📞

Ngày Tem Việt Nam - vinh danh những con tem bưu chính

16:23 | 08/11/2016
Sáng nay (8/11), tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố Ngày Tem Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho biết,  ngày 26/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg, lấy ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Mang trong mình lịch sử đất nước

Cách đây 70 năm, nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công 19/8 và ngày Quốc khánh 2/9, ngày 27/8/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 172 cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chiếc tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ “Việt Nam” cùng với vị lãnh tụ vĩ đại đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, những chiếc tem thư này càng có ý nghĩa về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật… đánh dấu một mốc lớn đối với ngành Bưu điện nói riêng và đối với đất nước nói chung”.

Với ý nghĩa lịch sử, giá trị tinh thần của nó, bộ tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam và ngày 27/8/1946 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ công bố Ngày tem Việt Nam. (Nguồn: Infonet)

Trải qua 70 năm kể từ ngày ra đời, tem bưu chính Cách mạng Việt Nam, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí trên mạng lưới bưu chính, là đối tượng tìm kiếm của người sưu tập tem, còn là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với 1.072 bộ tem gồm 3.672 mẫu tem được phát hành, có thể nói, tem bưu chính Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh và vai trò lịch sử của mình, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ: “Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày tem Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò lịch sử của tem bưu chính Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ, động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong quản lý, nghiên cứu, sáng tác, in ấn, phát hành, sử dụng và quảng bá tem bưu chính Việt Nam; góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính, thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong các tầng lớp xã hội và tri ân các thế hệ những người làm công tác về tem bưu chính Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng”.

Cuốn bách khoa toàn thư vô giá

Tem bưu chính là cuốn bách khoa toàn thư bằng hình ảnh, đề cập đến mọi vấn đề xã hội. Mọi lĩnh vực của cuộc sống không chỉ xuất hiện trên các bì thư mà còn được nhiều người yêu mến, tìm kiếm, sưu tập.

Phát biểu tại buổi lễ, họa sỹ bưu chính Đỗ Tuấn chia sẻ: “Đã từ lâu, hình ảnh những phong bì thư dán con tem bé nhỏ, hàng ngày, hàng giờ mang niềm vui đến cho mọi nhà trên mọi miền đất nước và vươn ra khắp 5 châu, đã đi vào tiềm thức của toàn thể nhân loại. Những con tem tuy nhỏ bé nhưng mang những thông điệp cuộc sống lớn lao, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước".

“Trong sự nghiệp vinh quang và những thành tích to lớn được ghi nhận và tôn vinh ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ họa sỹ vẽ tem. Vinh dự này trước hết thuộc về lớp họa sĩ tiền bối, những người đi tiên phong trong việc vẽ nên những mẫu tem đẹp đầy ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của tem bưu chính Việt Nam” - họa sỹ Đỗ Tuấn khẳng định.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký lên một phong bì tem tặng người chơi tem tại buổi lễ. (Ảnh: M.H)

Chia sẻ với TG&VN, cụ Trần Đức Thông, nguyên phóng viên tạp chí Tem, là người chơi tem và cũng từng là cán bộ bưu chính cho biết: “Con tem tuy bé nhỏ nhưng có ý nghĩa  văn hóa, chính trị sâu sắc. Dù mới ra đời được hơn 100 năm nhưng con tem đã được cả thế giới chú ý và phát triển thành phong trào chơi tem trên toàn thế giới. Ở con tem nhỏ bé được vẽ nên tình hình đất nước, con người, lịch sử… thậm chí là sự thay đổi xã hội. Tôi mê tem và chơi tem từ nhỏ cũng là vì cái lẽ vô giá của nó”.

Xã hội ngày càng phát triển, người dùng có thể thường xuyên viết thư và gửi thư điện tử qua mạng internet, nhưng tem bưu chính vẫn không hề mất đi giá trị của mình. Bởi từ chức năng là phương tiện thanh toán cước phí bưu gửi, bưu phẩm, ngày nay vai trò của tem đã được mở rộng và nâng cao hơn trước. Mỗi con tem bưu chính đều là sự khẳng định về chủ quyền của quốc gia thông qua việc thể hiện quốc hiệu, quốc ngữ, đơn vị tiền tệ trên tem.