TIN LIÊN QUAN | |
Châu Âu đối mặt với rủi ro khi "nghiện" khí đốt của Nga | |
Khởi công trạm tiếp nhận khí tự nhiên từ Nga tới EU bỏ qua Ukraine |
Hiện nay, việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 đang bước vào giai đoạn cao trào. Các nhà chức trách Đức, vốn rất nghiêm túc quan tâm đến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, đang nỗ lực bảo vệ dự án trước sự phản đối kịch liệt của Mỹ, Ukraine và một số nước châu Âu.
Dự án năng lượng quy mô lớn châu Âu
Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) là tên dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga đi ngầm dưới biển Baltic, sang Đức và vào thị trường châu Âu, không quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan.
Nói cụ thể hơn, trước khi có Nord Stream, Nga xuất khẩu khí đốt sang Tây Âu phải sử dụng đường ống dẫn khí đốt Hữu Nghị, được xây dựng từ thời Liên Xô, đi qua lãnh thổ Ukraine, sang Ba Lan và các nước Đông Âu khác.
Lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục tăng trong những năm gần đây. (Nguồn: Sputnik) |
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga phải trả tiền khi xuất khẩu khí đốt quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan. Vì vậy, Nord Stream được các nhà lãnh đạo Nga, Đức và nhiều nước châu Âu long trọng khánh thành ngày 8/11/2011, cho phép Liên minh châu Âu (EU) không bị ảnh hưởng về nguồn cung khí đốt mỗi khi quan hệ giữa Nga và Ukraine căng thẳng. Nord Stream chuyển 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho EU thông qua Đức.
Tuy nhiên, để tăng cường nguồn cung khí đốt cho thị trường EU, ngày 4/9/2015, bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông tổ chức tại Vladivostok (Nga), tập đoàn khí đốt Gazprom đã ký thỏa thuận với các tập đoàn BASF (Đức), E.ON, Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh-Hà Lan) về việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), hãng Sputnik cho biết.
Theo đó, việc thực hiện North Stream 2 đã được khởi công từ cuối tháng 10/2015, trong đó Nga đóng góp một nửa, phần vốn còn lại đến từ các tập đoàn châu Âu. Tuyến đường ống dài 1.224 km của Nord Stream 2 được thiết kế song song với Nord Stream, đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, mỗi năm cung cấp cho EU khoảng 55 tỷ m3 khí đốt. Dự án 9,5 tỷ Euro này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019.
Cả hai dự án Nord Stream đều có giá trị kinh tế to lớn đối với Nga và EU trên phương diện đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng đồng thời còn có cả tác động chính trị rất quan trọng và là một trong những ràng buộc lẫn nhau giữa Nga và EU.
Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh rằng việc thực hiện dự án sẽ không chỉ cải thiện hệ thống vận chuyển khí đốt của châu Âu, mà còn đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp, giảm thiểu rủi ro vận chuyển và đáp ứng nhu cầu “nhiên liệu xanh” của các quốc gia trong khu vực.
Thực tế, có thể trước mắt, sự lệ thuộc của Tây Âu vào Nga sẽ gia tăng, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Song đường ống dẫn khí mới từ Nga qua biển Baltic vào Đông Bắc nước Đức cho phép các khách hàng Tây Âu của Nga tránh được tắc nghẽn nguồn năng lượng do những tranh chấp lặp đi lặp lại những năm gần đây giữa Nga và Ukraine.
Cho đến nay, phần lớn lượng khí đốt từ Nga xuất sang các nước EU phải trung chuyển qua Ukraine và Kiev nhiều khi không ngần ngại khóa đường ống này để gây sức ép, mỗi khi tranh chấp bùng lên với nước Nga láng giềng. Năm 2009, để trả đũa Gazprom đã nâng giá khí đốt bán cho mình, Ukraine đã chặn đường trung chuyển khí đốt Nga bán sang EU, làm cho 18 nước khách hàng Tây Âu bị khó khăn đúng vào lúc cần khí để sưởi trong mùa Đông. Tóm lại, Nord Stream có lợi cho cả Nga lẫn EU vì giúp cho giao dịch mua bán khí đốt giữa hai bên được ổn định nhiều hơn.
Dù khó khăn chất chồng
Theo AFP, nhu cầu nhập khẩu khí đốt của châu Âu liên tục tăng kể từ năm 2015. Trong khi đó, Nga lại là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và mùa Đông năm ngoái, Tập đoàn Gazprom đã tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu ở mức kỷ lục. Gazprom hiện cung cấp 35% khí đốt mà EU cần, trong đó một nửa là đi qua Ukraine. |
Quy mô lớn và có lợi cho cả Nga và EU là vậy, song Nord Stream 2 liên tiếp vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số nước EU, trong đó có Ukraine.
Theo giới chuyên gia, Mỹ phản đối Nord Stream 2 không phải chỉ vì Washington lo ngại đây là công cụ chính trị nhằm buộc EU phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga mà còn bởi Mỹ đang nuôi tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Mỹ muốn bán LNG cho châu Âu, nhưng LNG của Mỹ bán tại châu Âu đắt hơn gấp rưỡi so với Nga. Cho nên có vì lợi ích địa chính trị với Mỹ, người châu Âu cũng khó có thể từ bỏ lợi ích kinh tế do người Nga đem lại.
Do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, Ukraine và Ba Lan phản đối kịch liệt nhất. Năm 2019, Nga phải đàm phán lại với hai nước này thỏa thuận về quá cảnh khí đốt. Nord Stream 2 sẽ giúp Nga có vị thế và ưu thế đàm phán thuận lợi hơn hẳn so với trước. Năm ngoái Nga đã chuyển qua hai nước này 82,2 tỷ m3 khí đốt… Hãng Interfax cũng dẫn lời ông Andrey Kobolev, Chủ tịch Tập đoàn khí đốt Naftogaz Ukraine, cho hay, thiệt hại do Nord Stream 2 sẽ chiếm khoảng 3% GDP của Ukraine. “Nói về tổn thất, nó là 3 tỷ USD một năm. Đây là khoản thu mà chúng tôi nhận được cho quá cảnh khí đốt qua Ukraine mỗi năm. Nếu dự án hoàn thành, sẽ không có quá cảnh khí đốt qua Ukraine nữa”, ông Kobelev nói. Thua thiệt của hai nước còn tăng thêm khi họ mất dần chủ bài chính trị. Dựa vào việc cho phép khí đốt của Nga quá cảnh, Ba Lan và Ukraine có thể gây áp lực lên cả Nga lẫn EU.
Tuy không phản ứng mạnh như Ukraine và Ba Lan, nhưng một số nước châu Âu khác cũng không đồng ý việc xây dựng Nord Stream 2 với lý do dự án càng làm tăng sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng Nga, gây lo ngại bất ổn địa chính trị.
Một khó khăn đáng kể nữa là cho đến nay Đan Mạch vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng trong khi Đức, Thụy Điển và Phần Lan đều đã đồng ý cho phép đường ống được xây dựng trên vùng hải phận của mình. Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một dự luật ngăn cản việc xây dựng Nord Stream 2 nằm trong lãnh hải nước này. Dự luật được thông qua nằm trong quá trình xây dựng các đạo luật liên quan đến đối ngoại, an ninh và quốc phòng, cho phép chính phủ được quyền từ chối việc lắp đặt đường ống dẫn khí đi qua lãnh hải của Đan Mạch.
Tuy nhiên, trong trường hợp Đan Mạch tiếp tục không chấp nhận, thì Nga và Đức vẫn có phương án thay thế bằng cách thay đổi lộ trình đường ống dẫn khí, chuyển đường ống vào vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch trong vùng biển quốc tế. Bởi vì, theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, với tư cách là nước đã ký kết văn bản này, Đan Mạch không có quyền cấm “các phương tiện vận chuyển lưu thông” trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, mà đường ống dẫn khí chính là phương tiện vận chuyển như vậy và Copenhagen chẳng có lý do gì để từ chối...
Vẫn kiên định triển khai
Việc xây dựng Nord Stream 2 đã được bắt đầu ở vùng bờ biển nước Đức, phớt lờ những đe dọa trừng phạt từ Mỹ. Theo giới chuyên gia, Ðức được xem là nước được hưởng lợi nhiều nhất, bởi khi dự án hoàn thành, Berlin có thể gia tăng vị thế tại châu Âu với tư cách là quốc gia phân phối năng lượng của Nga tại EU. Mặc dù vấp phải sự phản đối của một số quốc gia và đảng phái trong nước, Nord Stream 2 vẫn được Chính phủ Ðức “bật đèn xanh”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/5/2018, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã đưa ra cảnh báo cứng rắn, cáo buộc Washington tìm cách ngăn cản đường ống dẫn khí đốt Nga - Đức để hỗ trợ xuất khẩu khí đá phiến của Mỹ. Ông nói: “Mỹ là bạn và là đối tác của chúng tôi, và chúng tôi muốn bảo vệ các giá trị chung. Tuy nhiên, nếu với chính sách nước Mỹ trước tiên họ đặt lợi ích kinh tế của họ lên trước lợi ích của các nước khác, khi đó họ phải lường trước châu Âu sẽ xác định rõ lợi ích của mình và đấu tranh cho lợi ích đó”.
Ngày 11/7/2018, trước cáo buộc của Tổng thống Mỹ Trump rằng Berlin “hoàn toàn bị Nga kiểm soát”, Thủ tướng Đức Merkel cũng khẳng định Berlin độc lập trong các lựa chọn chính sách.
Mới đây nhất, ngày 3/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng bác lại các ý định rút Đức khỏi dự án Nord Stream 2, sau khi một số nghị sĩ Đức gợi ý sử dụng dự án này để trừng phạt Moscow trong vụ bắt giữ tàu Ukraine cùng các thủy thủ tại Biển Azov. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh Nord Stream 2 là một dự án thương mại và sẽ được tiếp tục thực hiện ngay cả khi các công ty Đức rút lui. Ông lập luận rằng rút sự ủng hộ chính trị sẽ hủy hoại khả năng Berlin gây sức ép lên một số nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine. Ông nói: "Chính vì vậy, chúng tôi coi dự án này đóng vai trò quan trọng trong duy trì cam kết chính trị".
Ðối với Nga, việc thực thi Nord Stream 2 không chỉ góp phần khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của “xứ sở bạch dương” tại châu Âu, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Mặc dù trong những năm gần đây, Moscow đang tích cực đa dạng hóa nền kinh tế nhưng với việc sở hữu trữ lượng khí đốt dồi dào, xuất khẩu năng lượng tiếp tục chiếm vị trí không nhỏ trong nguồn thu ngân sách. Vì vậy, việc củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của Nga.
Cho đến nay, người đứng đầu Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Konstantin Simonov tuyên bố, chẳng có lý do pháp lý nào còn có thể gây ảnh hưởng tới Nord Stream 2. Tạp chí Forbes bình luận, ngay từ tuần đầu tháng 9/2018, Nga đã bắt đầu công việc xây dựng hạ tầng cho Nord Stream 2 dưới đáy biển Baltic, điều này có nghĩa là Mỹ và các đồng minh đã không còn cách nào để ngăn cản. Ngoài ra, một lượng lớn tiền được đầu tư cho giai đoạn khởi đầu công trình xây dựng. Điều này có nghĩa rằng các nhà tổ chức hầu như hoàn toàn tự tin vào việc thực hiện dự án này.
Tóm lại, mặc dù sau chính biến ở Ukraine và Nga tiếp nhận Crimea, Mỹ và EU đã áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, cô lập về chính trị..., song North Stream vẫn hoạt động và North Stream 2 vẫn đang được triển khai.
Đức không muốn tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến Ukraine Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 3/12 đã lên tiếng bác lại các ý định rút Đức khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ... |
Nga cáo buộc Ba Lan cố ý làm leo thang căng thẳng Moscow - Kiev Nghị sĩ Nga Flants Klintsevich ngày 18/11 tuyên bố, Ba Lan đang cố lý làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đồng thời ... |
Mỹ và Ba Lan thảo luận về vấn đề năng lượng Ngày 27/1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang ở thăm Ba Lan đã có cuộc làm việc với Thủ tướng nước chủ nhà Mateusz Morawiecki ... |