở lên sẽ khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác thay thế thích hợp. Trong các lĩnh vực mà Trung Quốc chiếm khoảng 50% nhập khẩu của Australia thì Trung Quốc cũng nắm giữ ít nhất 40% trong thương mại thế giới, nguồn cung của Australia rõ ràng sẽ dễ bị tổn thương.

Bắc Kinh chiếm thị phần chi phối đối với 68 trong số 100 hàng hóa hàng đầu vận chuyển đến Canberra. Nước này cũng kiểm soát ít nhất 40% thị trường thế giới đối với 27 loại hàng hóa trong số đó.

Quặng sắt nhập khẩu từ Australia được bốc dỡ tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Không thể dựa vào quặng sắt xuất khẩu

Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Australia đóng vai trò là "lỗ hổng chiến lược" của Trung Quốc.

Trung Quốc có trữ lượng quặng sắt chất lượng thấp rất lớn. Năm 2014, nước này đã sản xuất 1,5 tỷ tấn quặng sắt. Sau đó, sản lượng của Trung Quốc giảm dần do các nhà máy của nước này ưa chuộng quặng chất lượng cao hơn của Australia và Brazil.

Nếu một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Australia xảy ra, Bắc Kinh có thể chuyển sang sử dụng quặng chất lượng thấp khai thác trong nước. Tuy nhiên, nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ mất thời gian để đưa các mỏ quặng sắt trong nước hoạt động trở lại.

Khuyến nghị trung tâm trong báo cáo của ASPI là chính phủ liên bang Australia nên ưu tiên đa dạng hóa thương mại. Canberra hiện đã có nhiều thỏa thuận thương mại song phương và khu vực trong 8 năm qua.

Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ của cựu Thủ tướng Tony Abbott ký kết các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2014, nhập khẩu của Australia từ Nhật Bản chỉ tăng 25%, trong khi từ Hàn Quốc giảm 2,3%.

Singapore và Australia cũng đã có hiệp định thương mại tự do từ năm 2003, nhưng nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á đã giảm 17% trong giai đoạn 2014-2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19).

Thế nhưng, riêng nhập khẩu của Australia từ Trung Quốc đã tăng 52% trong giai đoạn này. Điều đó cho thấy thành công của Bắc Kinh trong việc giành thị phần.

Xuất khẩu của Canberra sang các đối tác thương mại tự do khác cũng không tăng trưởng nhiều trong khi doanh số bán hàng sang Trung Quốc lại tăng vọt.

Theo ASPI, chính phủ Australia nên bổ nhiệm một chức danh trợ lý Bộ trưởng thương mại chịu trách nhiệm xúc tiến thương mại và tích cực theo đuổi các sứ mệnh thương mại với đối tác của các hiệp định thương mại tự do. Điều này sẽ giúp khôi phục lại tiềm năng thực tế.

Canberra cũng nên làm việc với các doanh nghiệp để nâng cao hiểu biết về sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và thị trường.

(theo TTXVN)