Trung Quốc có nguy cơ sa lầy ở Afghanistan. Ảnh: Các chiến binh thuộc lực lượng Taliban tại Afghanistan. (Nguồn: AFP/Getty) |
"Nghĩa địa của các đế chế" là biệt danh của Afghanistan, xuất phát từ việc các đế chế lớn trên thế giới đều thất bại trong những cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này, như Alexander Đại đế, Đế quốc Anh, sau đó là Liên Xô và hiện tại là nước Mỹ.
Giờ đây, Trung Quốc - siêu cường “non trẻ” của thế giới, có nguy cơ rơi vào cái bẫy tương tự, ngay cả khi nước này còn chưa thực sự bắt đầu cuộc “phiên lưu” mở rộng ảnh hưởng của mình tại Afghanistan.
Vẫn còn tranh cãi
Khi cuộc xung đột dài nhất của Mỹ bắt đầu đi vào hồi kết, trước thời điểm tượng trưng, ngày 11/9/2021, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách quốc tế của Trung Quốc đang mâu thuẫn về việc triển khai hiện diện ở Afghanistan.
Một mặt, Bắc Kinh luôn cảm thấy các chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan là một phần của một đại kế hoạch nhằm bao vây, kiềm tỏa và có lẽ là làm mất ổn định Trung Quốc, vì Bắc Kinh có chung một dải biên giới với Kabul.
Vì vậy, việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan và khả năng tái lập quyền kiểm soát của Taliban đối với Kabul là kịch bản được Trung Quốc hoan nghênh.
Tuy nhiên, khoảng trống quyền lực dần xuất hiện có khả năng tạo ra hỗn loạn trong một quốc gia có thể gây bất ổn toàn khu vực. Một cuộc nội chiến mới có thể thu hút các lực lượng thánh chiến chuyển sự chú ý đến những cáo buộc của một số chính phủ phương Tây về sự “diệt chủng” của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo.
Bắc Kinh đặc biệt lo lắng về việc các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trở về từ Syria, một trong những nơi có số lượng nhỏ người Duy Ngô Nhĩ đã chiến đấu cùng với các lực lượng của IS.
Nhanh chóng hiện diện
Đầu tháng 6, các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan gặp nhau để thảo luận việc dàn xếp an ninh sau khi Mỹ rút khỏi. Trung Quốc cũng đã "ve vãn” Taliban và thậm chí đề nghị hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án tái thiết cho nhóm này.
Bắc Kinh đang hy vọng sẽ mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Vành đai và con đường (BRI) từ dự án chính ở Pakistan nối đến Afghanistan và lạc quan rằng điều này cũng có thể giúp mang lại sự ổn định cho Kabul sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Bắc Kinh coi những sa lầy của Mỹ ở Afghanistan và Iraq sau vụ khủng bố 11/9 như một sự phân tâm của dư luận quốc tế, tạo cơ hội cho một Trung Quốc quyết đoán hơn.
Trong cơ có nguy
Giờ đây, Nhà Trắng đã công khai đề cập đến việc kết thúc cuộc xung đột để một phần giải phóng nguồn lực nhằm đối phó vấn đề trong nước. Việc kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ "sập bẫy” ở Afghanistan có thể là lý do dẫn đến quyết định rút lui khỏi Kabul của Tổng thống Biden.
Kế hoạch của Bắc Kinh đưa các dự án BRI vào Afghanistan chứa đầy rủi ro.
Đã có nhiều khuyến nghị cho rằng Bắc Kinh nên gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Afghanistan dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để bảo vệ “an toàn và lợi ích” của công dân và các công ty Trung Quốc.
Những nhiệm vụ quan trọng như vậy thường dần sẽ dẫn tới sự can dự sâu rộng hơn nhiều mà Trung Quốc cần phải cân nhắc. Chủ tịch Tập Cận Bình nên chú ý đến các bài học lịch sử và tránh trở thành nạn nhân mới của “nghĩa địa đế chế”.