📞

Ngoại giao vaccine Covid-19 - Chiến dịch PR mạnh tay của Trung Quốc ở Mỹ Latinh

Tú Trinh 13:30 | 14/07/2021
Dịch Covid-19 đã giúp Trung Quốc có cơ hội nâng tầm vị thế, ảnh hưởng của mình ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean thông qua chính sách ngoại giao vaccine đầy táo bạo.
Lô vaccine Covid-19 của Trung Quốc tới Brazil. (Nguồn: FP)

Giải tỏa "cơn khát"

Trong bài viết xuất bản ngày 12/7 trên National Defense, tác giả By R. Evan Ellis cho biết, theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) thống kê, con số tử vong vì Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbean cao hơn khoảng 75% so với ở Mỹ.

Hơn nữa, trong khi Mỹ đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 62% dân số trưởng thành, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm xuống đáng kể thì ở Mỹ Latinh và Caribbean, các biến thể của Covid-19 gia tăng đáng kể, tạo ra những làn sóng lây nhiễm mới và buộc nhiều nước phải đóng cửa nền kinh tế.

Khi “cơn khát” vaccine ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean ngày càng cấp bách, Trung Quốc đã hành động bằng những chiến dịch cụ thể nhằm “cứu nguy” cho khu vực.

Các công ty dược của Trung Quốc như Sinovac và Sinopharm đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn II và III ở các quốc gia bao gồm Peru, Brazil và Argentina. Điều này tạo cơ sở cho việc chứng nhận và phân phối vaccine Covid-19 của Trung Quốc tại khu vực được thực hiện một cách nhanh chóng.

Hiện nay, quốc gia châu Á đã và đang cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho 12 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.

Việc Trung Quốc sớm kiểm soát được dịch bệnh trong nước, đồng thời thúc đẩy song song việc sản xuất và xuất khẩu vaccine đã giúp nước này chủ động trong chiến lược ngoại giao vaccine của mình.

Theo PAHO, tính đến cuối tháng 5, 82% tổng số liều vaccine Covid-19 được tiêm ở Chile là vaccine của Trung Quốc, con số này ở El Salvador là 86% và ở Peru là 32%. Trong tháng 5, Venezuela cũng đã nhận 1,3 triệu liều vaccine từ Bắc Kinh.

Tất nhiên, những lô vaccine Covid-19 của Trung Quốc không “thầm lặng” đến với xứ sở Mỹ Latinh và Caribbean. Hình ảnh cờ Trung Quốc, dấu vaccine sản xuất từ Trung Quốc được in trên các thùng vaccine khi hạ cánh xuống các sân bay. Quá trình trao hàng cũng được chứng kiến bởi giới quan chức sở tại, báo giới.

Tính toán chiến lược

Tác giả bài báo nhận định, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác các lợi ích kinh tế và chính trị tại khu vực. Mặc dù là tăng cường đưa vaccine tiếp cận với khu vực Mỹ Latinh và Caribbean nhưng Bắc Kinh đã rất khéo léo để mình không bị "lỗ”, các nước trong khu vực tiếp cận vaccine dưới hình thức các khoản vay.

Thời gian qua, Trung Quốc đã cung cấp một quỹ cho vay trị giá 1 tỷ USD để tạo điều kiện cho người Mỹ Latinh mua vaccine độc quyền của quốc gia châu Á. Các ngân hàng chính sách của nước này cũng cung cấp các khoản vay để giúp các chính phủ Mỹ Latinh mua sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bước đầu gặt hái được thành công về mặt chính trị thông qua chiến lược ngoại giao vaccine. Sau khi có được những cam kết của Trung Quốc về vaccine ngừa Covid-19, cả Brazil và Cộng hòa Dominica đều đã hủy bỏ quyết định trước đó là loại trừ Huawei ra khỏi chính sách phát triển 5G.

Nhằm có được vaccine, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez đã công khai cam kết sẽ mở văn phòng thương mại ở Trung Quốc, bước đầu tiên trong việc công nhận ngoại giao với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Mỹ cần hành động

Nếu những tính toán chiến lược của Trung Quốc tại đây sớm được hiện thực hóa thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng và gây khó khăn cho vị thế của Mỹ trong khu vực.

Việc đưa thiết bị viễn thông của Trung Quốc vào Mỹ Latinh có thể sẽ gây khó khăn cho Washington trong việc cung cấp thông tin tình báo nhạy cảm.

Chưa kể, hiệu quả vaccine ngừa Covid-19 đang là một câu hỏi chưa có lời giải tại một số nước trong khu vực.

Ở Chile, các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của liều vaccine Sinovac đầu tiên khá thấp, chỉ khoảng 3%. Dù nước này đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 94% dân số với một liều vaccine vào cuối tháng 5/2021 nhưng tốc độ lây lan của các biến chủng Covid-19 vẫn rất phức tạp.

Do vậy, Mỹ cần phải có những điều chỉnh nhất định trong chiến lược vaccine của mình đối với khu vực. Chính quyền Tổng thống Biden đã tài trợ cho các đối tác toàn cầu 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và cam kết cung cấp tới 20 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, Mỹ Latinh và Caribbean phải là những điểm đến ưu tiên trong chiến lược vaccine của Washington.

Kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Mỹ Latinh cũng là điều kiện tiên quyết để giảm bớt áp lực di cư đến Mỹ. Hơn nữa, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng đi sâu hơn vào chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực sẽ là một mối đe dọa rất lớn đối với Mỹ ngay tại “sân nhà”.

Khu vực Mỹ Latinh và Caribbean có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của nước Mỹ.

(theo National Defense)