Bangladesh chạy thử tuyến đường sắt nối Dhaka với Bhanga qua cầu Padma do Trung Quốc tài trợ, tháng 9/2023. (Nguồn: THX) |
Từ khi giành được độc lập, Bangladesh đề ra chính sách đối ngoại trên tư tưởng “Muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc và không kết thù chuốc oán với ai” (Friendship to all, malice towards none) của nhà lập nước Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahma, vốn khắc ghi vào Hiến pháp năm 1972.
Lấy kinh tế làm bàn đạp quan trọng trong hoạch định đối ngoại, Bangladesh gây dựng và thắt chặt quan hệ bằng chính sách kinh tế-thương mại khéo léo, bảo đảm tình hữu nghị với các nước láng giềng như Trung Quốc và Ấn Độ, từ đó đưa Dhaka tiến gần mục tiêu phát triển toàn diện.
Cửa ngõ dẫn đến cơ hội mới
Bangladesh và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 1/1976 và nhất trí trở thành đối tác hợp tác chiến lược năm 2016, mở đường cho mối hợp tác sâu sắc hơn, trong đó kinh tế là cầu nối thiết yếu. Để giải quyết khoảng cách thương mại đáng kể giữa hai bên, Bắc Kinh không chỉ mở rộng hỗ trợ tài chính, mà còn tham gia Hiệp định thương mại châu Á Thái Bình Dương (APTA) năm 2011 để xóa bỏ hàng rào thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Dhaka, bao gồm cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sợi đay và dệt may.
Trong số các hiệp định đáng chú ý giữa hai nước có Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, cũng như hiệp định khung về khoản vay ưu đãi của Trung Quốc dành cho Bangladesh năm 2010. Trong giai đoạn này, đầu tư của Bắc Kinh vào Dhaka tăng từ 241 triệu USD lên gần 1,4 tỷ USD. Đến năm 2023, hơn 670 doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động ở nước láng giềng, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo ra hơn 550.000 việc làm.
Năm 2023 ghi dấu nhiều thành tựu lớn của hợp tác song phương, với việc hoàn thành và xúc tiến 14 dự án cơ sở hạ tầng lớn theo khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Đáng chú ý, nhân sự kiện khánh thành tuyến đường sắt nối Dhaka với Bhanga qua cầu Padma, tháng 10/2023 do Trung Quốc tài trợ 85%, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khẳng định: “Đây là ngày thực hiện ước mơ của đất nước”.
Bà Sheikh Hasina khen ngợi BRI, thừa nhận đây là cửa ngõ dẫn đến những cơ hội mới cho sự phát triển của Bangladesh.
Trên thực tế, trong 7 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng 12 đường cao tốc, 21 cây cầu và 27 dự án điện, năng lượng ở Dhaka, góp phần tích cực hiện thực hóa nguyện vọng của người dân sở tại.
Đi vào hoạt động tháng 8/2022, dự án siêu nhiệt điện Maitree của Bangladesh thuộc khuôn khổ chương trình tài trợ ưu đãi của Ấn Độ trị giá 1,6 tỷ USD. (Nguồn: Power Technology) |
Láng giềng hữu nghị
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Bangladesh là quốc gia độc lập, thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Dhaka giải phóng vào tháng 12/1971. Về mặt địa lý, hai nước có sự gần gũi về mặt chiến lược, mang đến cơ hội vàng tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế.
Quan hệ kinh tế song phương chứng kiến tiến bộ đáng kể. Trong năm tài chính 2023, mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Bangladesh như sợi bông, dầu mỏ, ngũ cốc và vải bông, đạt con số đáng chú ý là 12,20 tỷ USD. Ngược lại, hàng nhập khẩu của Dhaka từ New Delhi, bao gồm các mặt hàng như bông RMG, vải bông, sợi nhân tạo, gia vị và sợi đay, lên tới 2,02 tỷ USD trong cùng kỳ.
Nhờ hỗ trợ tài chính từ nước láng giềng, Bangladesh có đủ nguồn lực để tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Tuyến đường sắt xuyên biên giới Akhaura-Agartala, khánh thành tháng 11/2023, trải dài 12,24 km xuyên Bangladesh và bang Tripura (Ấn Độ), tượng trưng cho thành tựu hợp tác Ấn Độ-Bangladesh nhằm tăng cường kết nối khu vực. Với sự hỗ trợ tài chính từ New Delhi, sáng kiến này tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi văn hóa và thương mại xuyên biên giới, mở ra triển vọng du lịch.
Một dấu ấn nổi bật khác là dự án siêu nhiệt điện Maitree trong khuôn khổ chương trình tài trợ ưu đãi của Ấn Độ trị giá 1,6 tỷ USD. Đây là nhà máy điện có công suất lớn 1.320 MW ở khu vực Rampal của Bangladesh. Đi vào hoạt động từ tháng 8/2022, nhà máy đóng góp 91,7 MW vào lưới điện quốc gia, góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng của Dhaka.
Dự án kết hợp các biện pháp môi trường tiên tiến, bao gồm hệ thống khử lưu huỳnh khí thải, quản lý nước thải và chất thải tích hợp. Dự án Maitree đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, thúc đẩy an ninh năng lượng và kết nối khu vực.
Có thể thấy, thông qua ngoại giao kinh tế, Bangladesh tranh thủ được sự hỗ trợ từ hai nước láng giềng lớn, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào dự án trong nước, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.
Ngoại giao kinh tế đã trở thành một trong những nhân tố then chốt quyết định tiến trình tăng trưởng của Dhaka, củng cố vị thế nước này trên trường quốc tế.
| Ngoại giao thể thao: 'Xóa mờ' đường biên giới, tăng cường 'quyền lực mềm' của quốc gia Ngoại giao thể thao tạo ra sức ảnh hưởng lớn lên quan hệ quốc tế, nhưng chúng ta cần những chính sách cụ thể và ... |
| Người đàn ông Nepal lập kỷ lục lần thứ 30 chinh phục đỉnh Everest Ông Kami Rita chinh phục đỉnh Everest lần thứ 30 vào ngày 22/5, phá vỡ kỷ lục của chính mình chỉ 10 ngày sau lần ... |
| Ngoại trưởng Singapore: ASEAN là không thể thay thế Trả lời phỏng vấn sau chuyến công du Thái Lan, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, dù một số nước Đông Nam Á bày ... |
| Trung Quốc đẩy mạnh xung lực của ngoại giao gấu trúc Ngày 26/6, gấu trúc khổng lồ Yun Chuan và Xin Bao bắt đầu hành trình đến Mỹ, đánh dấu vòng hợp tác mới giữa Bắc ... |
| Ngoại giao đường sắt: Khi hai 'gã khổng lồ châu Á' va chạm Trong bối cảnh các nước nỗ lực xây dựng hạ tầng đường sắt nhằm tăng cường chất lượng giao thông, Nhật Bản và Trung Quốc ... |