Iran đã tiếp nhận lô hàng đầu tiên gồm các thiết bị theo hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 tân tiến của Nga vào ngày 11/4. Ngay sau đó, chính quyền Tehran đã đưa cả các bệ phóng tên lửa phòng không này vào cuộc diễu binh nhân Ngày Quân đội Quốc gia hôm 17/4.
Tổng thống Nga và Tổng thống Iran. Nguồn: Reuters |
Với những diễn biến trên, Iran hoàn toàn có lý do để “ăn mừng”, bởi quyết định một năm trước của điện Kremlin về việc tiếp tục hợp đồng bán hệ thống tên lửa S-300 từng bị đình lại là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy sự phát triển trong quan hệ đối tác giữa Nga và Iran, điều đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cục diện cuộc nội chiến tại Syria và thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Khác biệt tư tưởng
Tuy nhiên, theo nhiều phân tích thì sự trì hoãn trong việc thực thi hợp đồng này đã phản ánh những hạn chế trong mối quan hệ vốn được cấu thành từ sự giao thoa lợi ích chứ không phải từ sự đồng điệu về thế giới quan, với thực tế là giới lãnh đạo Iran có nhiều bất đồng nội bộ về ý thức hệ trong khi Nga dường như lại khá chần chừ trong việc thúc đẩy mối quan hệ đồng minh này.
Một số quan chức Iran muốn nâng tầm mối quan hệ với Nga lên mức đồng minh chiến lược và sâu sắc hơn những gì đang có hiện nay. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn chỉ nhắc đến khía cạnh mới trong hợp tác song phương Nga-Iran xuất phát từ tác động của cuộc xung đột tại Syria, nơi cả Moscow và Tehran đều ủng hộ chính quyền Damascus. Tháng 3/2016, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với Iran, song chưa thể thực sự bàn về một mô hình quan hệ song phương mới”.
Nga đang cân nhắc các lợi ích về mặt tài chính và ngoại giao từ thỏa thuận bán vũ khí cho Tehran, trước nguy cơ việc này sẽ khiến các nước khác như Saudi Arabia, Mỹ và Israel nổi giận hoặc dẫn đến việc khu vực phải chứng kiến một Iran trở nên quá mạnh mẽ. Maziar Behrooz - Phó Giáo sư về lịch sử Trung Đông và Hồi giáo tại Đại học San Francisco, người có nhiều năm nghiên cứu về quan hệ Iran với Nga - nói: “Iran và Nga chỉ có thể hình thành liên minh chiến thuật trong ngắn hạn, chứ không phải liên minh chiến lược. Tôi cho rằng sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa hai nước là quá sâu sắc”.
Hướng Đông hay hướng Tây?
Mối quan hệ giữa Nga – Iran được nâng lên cấp độ mới vào tháng 9/2015, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, cũng là một đồng minh của Iran. Trước đó, Iran đã triển khai lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) - lực lượng giúp tập hợp các binh sĩ của ông Assad - để cản trở bước tiến của phe đối lập.
Nga bàn giao hệ thống tên lửa S-300 cho Iran. Nguồn: Reuters |
Về mặt quân sự, hai cường quốc này đã có sự bổ sung cho nhau. Iran mang tới lực lượng bộ binh có kỷ luật và hợp tác tốt với các đồng minh Syria, trong khi Nga cung cấp lực lượng không quân hàng đầu mà Iran và Chính quyền của ông Assad không có. Về mặt ngoại giao, các chiến dịch chung đã giúp Tehran và Moscow có vai trò trung tâm trong tất cả các cuộc thảo luận về cấu trúc an ninh khu vực.
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ mức độ các lợi ích mà Moscow có được khi cơ hội giành được những hợp đồng kinh doanh “béo bở” tại Iran đang nở rộ nhờ việc phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trên thực tế, cho tới nay, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Nga đang đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường Iran. Điều này một phần là do các nguyên nhân về mặt tư tưởng. Ban lãnh đạo Iran bị chia rẽ, với việc phe cánh của Tổng thống Hassan Rouhani ngày càng dành nhiều sự quan tâm đến việc giao thương với phương Tây thay vì chống lại họ, dù nhiều chính sách của Mỹ vẫn bị Tehran chỉ trích. Trong khi đó, Nga gần như không có động cơ nào để tham gia “trục chống lại các lợi ích của phương Tây trong khu vực” của người Shi’ite, bởi việc này có thể sẽ hủy hoại quan hệ của Nga với các cường quốc Trung Đông khác như Israel, Saudi Arabia và Ai Cập.
Không mấy hòa hợp?
Liên minh gần gũi và có nhiều đặc quyền với Nga là điều mà Đại Giáo chủ Ali Khamenei, nhân vật quyền lực nhất Iran, mong muốn. Đại Giáo chủ Iran luôn cho rằng ảnh hưởng của phương Tây là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề mà Iran đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, điều này trái ngược với chính sách của Chính quyền Iran, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Rouhani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif. Sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đạt được hồi tháng 7/2015, hầu như hàng tuần, hai nhà lãnh đạo này đều có cuộc gặp với các phái đoàn phương Tây. Trên thực tế, Tổng thống Rouhani, một người từng học tập ở phương Tây, ít có xu hướng ngả về phía Nga và hiện có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với ông Putin. Phát biểu với hãng tin Reuters, một quan chức Iran giấu tên thừa nhận: “Ông Rouhani và ông Putin không mấy hòa hợp”.
Thực tế, Tổng thống Putin đã nỗ lực để cải thiện quan hệ với Iran. Trong chuyến thăm hồi tháng 11/2015, ông Putin đã trao lại cho ông Khamenei một trong các bản sao kinh Koran cổ nhất thế giới mà Nga đã lấy về trong thời gian chiếm đóng khu vực Bắc Iran hồi thế kỷ 19. Theo số liệu của Nga, kim ngạch thương mại với Iran năm 2015 chỉ đạt 1,3 tỷ USD, dù hiện có nhiều dấu hiệu về triển vọng gia tăng hợp tác kinh tế song phương. Nga cho biết họ sẵn sàng bắt đầu giải ngân khoản tiền 5 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng của Tehran. Hai bên cũng đang thỏa thuận về việc Nga chuyển dầu và khí đốt tới miền Bắc Iran, nơi có nguồn cung khan hiếm, và việc Iran chuyển dầu và khí đốt từ các khu mỏ miền Nam tới các khách hàng của Nga ở vùng Vịnh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng triển vọng hợp tác đang bị hạn chế đáng kể, bởi cả Nga và Iran đều đang thiếu các công nghệ và trang thiết bị tân tiến, những yếu tố mà Tehran cần có để hiện đại hóa ngành năng lượng của mình.