Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Ngày 17/2, nhận lời mời của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 2/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của HĐBA với chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Thực hiện Nghị quyết 2532 nhằm bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng trong bối cảnh xung đột và mất an ninh”.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng cho rằng cần coi vaccine là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận vaccine với giá cả phù hợp cho tất cả các nước và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao và tuyến đầu chống dịch; kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế COVAX để có thể phân phối vaccine rộng rãi tới các nước đang phát triển và người dân trong khu vực xung đột. Đồng thời, việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu là yếu tố then chốt để tạo điều kiện cho việc phổ cập vaccine.
Phó Thủ tướng khẳng định, là thành viên tích cực của ASEAN và LHQ, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung cùng các nước vượt qua đại dịch.
Ngoại giao song phương
Trong bức thư đề ngày 15/2, Bộ trưởng Y tế Czech Blatny đã gửi lời chúc cộng đồng người Việt tại Czech một Năm mới hạnh phúc và khỏe mạnh, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ngoại giao đa phương
Ngày 19/2, Đại sứ các nước Nhóm G77 và Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva đã có cuộc họp trực tuyến với tân Quyền Tổng thư ký LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Isabelle Durant.
Đại diện Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tham dự cuộc họp đã khẳng định, Việt Nam chúc mừng và sẽ hợp tác chặt chẽ với Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant, đồng thời tin tưởng rằng bà sẽ dẫn dắt UNCTAD đạt được các thành tựu mới.
Trước đó, ngày 15/2, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc bổ nhiệm tân Tổng giám đốc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định Việt Nam tham gia đồng thuận cùng các nước ASEAN và các thành viên khác của WTO ủng hộ và chúc mừng bà Ngozi Okonjo-Iweala được lựa chọn vào vị trí Tổng giám đốc WTO.
Sáng 18/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp trực tuyến, thảo luận định kỳ hàng tháng về tình hình Yemen và nghe báo cáo về hoạt động của Ủy ban được thành lập theo NQ 2140 về Yemen (Ủy ban 2140).
Trước đó, sáng 16/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tuyến mở về tình hình Iraq.
Ngày 18/2, Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp cùng đại diện các Bộ ngành liên quan.
Việt Nam đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong Khóa họp lần thứ 59 Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp quốc (CsoD) được tổ chức trực tuyến từ ngày 8-17/2.
Ngày 16/2, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã tham dự Hội nghị thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris (Pháp) tiên phong về bình đẳng giới theo hình thức trực tuyến.
Nhận lời mời của Ban Giám đốc Đại học Khoa học Ứng dụng & Nghệ thuật Tây Bắc, Thụy Sỹ (FHNW), ngày 16/2, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ, Tiến sĩ Lê Linh Lan đã tham dự với tư cách diễn giả chính tại Hội thảo về Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ Dự án Khám phá ASEAN (Explore ASEAN).
Ngày 15/2, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ trách Cộng đồng và Nội bộ Trần Đức Bình đã chính thức nhậm chức. Là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, Phó Tổng thư ký Trần Đức Bình từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó có Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN từ năm 2018 đến năm 2021.
Bảo hộ công dân
Trước những diễn biến biểu tình gia tăng cả về số người tham gia, hình thức và thời gian, để triển khai kế hoạch bảo hộ công dân kịp thời, bảo đảm an toàn cho công dân tại Myanmar, ngày 17/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã đề nghị cung cấp danh sách công dân chậm nhất vào 17h ngày 19/2/2021.
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cũng một lần nữa yêu cầu các công dân bình tĩnh, tiếp tục có biện pháp giữ an ninh, an toàn cho cá nhân và doanh nghiệp, như nêu tại các thông báo trước đó (Thông báo số 4/2021 ngày 8/2); thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tránh đi vào nơi tụ tập đông người; không tham gia biểu tình; tránh đi lại vào giờ giới nghiêm.