Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Tọa đàm quốc tế “Các xu hướng lớn trên thế giới hậu Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” ngày 15/4. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Một số xu hướng chính đang nổi lên trên thế giới hiện nay bao gồm: số hóa trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, các mô hình phát triển bao trùm hơn và các mô hình phát triển xanh. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải tự vẽ ra một con đường thực tế nhằm góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu, vừa giúp đẩy mạnh nỗ lực phục hồi thời hậu Covid-19, vừa để đạt được các Mục tiêu Phát triển bề vững (SDGs) vào năm 2030.
Đó là lý do ngày 15/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao và Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm quốc tế “Các xu hướng lớn trên thế giới hậu Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”.
Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đại diện các bộ, ban, ngành, các tập đoàn và trường đại học ở Việt Nam. Tọa đàm thu hút sự tham dự của 15 chuyên gia quốc tế hàng đầu từ các tổ chức thuộc LHQ và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Công ty Tài chính quốc tế, Liên minh Viễn thông quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế...
Vai trò tiên phong của đối ngoại
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thể hiện khát vọng phát triển lớn, đó là trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, ngành Đối ngoại sẽ đóng vai trò tiên phong kết nối Việt Nam với các xu thế phát triển lớn của thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới phải đối mặt với những biến động to lớn, nhanh chóng và phức tạp. Kinh tế thế giới suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, nhưng chuyển đổi số lại được thúc đẩy mạnh mẽ, mang lại cả cơ hội và thách thức to lớn đối với mọi quốc gia.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều thách thức nhưng toàn cầu hóa số, lưu chuyển dữ liệu toàn cầu lại tiến triển nhanh chưa từng có. Chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ rõ hơn những tồn tại, tính thiếu bền vững trong mô hình sản xuất và tiêu dùng.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng nhận định, trong thời gian tới, ngành Đối ngoại cần đánh giá những xu hướng toàn cầu quan trọng, nhất là các xu hướng có thể tạo cơ hội cho Việt Nam bứt phá về phát triển. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đánh giá các bài học trong việc tận dụng các xu hướng toàn cầu để phục hồi kinh tế. Từ đó có thể ra được những đề xuất ưu tiên chính sách trong chiến lược phát triển của Việt Nam, để tận dụng, tranh thủ các xu thế toàn cầu lớn thời hậu Covid-19.
"Văn kiện Đại hội XIII đã xác định quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”. Trong đó, xác định đúng, trúng và phát huy mạnh mẽ động lực phát triển của đất nước là vấn đề cốt yếu để tạo ra sức mạnh và sự đột phá". Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Nhận diện thách thức
Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh tới một số xu thế lớn, tác động tới thế giới và khả năng kiến tạo tương lai tốt hơn của các quốc gia.
Ông Malhotra đề cập tới mối quan ngại ngày càng lớn đối với ba cuộc khủng hoảng là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm. Các cuộc khủng hoảng này đe dọa phá hoại các thành tựu phát triển đã đạt được, cũng như triển vọng phát triển trong tương lai.
Ông cũng nêu những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, cũng như tác động của tình hình này đến hợp tác đa phương, ẩn chứa nguy cơ xói mòn những giá trị phổ quát của nền quản trị toàn cầu; sự bất bình đẳng diễn ra trên diện rộng trong quá trình phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các quốc gia có thể tiếp tục làm suy giảm hợp tác đa phương ở quy mô rộng hơn trong những năm tới.
Ông Malhotra chia sẻ ấn tượng sâu sắc tới tốc độ nhanh mà thế giới đang vận động trong đại dịch để nắm bắt các công nghệ mới và có tính tiên phong nhằm hỗ trợ việc duy trì các dịch vụ cơ bản thiết yếu cũng như một số hoạt động kinh tế mặc dù rất nhiều người chịu tác động gián đoạn nghiêm trọng trong những lĩnh vực này và đa số chưa thể phục hồi; cho rằng tình trạng gia tăng bất bình đẳng trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau đã trở thành một xu thế lớn, đáng quan ngại. Vì vậy, việc giảm thiểu bất bình đẳng đồng thời theo đuổi chính sách phục hồi xanh và có khả năng chống chịu là mục tiêu cao nhất của LHQ.
Xác định xu hướng
Nhận định về các xu hướng lớn thời hậu Covid-19, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhất trí, hiện tại thế giới đang xuất hiện ba xu hướng nổi bật sau: (i) chuyển đổi số, (ii) chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, tự cường và bền vững và (iii) phục hồi xanh.
Đồng thời, các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý về chính sách nhằm giúp Việt Nam tranh thủ được các xu hướng lớn của thế giới, kết hợp hiệu quả nguồn ngoại lực này với sức mạnh quốc gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam đạt được các đột phá, hướng tới các mục tiêu phát triển đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, thứ nhất, về vấn đề chuyển đối số, các chuyên gia nhất trí rằng, xu hướng này đang ngày một được đẩy nhanh hơn, với quy mô lớn và rộng hơn trước, như một giải pháp để điều hướng trước tác động của Covid-19. Đây là một tín hiệu đáng mừng với các nước đang phát triển, bởi số hóa tạo ra vô số các cơ hội chiến lược giúp những quốc gia này phát triển vượt bậc.
Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset, Việt Nam đã và đang chống chịu rất tốt trong khủng hoảng Covid-19, ở một số lĩnh vực đã biến khủng hoảng thành cơ hội.
Nói về tiềm năng của chuyển đổi số, ông Morriset dự báo lợi ích của Việt Nam có thể gấp ba lần so với trước kia. Trong đó, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 100 tỷ USD trong 25 năm tới, lối sống của người dân cũng được cải thiện và đặc biệt hơn là mở ra các cơ hội việc làm mới. Để có thể chiến thắng cuộc đua số, Việt Nam cần phải hiện đại hóa cơ sở vật chất cũng như nâng cao kiến thức và năng lực của lực lượng lao động.
Thứ hai là xu hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, tự cường và bền vững. Các chuyên gia đã cùng nhau bàn luận cách thức có thể đẩy mạnh và nhanh hơn khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt là khả năng chịu đựng được những “cú sốc” tương tự khủng hoảng Covid-19 trong tương lai.
Ngoài ra, Covid-19 có những tác động to lớn và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và bao trùm, tạo ra những hậu quả đa tầng nấc mà hiện tại thế giới vẫn chưa hiểu rõ. Trước tình thế này, có thể giả định các nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, như người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, sẽ là những người bị bỏ lại phía sau nếu không được hỗ trợ đầy đủ trong các kế hoạch phục hồi, khiến cho nguy cơ bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cần phải có định hướng rõ ràng để có thể hưởng lợi từ xu thế toàn cầu hóa vẫn gia tăng mạnh mẽ, đồng thời xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài.
Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia của Oxfam tại Việt Nam, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021. Đồng thời, vị thế tại khu vực và trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng nổi bật tích cực. |
Thứ ba, về vấn đề phục hồi xanh, các chuyên gia nhất trí, phục hồi kinh tế phải đi kèm với việc thúc đẩy các chương trình phát triển xanh nhanh hơn và quyết liệt hơn.
Theo Trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Era Dabla-Norris, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, các hiện tượng khí hậu có thể làm giảm 65 đến 70% thu nhập từ cây trồng, vật nuôi của các hộ nghèo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như ô nhiễm không khí, lượng khí thải CO2 tăng dần theo thời gian. Vì vậy, bà Dabla-Norris khẳng định, xanh hóa quá trình phục hồi là một mục tiêu vô cùng quan trọng.
Buổi tọa đàm đã giúp các đại biểu quốc tế và Việt Nam thảo luận tương tác và về các xu hướng chính và phần nào xác định được các mục tiêu cần làm để đạt được các SDGs thời hậu Covid-19. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của thế giới, xem xét các hàm ý chính sách đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và đóng góp vào việc thực hiện các SDGs ở Việt Nam cũng như các mục tiêu phát triển quốc gia cho năm 2030 và 2045.