📞

Ngoại giao vaccine: Trao đi yêu thương, nhận về sẻ chia

Trang Trần 15:50 | 04/10/2021
Nhờ những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế mà quá trình ngoại giao vaccine Covid-19 trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn, góp phần vận động được một số lượng lớn “mặt hàng khan hiếm” cập bến Việt Nam.
Tính đến hết tháng 9, Việt Nam đã tiếp nhận 59,7 triệu liều vaccine Covid-19 nhờ triển khai công tác ngoại giao vaccine quyết liệt, bài bản. (Nguồn: VTV)

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng sự xuất hiện của biến thể Delta, vaccine Covid-19 đã trở thành mặt hàng khan hiếm và được khao khát nhất trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với “mặt trận” ngoại giao vaccine thêm phần gian nan, thử thách.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 9, Việt Nam đã tiếp nhận 59,7 triệu liều vaccine Covid-19.

Đây là kết quả của chiến dịch ngoại giao vaccine quyết liệt, bài bản với những nỗ lực to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và hơn 90 Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài.

Nền tảng cho sự tin cậy và chia sẻ

Trong quá trình triển khai công tác ngoại giao vaccine, cùng với lợi thế là sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, từ các hoạt động ngoại giao trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự phối hợp nhịp nhàng với các Bộ, ngành trong nước, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn có thuận lợi không nhỏ chính là uy tín, thiện cảm từ chính những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương.

Đến hết tháng 9/2021:

Nguồn viện trợ từ COVAX: 12,6 triệu liều (bao gồm viện trợ của các nước qua COVAX).

Nguồn viện trợ song phương: 11,1 triệu liều. Các nước viện trợ song phương cho Việt Nam gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, Australia, Czech, Ba Lan, Đức, Cuba, Romania, Hungary, Slovakia…

Nguồn mua từ các nước và các hãng sản xuất: 20,9 triệu liều.

Nguồn do công ty tư nhân tài trợ: 15 triệu liều.

Là một trong số ít các nước đang phát triển đóng góp tài chính cho Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế này.

Cảm ơn sự đóng góp tự nguyện của Việt Nam, bà Aurélia Nguyen, Giám đốc điều hành COVAX cho rằng, điều này thể hiện sự hợp tác, đoàn kết của Việt Nam với cơ chế, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng hiệu quả những liều vaccine mà COVAX cung cấp trong khi tình trạng thiếu hụt vaccine đang phổ biến khắp nơi trên thế giới.

Từ điểm nóng của ngoại giao vaccine, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, việc vận động vaccine Covid-19 ở Mỹ thực sự là một cuộc đua khốc liệt giữa rất nhiều nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ áp dụng linh loạt cách thức vận động là triển khai diện rộng, kết nối với bất kỳ nơi nào có khả năng cung cấp vaccine.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, khi nắm được thông tin chính phủ Mỹ sắp triển khai viện trợ vaccine cho châu Á, song Việt Nam lại không nằm trong danh sách ưu tiên do chống dịch thành công trong giai đoạn trước đó.

Với tình hình dịch bệnh trong nước đang nóng lên từng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ quyết định triển khai vận động tổng lực các kênh các cấp. Trong một thời gian ngắn, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã gặp dồn dập các quan chức chủ chốt của Mỹ có liên quan đến vaccine để vận động. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định đóng góp tài chính vào cơ chế COVAX.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ cảm kích vì sự hỗ trợ Việt Nam dành cho Mỹ trong đợt bùng dịch Covid-19 hồi tháng 4 năm ngoái. Mỹ đã gửi tặng Việt Nam 5 triệu liều vaccine Covid-19 và thêm 1 triệu liều nữa trong đợt viện trợ lần này. (Nguồn: TTXVN)

Nhờ đó, vào đầu tháng 6, Mỹ công bố danh sách, trong đó Việt Nam thuộc diện ưu tiên viện trợ vaccine. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhắc đến nghĩa cử viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế của Việt Nam khi Mỹ gặp khó khăn.

Đại sứ Hà Kim Ngọc kết luận: “Sự hợp tác hiệu quả về y tế giữa hai nước trong những năm qua đã tạo nền tảng quan trọng cho sự tin cậy và chia sẻ lẫn nhau”.

Sự đền đáp

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Ba Lan. Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cho biết, ban đầu Việt Nam chưa phải quốc gia được Warszawa chia sẻ vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự vận động và đề xuất của Đại sứ quán, phía Ba Lan đã sớm đưa Việt Nam vào danh sách tiếp cận vaccine, giúp Việt Nam trở thành quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên được Warszawa viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế

Theo Đại sứ Nguyễn Hùng, việc vận động vaccine thành công là nhờ vào những bạn bè lâu năm có tình cảm với Việt Nam, sự bám sát và thúc đẩy các cơ quan chức năng Ba Lan sớm thông qua quyết định và “động thái có tính quyết định” là bức thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki.

Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Hùng cũng đặc biệt lưu ý sự ghi nhận của nước bạn đối với những đóng góp của cộng đồng người Việt cho sở tại, sự ủng hộ của Việt Nam đối với Ba Lan khi gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 hồi năm ngoái.

Trong buổi lễ bàn giao 501.600 liều vaccine Covid-19 Ba Lan tặng Việt Nam ngày 23/8, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel đã nhấn mạnh sự ghi nhận này và bày tỏ xúc động: "Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam trong lúc khó khăn, thì bây giờ cũng là lúc chúng tôi đền đáp điều đó”.

Đại sứ Nguyễn Hùng đánh giá: “Chính vì những nghĩa cử, hành động đẹp của ta khi bạn gặp khó đã khiến Ba Lan coi việc ủng hộ, chia sẻ vaccine với Việt Nam là nghĩa vụ, đáp ứng tình hữu nghị giữa hai nước”.

Đại sứ Wojciech Gerwel thay mặt Chính phủ Ba Lan bàn giao cho Bộ Y tế 501.600 liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca. (Nguồn: VGP)

Năm ngoái, là một trong những nước kiểm soát tốt đại dịch, Việt Nam đã viện trợ số lượng lớn khẩu trang và thiết bị y tế cho nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó có Italy, điểm nóng dịch Covid-19 tại châu Âu trong giai đoạn đầu dịch.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cho hay, quá trình vận động vaccine của Đại sứ quán diễn ra bài bản, chia thành các nhóm nhỏ để vận động các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương.

Trong thông báo tặng hơn 800.000 liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Bộ Ngoại giao Italy nhấn mạnh số vaccine này nhằm thể hiện lòng biết ơn nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ, chia sẻ với nhân dân Italy khi dịch bùng phát mạnh vào đầu năm ngoái.

“Trong lúc khó khăn này, chúng ta thật sự cảm nhận được tình bạn với tất cả các nước đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ bày tỏ.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Czech Thái Xuân Dũng kể lại khi gặp bất kỳ đối tác nào để vận động vaccine thì đều nhận được sự nhiệt tình ủng hộ với lời hứa: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”.

Vấn đề nằm ở chỗ Czech không sản xuất trực tiếp vaccine Covid-19. Họ cũng là nước nhập khẩu vaccine và không biết có đủ vaccine cho chính họ hay hay không.

Qua quá trình tiếp xúc, nắm được thông tin Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Czech nói riêng có một lượng vaccine dôi dư, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech đã vận động theo 3 phương án, đề nghị phía Czech tặng vaccine, nhượng vaccine và cho vay vaccine.

Đại sứ Thái Xuân Dũng nhận định, công tác ngoại giao vaccine của Đại sứ quán gặp 3 thuận lợi lớn.

Một là, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Czech đang trên đà phát triển tốt đẹp.

Hai là, cộng đồng người Việt đông đảo, có hình ảnh tốt với chính quyền, người dân sở tại.

Ba là, khi đại dịch bùng nổ ở Czech, Chính phủ, nhân dân Việt Nam ở trong nước cũng như sở tại đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ người dân Czech như may khẩu trang, quyên góp vật phẩm, vật tư y tế, tổ chức cơm từ thiện cho lực lượng phòng chống dịch… Những việc làm đó được lãnh đạo cấp cao Czech, chính quyền địa phương, người dân Czech đánh giá cao.

Cộng đồng người Việt tại Czech đã có nhiều hoạt động từ thiện và hỗ trợ thể hiện sự đoàn kết với người dân sở tại trong công cuộc chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả là, tại cuộc điện đàm giữa hai Thủ tướng, Czech đã tặng Việt Nam đã trao tặng 250.000 liều vaccine phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đó chỉ là một vài mẩu chuyện trong nỗ lực ngoại giao vaccine của hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Hoạn nạn mới biết chân tình, hơn bao giờ hết, vào thời khắc khó khăn, thách thức khi dịch bùng phát trở lại, đón nhận những liều vaccine Covid-19 quý báu của các bạn bè quốc tế, chúng ta càng thấm thía được lẽ sống giúp người cũng là giúp chính mình. Nhờ tình cảm nhân ái, chân thành, trong sáng trao đi khi bạn gặp khó khăn mà đến khi gặp hoạn nạn, chúng ta nhận lại những bàn tay chìa ra giúp đỡ.

Những con số biết nói của từng đợt hàng trăm nghìn, hàng triệu liều mà ngoại giao vaccine vận động được là minh chứng rõ ràng nhất cho uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục. Đây là thành quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế mà Việt Nam đã nỗ lực triển khai trong những năm qua.