Từ lâu, hình ảnh Australia trong trí tưởng tượng của người Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ hiện nay, là những chú chuột túi đáng yêu - biểu tượng quốc gia của Australia. (Nguồn: Sky news) |
Trong một bài viết trên trang The Diplomat ngày 31/5 với tiêu đề "Điển hình cho ngoại giao chuột túi trong quan hệ của Australia với Việt Nam", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland, cho biết Việt Nam và Australia đang tích cực chuẩn bị cho các chuyến thăm song phương cấp thủ tướng nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao.
Bài viết dự đoán hai nước có thể sẽ thông báo việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược hiện nay lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong các chuyến thăm của các Lãnh đạo cấp cao trong năm nay.
Theo đó, việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện sẽ là minh chứng mức độ tin cậy chính trị cao hiện có giữa hai nước và đánh dấu khả năng mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế xanh và năng lượng.
Hành trình ấn tượng
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá hai nước đã trải qua một hành trình ấn tượng kể từ khi trở thành Đối tác chiến lược cách đây 5 năm. Kết quả hợp tác giữa hai nước trên 3 trụ cột chính gồm kinh tế, thương mại và đầu tư; giáo dục và đào tạo; quốc phòng và an ninh, đều vượt trội.
Về trụ cột kinh tế, thương mại và đầu tư, Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, và ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đến cuối năm 2022 đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, riêng trong quý I/2023 đạt 3,4 tỷ USD. Australia cũng có hơn 500 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD ở Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng có hơn 50 dự án với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD ở Australia.
Về giáo dục và đào tạo, Australia trở thành một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Tính đến tháng 12/2022, có hơn 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục khác nhau của Australia, chiếm 4% số lượng sinh viên quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước hàng đầu có số sinh viên nhiều nhất đang theo học ở Australia.
Lĩnh vực an ninh và quốc phòng là trụ cột hợp tác phát triển mạnh mẽ và sâu rộng thứ ba. Kể từ khi hai nước tổ chức Đối thoại song phương về các vấn đề an ninh khu vực vào tháng 4/1998, và tiếp theo là việc Australia cử tùy viên quốc phòng sang Hà Nội năm 1999 và Việt Nam cử tùy viên quốc phòng sang Canberra năm 2000, hai bên đã ký nhiều văn kiện, thiết lập các cơ chế và tiến hành nhiều cuộc họp ở các cấp khác nhau nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc sự hợp tác trên lĩnh vực này.
Mặc dù kết quả hợp tác song phương cũng hết sức ấn tượng trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, đổi mới và sáng tạo, du lịch, song vẫn còn thiếu “chất keo dính” để làm cho quan hệ Việt Nam-Australia gắn kết và bền chặt hơn. “Chất keo dính” đó chính là giao lưu văn hóa trong tổng thể mối quan hệ giao lưu nhân dân đã được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ coi là một trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Australia.
Khái niệm giao lưu văn hóa rất rộng, có thể là giới thiệu các bộ phim, văn hóa ẩm thực, các loại hình nghệ thuật của mỗi nước cho công chúng hai bên. Các thế hệ người Việt từ lâu đã ấn tượng sâu sắc bởi những bộ phim kinh điển của Australia được chiếu trên truyền hình Việt Nam trong những năm 1980 và 1990 như “Cô gái đại dương” (1999), “Trở về vườn địa đàng” (1983), “Nhiệm vụ tối mật” (1995),... Thấm nhuần những giá trị văn hóa Australia, những bộ phim này đã đi sâu vào tâm trí của nhiều người Việt Nam.
Hội thảo hợp tác giáo dục đại học Việt Nam-Australia tại Hà Nội ngày 17/5. (Nguồn: ĐSQ Australia tại VN) |
Chuột túi có thể tượng trưng cho sự kết nối Việt Nam-Australia
Tuy nhiên, kiến thức, hào cảm của người Việt Nam về Australia đã vượt xa những bộ phim này. Từ lâu, hình ảnh Australia trong trí tưởng tượng của người Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ hiện nay, là những chú chuột túi đáng yêu - biểu tượng quốc gia của Australia.
Sẽ không quá lời khi nói rằng hiện có hơn 240.000 cựu sinh viên Australia tại Việt Nam. Điều này là do 80.000 du học sinh Việt Nam không chỉ đưa vợ chồng, con cái sang Australia mà họ thường còn được cha mẹ đến thăm ít nhất một lần trong thời gian lưu trú tại xứ sở chuột túi. Khi trở về Việt Nam, các cựu sinh viên và người thân của họ đã mang theo những ấn tượng tốt đẹp về đất nước này.
Đặc biệt, ít ai trong số họ có thể quên được hình ảnh những loài động vật hoang dã độc đáo của Australia. Những “cựu sinh viên” này trở thành những người kể chuyện về chuột túi với những người khác từ gia đình, khu phố cho tới nơi làm việc, truyền cho người nghe mong muốn được gặp loài vật độc đáo này.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đưa ra một gợi ý nhằm thắt chặt quan hệ song phương rằng Australia có thể tặng Việt Nam một vài chú chuột túi nhằm tượng trưng cho sự kết nối văn hóa, gần gũi về địa lý và chia sẻ những giá trị mà hai quốc gia coi trọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, đường bay thẳng nối Việt Nam và Australia đã đưa hai nước xích lại gần nhau, nhưng trong nhận thức của nhiều người Việt Nam, Australia dường như vẫn là miền đất xa xôi. Suy nghĩ đó sẽ thay đổi nếu người Việt Nam có thể nhìn thấy chuột túi trong vườn thú tại chính đất nước mình.
Khi đó, đối với người Việt Nam, Australia sẽ là một "người hàng xóm" thân thiết hơn và như cựu Thủ tướng Scott Morrison từng nói tại Hà Nội vào năm 2019 rằng hai nước cùng phấn đấu trở thành “những người bạn, cố gắng hiểu nhau, làm việc giải quyết các vấn đề khó khăn, cùng nhau tạo ra cơ hội và luôn gắn bó để theo đuổi những cơ hội đó".
Những chú chuột túi có đặc trưng là không bao giờ lùi bước mà luôn nhảy về phía trước. Chúng cũng luôn biết chăm sóc đồng loại, đại diện cho tinh thần hòa giải vì lối sống hòa hợp với môi trường xung quanh.
“Ngoại giao chuột túi” sẽ là một minh chứng tuyệt vời cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia. Đó là mối quan hệ luôn tiến về phía trước, gắn bó với nhau bởi nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, cùng nhau gác lại những khác biệt và tiến tới tương lai.