Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, ngày 19/9/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Năm 2022 ghi đậm nét về những chuyển biến trong triển khai công tác NGKT phục vụ phát triển. Bà có thể cho biết những điểm nhấn quan trọng trong năm vừa qua?
So với năm 2021, bối cảnh năm 2022 có nhiều điểm khác biệt. Tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp hơn dự báo. Thế giới cơ bản bước qua giai đoạn dịch bệnh, song tiếp tục xảy ra những biến động lớn, nhất là xung đột tại Ukraine, làm trầm trọng thêm những khó khăn của kinh tế thế giới vốn đang chật vật hồi phục, tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia.
Trong bối cảnh đó, công tác NGKT năm 2022 đã được triển khai chủ động, tích cực, bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu trong nước, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine phục vụ phòng chống dịch bệnh sang NGKT phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Công tác NGKT đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì và trực tiếp chỉ đạo những định hướng quan trọng về đẩy mạnh triển khai công tác NGKT tại hai Hội nghị với sự tham gia của các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Ngay tại Bộ Ngoại giao, từ đầu năm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo toàn ngành phải tập trung tối đa cho phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua các Hội nghị về NGKT (tháng 1/2022), Hội nghị sơ kết công tác NGKT sáu tháng đầu năm (tháng 7/2022) cũng như các cuộc họp giao ban định kỳ, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể các Cơ quan đại diện và các đơn vị trong Bộ nhằm thúc đẩy các hoạt động NGKT một cách thiết thực, hiệu quả. Có thể kể đến một số điểm nhấn nổi bật của công tác NGKT năm 2022 như sau:
Thứ nhất, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành các định hướng, nhiệm vụ NGKT trọng tâm. Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 về công tác NGKT và tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị.
Thứ hai, hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, góp phần làm sâu sắc quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, đạt các kết quả cụ thể, thực chất, lượng hóa được. Trong tất cả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, các cơ quan đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy các nội dung kinh tế, với hơn 150 văn kiện hợp tác kinh tế đã được ký kết với các đối tác.
Thứ ba, công tác nghiên cứu, tham mưu kinh tế được đẩy mạnh, đóng góp thiết thực cho điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong năm 2022, Bộ Ngoại giao có nhiều báo cáo, nghiên cứu về kinh tế thế giới, các vấn đề liên quan đến kinh tế, liên kết kinh tế quốc tế, các xu thế lớn trình Chính phủ, được Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đánh giá cao. Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp, kết nối với nhiều đối tác quốc tế tổ chức các hoạt động tư vấn chính sách, phục vụ điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành.
Thứ tư, NGKT bám sát nhu cầu trong nước, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, trọng điểm, các địa phương, doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong mở cửa, thu hút du lịch quốc tế, hỗ trợ tìm kiếm mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao, các nguồn tài chính xanh…
Thứ năm, công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được triển khai bài bản, hiệu quả, trong đó tập trung tận dụng cơ hội từ mạng lưới 15 FTA để mở rộng không gian kinh tế, nắm bắt những cơ hội từ quá trình chuyển dịch và những xu hướng mới của kinh tế thế giới.
Hội nghị giao ban về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ngày 28/11/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bà có thể chia sẻ nhanh về quá trình xây dựng Chỉ thị số 15-CT/TW và đánh giá đâu là những điểm mới của Chỉ thị trên?
Sau gần 12 năm triển khai Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15/4/2010 về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, trước bối cảnh mới và với các yêu cầu mới về phát triển đất nước, nhất là các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc xây dựng và ban hành một văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác NGKT là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở đó, được sự đồng ý của Ban Bí thư và Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết Chỉ thị 41 và xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Có thể khẳng định, Chỉ thị 15 là văn bản quan trọng, chiến lược, toàn diện của Đảng về công tác NGKT, đưa công tác NGKT bước sang một giai đoạn mới. Chỉ thị của Ban Bí thư đã xác định nhiệm vụ đầu tiên là nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NGKT là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Chỉ thị 15 cũng nêu rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác NGKT cần xác định rõ trọng tâm, trong điểm, lấy lợi ích quốc gia-dân tộc, hiệu quả thực chất là tiêu chí hàng đầu, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Có thể nói đây là những tư duy mới, nhận thức mới về vai trò, nhiệm vụ của công tác NGKT, là kim chỉ nam để các cấp ủy, chính quyền tiếp tục cụ thể hóa thành những chương trình hành động cụ thể, đáp ứng kịp thời những yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bà có thể chia sẻ về định hướng trong năm mới 2023 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác NGKT trong giai đoạn mới và đưa Chỉ thị 15 vào cuộc sống trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022?
Tình hình kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng cho phát triển bứt phá, công tác NGKT cần được tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả, mạnh dạn, đột phá hơn.
Trước hết, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngoại giao để cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15, góp phần đưa Chỉ thị vào triển khai trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, nhất là các Sở Ngoại vụ trong công tác triển khai Chỉ thị 15.
Thứ hai, tập trung thúc đẩy để hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, gia tăng đan xen lợi ích, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, khó khăn, trong đó chú trọng các hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 40 đối tác trong năm 2023.
Thứ ba, khai thác mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai nhanh nhạy, kịp thời, chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược phục vụ thiết thực cho điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng kinh tế như thương mại, đầu tư, du lịch… cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…
Thứ năm, triển khai thực chất, hiệu quả nhiệm vụ lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trên cơ sở theo sát tình hình quốc tế, bám sát nhu cầu thực tiễn trong nước để đồng hành, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các địa phương và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả xử lý các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong hợp tác, kinh doanh với các đối tác quốc tế.
Thứ sáu, tạo chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong triển khai công tác NGKT, đặc biệt là tập trung đầu tư cho công tác đào tạo NGKT để không ngừng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác NGKT của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm 2022, quán triệt và áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các bài học kinh nghiệm của chiến dịch ngoại giao vaccine, các cán bộ làm công tác NGKT của Bộ Ngoại giao cả ở trong và ngoài nước sẽ tiếp tục phát huy cao nhất trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, triển khai công tác NGKT với phương châm “quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội phục vụ phát triển đất nước” như chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, để tiếp tục đóng góp cho phát triển đất nước, thực hiện những mục tiêu và khát vọng phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
| Bước tiến mới xây dựng nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại Ngày 14/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ ... |
| Tọa đàm về giải pháp chuyển đổi số cho Bộ Ngoại giao với Tập đoàn Viettel Triển khai chương trình công tác của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Ngoại giao, ngày 29/11, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Viettel ... |
| Họp giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày Ngày 28/12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì cuộc giao ban tháng 12/2022 giữa Ban chỉ đạo Ngoại ... |
| Sáng kiến IPEF: Xu hướng liên kết kinh tế mới Sáng kiến IPEF cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mở rộng vai trò hợp tác kinh tế tại ... |
| Tăng cường trao đổi công tác ngoại giao kinh tế giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lào năm 2023 Sáng ngày 5/1, tại Trụ sở Bộ, đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và đồng chí Kingphokeo ... |