Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Minh Hằng trả lời phỏng vấn Báo TG&VN. (Ảnh: N.Hồng) |
Nhiệm vụ trung tâm
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 có ý nghĩa rất quan trọng, là Hội nghị triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao đầu tiên khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 cũng như các mục tiêu phát triển 2030, 2045.
Trong bối cảnh đó, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã khái quát hai “tinh thần” xuyên suốt, mạnh mẽ trong khuôn khổ Hội nghị.
Thứ nhất là tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm. Tư duy ngoại giao phục vụ phát triển được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị và đạt sự thống nhất cao của các đại biểu của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện cũng như các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Thứ hai là tinh thần quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương hành động. Tại các phiên họp của Hội nghị, rất nhiều định hướng, biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển nói chung và ngoại giao kinh tế đã được đề xuất, thảo luận.
Khẩn trương, quyết liệt là khí thế trong Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện với doanh nghiệp, địa phương và các Phiên kết nối các doanh nghiệp với các Đại sứ tại từng khu vực; Tọa đàm Gặp gỡ đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam; hay Tọa đàm thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương với Liên minh châu Âu (EU) về các biện pháp thúc đẩy nông sản Việt Nam vào thị trường EU, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU với tỉnh Bến Tre về thúc đẩy năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu...
Nghị quyết được thông qua tại phiên bế mạc Hội nghị Ngoại giao 31 cũng lần đầu tiên xác định phục vụ phát triển đất nước nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao, là thước đo quan trọng về hiệu quả của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Là người nhiều năm gắn bó tâm huyết với công tác hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế, bà Nguyễn Minh Hằng cho rằng, trong suốt 35 năm đổi mới vừa qua, ngoại giao đã đồng hành cùng đất nước, đóng góp hết sức quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhưng có lẽ trong giai đoạn khó khăn ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của ngoại giao trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ những yêu cầu phát triển đất nước càng được thể hiện rõ hơn.
Từ bài học của “ngoại giao vaccine”, theo bà Nguyễn Minh Hằng, nếu như ngoại giao xác định đúng những gì trong nước cần, huy động tối đa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai đối ngoại thì có thể tổng hợp nguồn lực bên ngoài rất nhanh và mạnh để hỗ trợ trong nước. Chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã có đủ nguồn vaccine trong khi trước đó, câu chuyện vaccine được xem là hết sức khó khăn.
“Thông qua ngoại giao vaccine, có lẽ ngành Ngoại giao cũng cảm nhận rõ hơn, nếu phát huy tốt nhất lợi thế của mình thì có thể phục vụ thiết thực và hiệu quả cho phát triển đất nước. Thành công của ngoại giao vaccine cũng là động lực, đòn bẩy cho ngành Ngoại giao tự tin hơn, thực sự thấy được vai trò của mình trong phục vụ phát triển”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế chia sẻ.
Bước chuyển về tư duy
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Hội nghị Ngoại giao 31 cho thấy một bước chuyển rất mạnh trong tư duy của ngành ngoại giao về ngoại giao phục vụ phát triển. Từ trước tới nay, thời nào ngoại giao cũng phục vụ phát triển kinh tế, nhưng có lẽ trước yêu cầu về phát triển hiện nay, khát vọng phát triển của đất nước sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển cũng lớn hơn, mạnh mẽ hơn.
“Có lẽ, chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ là một trong những cụm từ được nhắc nhiều nhất tại Hội nghị Ngoại giao 31”, bà Nguyễn Minh Hằng tâm đắc.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành đã cụ thể hóa, “gọi tên” những đề xuất gắn chặt với ngành ngoại giao như ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao năng lượng, ngoại giao khí hậu, ngoại giao đổi mới sáng tạo, ngoại giao số…
Như ngoại giao nông nghiệp, không chỉ là xuất khẩu mà còn hướng tới nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam ở nước ngoài; các cán bộ ngoại giao phải là “người cầm lái những chuyến xe thị trường”- theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế cho biết thêm, các địa phương đang bước vào giai đoạn phát triển mới, triển khai các chiến lược phát triển đã được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII và Đại hội của các địa phương. Do đó, trong khuôn khổ Hội nghị, các địa phương đưa ra nhiều đề nghị với Bộ Ngoại giao để hỗ trợ, đồng hành trong việc tham mưu, tư vấn về chính sách phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kêu gọi đầu tư công nghệ cao, thúc đẩy xuất khẩu, tập trung vào các lĩnh vực mới, bắt kịp xu thế hiện nay.
Phía doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Ngoại giao hỗ trợ mở cửa, tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, thủy sản có nhu cầu rất lớn trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ đầu tư và hiện diện ở nước ngoài. Việt Nam hội nhập càng sâu, ngoại giao càng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cảnh báo những nguy cơ, xử lý những tranh chấp khi doanh nghiệp gặp phải.
“Có lẽ, chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ là một trong những cụm từ được nhắc nhiều nhất tại Hội nghị Ngoại giao 31” - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng. |
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế cho biết, trên cơ sở các Nghị quyết và Kế hoạch hành động của Hội nghị Ngoại giao, Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế của Bộ sẽ trao đổi, xác định những định hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và thực chất.
Nhìn lại một thập niên qua, Trợ lý Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta đã thực hiện, làm rất tốt Chỉ thị số 41- CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy vậy, như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ trong khuôn khổ Hội nghị lần này, tình hình rất khác, nhiệm vụ rất khác. Vì vậy, cách làm về ngoại giao kinh tế cũng cần có hướng đi và cách làm mới”.
Những cam kết của Việt Nam, đặc biệt là cam kết vừa qua tại khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) thể hiện quyết tâm rất lớn của Việt Nam dựa trên thực lực của đất nước. Quyết tâm đổi mới, quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng là điều mà thế giới nhận thấy rất rõ ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Hội nghị Ngoại giao 31 cũng truyền tải thông điệp đối với bạn bè quốc tế về các quyết tâm phát triển, thực hiện khát vọng phát triển cũng như các định hướng về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Press Corner Đại sứ với Doanh nghiệp: Xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm. (Ảnh: Quang Hoà) |
Thấm nhuần “sứ mệnh” thiêng liêng
“Ngày hội” của các cán bộ ngoại giao còn là cơ hội để mỗi cán bộ trong ngành được lắng nghe những chỉ đạo sát sao, sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Có lẽ, không chỉ Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng mà tất cả các nhà ngoại giao sẽ đều cảm thấy vững tin trước lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc: “Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược”.
Từ xưa đến nay, bao thế hệ cán bộ ngoại giao vẫn luôn luôn cảm nhận, thấm nhuần được vinh dự, trách nhiệm, tự hào của người cán bộ ngoại giao là được đóng góp, phụng sự Tổ quốc, nhân dân.
Bà Nguyễn Minh Hằng cho rằng, thế hệ ngoại giao hiện nay chắc hẳn càng cảm nhận được điều đó nhiều hơn vì khát vọng phát triển đất nước mạnh mẽ và mãnh liệt hơn bao giờ hết, từ đó, trách nhiệm của cán bộ ngoại giao cũng lớn hơn. Vai trò tiên phong của ngoại giao cũng lần đầu tiên được xác định rõ.
Thành công của ngoại giao vaccine cho thấy, đằng sau mỗi chuyến bay chở những lô vaccine hạ cánh xuống Việt Nam là biết bao nỗ lực ngày đêm thầm lặng của các cán bộ ngoại giao, nhưng đổi lại, họ nhận được những điều thiêng liêng vô giá, góp phần bảo vệ sức khỏe của đồng bào, nhân dân! Bước chân ra ngoài, ra khỏi biên giới của Tổ quốc, mọi hoạt động của nhà ngoại giao luôn luôn với tâm niệm là phục vụ đất nước, người dân…
Những chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị, phương châm đối với ngành ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, theo bà Nguyễn Minh Hằng, là những định hướng quý báu cho các cán bộ ngoại giao thế hệ hiện nay.
Là người đã trải qua nhiều năm làm công tác đối ngoại đa phương, tham gia các hoạt động của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, ngoại giao cũng giống như quan hệ của con người, muốn thành công phải bắt nguồn từ sự chân thành, từ những cử chỉ chạm đến trái tim.
| Ngoại giao văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển trong tình hình mới Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao ... |
| Phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong giai đoạn mới Ngày 15/12, ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12), Bộ Ngoại giao đã tổ chức Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần ... |